Từ tình yêu thương trẻ

.

“Tôi thường nói với các em chuyện về sách, mong muốn truyền cho các em thói quen đọc, tình yêu với sách. Bởi tôi nghĩ thật khó để một đứa trẻ mê sách làm chuyện xấu, trong đó có việc gây bạo lực với bạn bè, thầy cô”.

Thầy Lê Viết Chung (giữa) trong một chuyên đề phòng chống xâm hại trẻ em tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thầy Lê Viết Chung (giữa) trong một chuyên đề phòng chống xâm hại trẻ em tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đó là chia sẻ của ThS. Lê Viết Chung, Chủ nhiệm bộ môn Phương pháp dạy học, khoa Tin học (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), người có niềm đam mê đặc biệt với những hoạt động tình nguyện hữu ích giúp trẻ phòng chống bạo lực học đường. Hiện thầy Chung là Chủ nhiệm nhóm “Chung tay”, hằng tuần đi về các trường tiểu học, THCS trên địa bàn để nói chuyện với các em nhỏ chuyện về sách, về cách yêu quý, bảo vệ bản thân mình, về học và chơi, về văn hóa dùng facebook…

“Chung tay” đã sinh hoạt được hơn 2 năm, hiện có 7 thành viên là các giảng viên trẻ tại Trường Đại học Sư phạm có chung mong muốn góp sức vào công tác bảo vệ trẻ em, tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường.

Thầy Chung tự nhận bản thân bị hội chứng “nghiện”… trẻ em. Đặc biệt, từ ngày có con, chứng “nghiện” ấy càng nhân lên gấp bội. Ngoài giờ dạy ở trường và thời gian cho các hoạt động nghiên cứu, đọc sách, thầy Chung say sưa chơi với con. Khi con lớn, hạnh phúc nhất với ông chính là những giờ cùng con đọc sách, cùng bàn luận về những câu chuyện chung quanh cuốn sách hay cha con vừa đọc.

“Thật may mắn, đến bây giờ, hai con trai của tôi khá chững chạc, cứng cỏi. Có lẽ một phần nhờ sách. Tôi nghĩ tại sao mình không mang những điều tâm huyết đã chia sẻ cùng con với nhiều đứa trẻ khác. Làm một mình thì khó, nên tôi đã thành lập nhóm “Chung tay””, thầy Chung trải lòng.

Trên hành trình đến với học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn có không ít trở ngại, song đã có những câu chuyện khiến người đàn ông giàu tình yêu thương trẻ Lê Viết Chung không thể dừng bước. Như năm ngoái, nghe tiếng lịch học của một trường THCS trên địa bàn khá căng thẳng, thầy Chung đã cùng nhóm “Chung tay” tìm đến.

“Quả thực, nghe các em chia sẻ về lịch học dày đặc từ trong giờ đến ngoài giờ mà tôi xót xa đến rơi nước mắt. Các em tuổi còn nhỏ nhưng đã phải chịu những sức ép học tập quá lớn. Tôi nghĩ đó chính là một dạng bạo lực”, thầy Chung chia sẻ.

Sau khi được thầy Chung lắng nghe, chia sẻ về câu chuyện học và chơi, nhiều em học sinh trường này đã bịn rịn mà rằng: “giá như cha mẹ các em nghe được những chia sẻ của thầy, giá như thầy có thể đến với chúng em hằng tuần”.

Theo ThS. Lê Viết Chung, bạo lực học đường ngày nay không nên hiểu chỉ là những xâm phạm, tổn hại về thể xác, có những kiểu “bạo lực” đau hơn đòn roi. Không chỉ là câu chuyện áp lực học tập vừa nêu trên, không chỉ là những kiểu bạo lực phổ biến, hữu hình. Có rất nhiều điều cần thay đổi để hướng đến những trường học hạnh phúc, và học sinh là những đứa trẻ hạnh phúc nhất mà cách làm không hề khó. “Ví dụ, những giờ chào cờ ngày nay, một số trường vẫn dành thời gian chỉ để phê bình, xếp hạng lớp này, học sinh kia. Rồi sẽ đi đến đâu? Tại sao không dùng tiết học quý báu ấy để tổ chức sinh hoạt hay hơn, tạo niềm vui, phấn chấn hơn cho các em học sinh?”, thầy Chung nêu quan điểm.  

Quyết liệt nhưng không cứng nhắc, những câu chuyện của “thủ lĩnh” Lê Viết Chung và nhóm “Chung tay” mang đến các trường học về tâm lý học đường, về ý thức tự bảo vệ mình của học sinh không hàn lâm, xa lạ mà thiết thực, dễ hiểu với những tình huống cụ thể, sinh động. Thậm chí không ít lần, để hướng dẫn kỹ năng phòng tránh xâm hại cho các học sinh nữ, nhóm còn phân vai, hóa thân thành những “người lạ” với những chiêu dụ dỗ như thật. Nhóm sẽ để các bé gái chia sẻ cảm xúc, quan điểm, tự đưa ra cách xử lý, đối phó. Sau cùng, thầy Chung phân tích đúng sai, chỉ cho các em cách tối ưu, nhanh nhất để các em tự bảo vệ mình, ứng phó trong tình huống xấu nhất.

Trước những câu chuyện bạo lực học đường nhức nhối hiện nay, thầy Chung cho rằng, căn nguyên sâu xa chính là sự thiếu quan tâm chăm sóc, dạy dỗ của gia đình, sau đó mới đến nhà trường và môi trường xã hội. Theo thầy Chung, là cha mẹ, dù bận rộn đến mấy cũng nên giành thời gian để gần con, lắng nghe con, làm bạn với con. Có như thế, khi vấn đề vừa manh nha, phụ huynh có thể sẽ có những biện pháp can thiệp kịp thời. Và dù trẻ có mắc lỗi thế nào đi nữa, sự lăng mạ, sỉ nhục từ những người thân yêu chính là cách làm tổn thương các em tàn nhẫn nhất, có thể khiến các em không thể đứng lên một lần nào nữa.

Cuộc sống muôn màu và mỗi đứa trẻ là một câu chuyện không trùng khít với bất kỳ một đứa trẻ nào khác, song, từ những vụ việc được phát hiện, có thể rút ra những quy luật chung, nhắc nhở các bậc cha mẹ về tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc con em đúng cách, để tránh những vụ việc đau lòng có thể xảy ra.

Ngoài gia đình, ThS Lê Viết Chung đặc biệt quan tâm vai trò của sách đối với việc giáo dục nhân cách, tâm hồn trẻ. “Tôi thấy rằng, sách không chỉ cho con người ta kiến thức. Thật khó để một đứa trẻ mê sách làm chuyện xấu, trong đó có việc gây bạo lực với bạn bè, thầy cô. Vì vậy, trong hành trình đến với các học sinh, thứ chúng tôi mang theo luôn là sách. Tôi có một mơ ước là làm sao tất cả các em học sinh trên địa bàn đều có tủ sách chất lượng, đều được thẩm thấu tình yêu với sách từ sớm”, thầy Chung nhiệt thành.

Bên cạnh những chương trình tình nguyện cho học sinh THCS, tiểu học, thầy Lê Viết Chung cũng rất quan tâm những chương trình thiết thực giành cho sinh viên, như chương trình “Sách - Chắp cánh ước mơ” nhằm khơi gợi tình yêu với sách trong giới sinh viên; duy trì hoạt động quỹ “Vì ngày mai” hơn 10 năm nay để giúp đỡ những sinh viên nghèo vượt khó… Và đặc biệt, ngoài vận động các mạnh thường quân, những chương trình của thầy Chung và những người cùng chí hướng đều là sự tự nguyện bỏ công sức, thậm chí tiền bạc để thực hiện.

Kiến thức, sự chân thành cùng tâm hồn văn chương, chữ nghĩa… chính là những yếu tố khiến câu chuyện của thầy Lê Viết Chung đầy thuyết phục, cuốn hút. Tuy nhiên, khi nhiều điểm đến giới thiệu là “diễn giả”, thầy Chung luôn ngượng ngùng đính chính, rằng tất cả những gì thầy đang làm chỉ là từ tình yêu thương trẻ, là cách thực hành nghề sư phạm theo lời dạy của cha - là nghề lương thiện nhất, hơn 30 năm nay.

Cả chuyện đồng ý lên báo chí, thầy Chung cũng chỉ vì một mong muốn duy nhất là nhiều trường học, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa biết rằng, có một địa chỉ họ có thể liên hệ và hoàn toàn không mất một đồng kinh phí nào để chia sẻ những vấn đề ngoài chuyên môn, trong đó có việc giáo dục phòng chống bạo lực học đường.

NGỌC DUNG
 

;
;
.
.
.
.
.