Trường học đầu tiên

.

Gia đình là trường học đầu tiên, là môi trường giáo dục đặc biệt đối với sự phát triển của con người. Mỗi thành viên trong gia đình tùy từng vị trí của mình có thể trở thành tấm gương cho trẻ học tập và bắt chước.

So với các lực lượng giáo dục khác, gia đình có những ưu thế lớn trong việc hình thành nhân cách trẻ em. (Hình ảnh chụp tại Trường tiểu học An Phước, huyện Hòa Vang) Ảnh: MAI HIỀN
So với các lực lượng giáo dục khác, gia đình có những ưu thế lớn trong việc hình thành nhân cách trẻ em. (Hình ảnh chụp tại Trường tiểu học An Phước, huyện Hòa Vang) Ảnh: MAI HIỀN

Vai trò của cha mẹ

Không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và hoàn thiện nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Theo các nhà nghiên cứu, một mối liên hệ tốt với cha mẹ sẽ đem lại cho con trẻ sự phấn chấn, tin cậy, lòng biết ơn và sự hào hiệp sau này. Nếu mối liên hệ ấy bị trẻ coi là “xấu” thì sẽ đem lại cho chúng nỗi lo sợ mất đi cái gì đang có, sự bất an, sự ganh tức, sự nghi ngờ, thậm chí cả sự co mình lại...

Rất nhiều trẻ em coi cha mẹ mình là mẫu hình lý tưởng hoặc cũng có khi là “hình ảnh méo mó” của môi trường xã hội. Trẻ em sẽ chịu ảnh hưởng một cách vô thức hoặc tự giác từ những người lớn đầu tiên, thường xuyên ở bên cạnh mình.

Vì vậy, nếu sống trong một gia đình thiếu sự quan tâm của các thành viên với nhau, hay có cãi vã, mâu thuẫn hoặc thậm chí dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như sự gia tăng của tỷ lệ trẻ em phạm tội, trẻ em hư, trẻ em bỏ học và tình trạng bạo lực học đường.

Mô hình sống chỉ gồm hai thế hệ cha mẹ và con cái phần lớn như hiện nay không phải lúc nào cũng tạo được sự thuận lợi cho các thành viên trong gia đình. Xã hội hiện đại cùng với nhịp sống gấp gáp, năng động kéo mọi cá nhân theo dòng chảy của nó. Bữa cơm tối nhiều khi không thể đủ mặt các thành viên và thời gian dành cho việc trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt thông tin cũng như đáp ứng được các nhu cầu của các thành viên trong gia đình.

Anh Lê Văn Trung, Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) cho biết, trước thực trạng bạo lực học đường như hiện nay, vừa rồi Ban đại diện đã kết hợp với Ban giám hiệu nhà trường ban hành bản cam kết với học sinh trên cơ sở nhà trường và phụ huynh cùng nhau ký kết, yêu cầu học sinh “Cam kết thực hiện văn hóa ứng xử học đường và phòng chống bạo lực học đường”. Cốt lõi vấn đề là để cho các cháu hiểu được nội dung trong bảng cam kết mà bố mẹ ký để các cháu thực hiện”.

Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng chia sẻ: “Đa phần những học sinh hay vi phạm kỷ luật đều rơi vào trường hợp được cha mẹ nuông chiều, thiếu sự quan tâm của cha mẹ; nếu có chuyện xảy ra thì phụ huynh cố bảo vệ con nên nếu chỉ dùng lời nói thì họ sẽ không tin về những vi phạm của học sinh đó. Chúng tôi phải chỉ rõ cho phụ huynh hay thì họ mới tin”.

Chị T.- phụ huynh một học sinh lớp 5 Trường tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang) bộc bạch: “Là một người làm trong ngành giáo dục nên mỗi khi nhắc đến vấn đề bạo lực học đường tôi thực sự rất đau lòng. Tôi có hai cháu, con trai đầu lớp 12 và bé sau lớp 5. Mỗi khi đọc được một bài báo hay thông tin gì về bạo lực học đường tôi đều tìm cách chia sẻ cho con biết nhưng cố gắng tránh để con bị áp lực. Cả 2 cháu đều dậy thì sớm nên tôi luôn dành thời gian để dạy cho con những kiến thức về chăm sóc sức khỏe giới tính. Có người bảo, dạy những điều đó sớm thì chẳng khác gì bắc thang cho con. Nhưng không, tôi nghĩ trẻ nên được trang bị những kiến thức đó càng sớm càng tốt cho trẻ. Đồng thời, tôi luôn dạy con phải bình tĩnh, biết kiểm soát cảm xúc khi gặp một tình huống không hay bên ngoài, tránh xô xát, xung đột. Còn về vấn đề quản lý sinh hoạt của con thì bí quyết của tôi là phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy thêm. Tuy nhiên, sự quản lý này cần diễn ra trong sự tôn trọng trẻ nên cha mẹ cũng như thầy cô phải tâm lý, không nên để trẻ biết sẽ tốt hơn”.

Gia đình là kênh đặc biệt quan trọng

PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Chức năng giáo dục của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em luôn được thừa nhận trong quá khứ và hiện tại ở bất kỳ xã hội nào. Tuy nhiên ở nước ta, từ khi chuyển đổi cơ chế kinh tế, trong một bộ phận không nhỏ các gia đình, chức năng quan trọng này không phải lúc nào cũng được phát huy đúng mức. Cơ chế thị trường đề cao chức năng kinh tế đã tạo ra sự mất cân bằng và hài hòa giữa các chức năng của gia đình, chức năng giáo dục bị xem nhẹ”.

Việc một số gia đình “bó tay” với con em thường rơi vào một trong 3 trường hợp: hoặc là, đứa trẻ có tính khí thất thường; hoặc là, đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình không hòa thuận; hoặc là, đứa trẻ thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Các bậc cha mẹ trước khi tuyên bố “bó tay” với con cái hãy tự hỏi trách nhiệm, biện pháp của mình đến đâu, như thế nào, trục trặc ở khâu nào, cần sự tư vấn, giúp đỡ từ phía nào. Nếu buông xuôi, “khoán trắng” cho nhà trường và xã hội thì hiệu quả chắc chắn không cao. Gia đình phải là nơi đầu tiên (và là nơi cuối cùng) gần gũi nhất, thuận lợi nhất để phát triển nhân cách.

Một cán bộ Phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT) thành phố, biện pháp hữu hiệu nhất để giáo dục con cái đối với cha mẹ học sinh là: dành thời gian quan tâm đến con cái, từ việc ăn ngủ, giờ giấc đến trường, đi chơi, bạn bè, yêu đương, sở thích, việc truy cập vào các trang mạng xã hội, tham gia các trò chơi trên Internet...; để vừa tạo điều kiện (trong khả năng) vừa điều chỉnh, giúp đỡ các em.

Cha mẹ nên kiểm tra đột xuất các hoạt động của con em để đánh giá đúng tình hình; tránh việc ngộ nhận, chủ quan, bao che...; kịp thời thông báo cho nhà trường những thay đổi khác thường trong tâm lý, sinh hoạt, việc học tập để có biện pháp phối hợp; thuyết phục nhưng kiên quyết với những đòi hỏi quá đáng về tiền bạc, mua sắm (xe máy, điện thoại đời mới...), ăn diện, sinh nhật, tiệc tùng... Cha mẹ phải kiểm soát được việc tiêu tiền, vui chơi ngoài giờ của con cái; đối với những con em đã có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm pháp luật (đánh nhau gây thương tích, vi phạm giao thông, trộm cắp...), gia đình không nên che đỡ mà phải phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, giáo dục đúng mức.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT) cũng cho rằng: “Gia đình là trường học đầu tiên, là môi trường giáo dục đặc biệt đối với sự phát triển của con người. Gia đình giáo dục trẻ em thông qua các mối quan hệ đặc biệt giữa vai trò của những thành viên trong gia đình. Đó là quan hệ huyết thống, tình cảm giữa cha mẹ và con, giữa ông bà và cháu. Mỗi thành viên trong gia đình tùy từng vị trí của mình đều trở thành tấm gương cho trẻ học tập và bắt chước”.

PGS.TS. Lê Quang Sơn nhấn mạnh: “Gia đình là một nhân tố không thể thay thế trong giáo dục con cái, trong sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Trong điều kiện hiện đại của xã hội Việt Nam, việc mỗi bậc cha mẹ ý thức rõ ràng vai trò và trách nhiệm của gia đình trong việc hình thành nhân cách trẻ em, hiểu rõ những thách thức và những định hướng mục tiêu trong giáo dục gia đình hiện nay, chủ động và chịu trách nhiệm chính trong giáo dục trẻ em nên người là một vấn đề có tính chất sống còn cho sự tồn tại và phồn vinh của xã hội, cho sự phát triển của mỗi cá nhân”.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.