“Vì một Đà Nẵng không kẹt xe, khẩn thiết mong mọi người không dừng trên làn đường có chữ “đèn đỏ được rẽ phải””. Đó là lời nhắn của anh Dương (Facebook Dương Dương) trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp để kêu gọi mọi người nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Thông tin này đã được 808 lượt like, 278 lời bình và 55 lượt chia sẻ. Điều này cho thấy, đây không chỉ là vấn đề mỗi anh Dương quan tâm đến cộng đồng mà cần được đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông.
Nhiều người tham gia giao thông vẫn dừng xe ngay trên làn đường có chữ “đèn đỏ được rẽ phải”. Ảnh: Facebook Dương Dương |
Theo anh Dương, “Giờ cao điểm ai cũng muốn về nhà sớm, các anh chị cứ thấy trống là tấp lên dừng. Nhanh được 1-2 giây nhưng cả chục xe muốn rẽ phải kẹt lại phía sau. Rất khó để thay đổi nhưng cần thực hiện ngay ạ. Đà Nẵng giờ kẹt lắm rồi. Mỗi người ý thức một chút sẽ tốt cho cả cộng đồng”.
Nhiều người cho rằng, do dân trí còn thấp, người dân vẫn chưa hiểu rõ luật nên khi tham gia giao thông cứ thấy chỗ nào trống là dừng. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông còn ít tuyên truyền về điều này.
Nick Bibi Gấu thì cho rằng, “thật ra chỉ cần 3 cái xe không biết ở đó được rẽ phải mà dừng tại làn đó thì chỉ tầm 4-5 giây sau làn đó đầy rồi. Một phần do không chú ý quan sát biển hiệu, một phần không hiểu luật này, phần còn lại là cái biển hiệu không gây được sự chú ý”. Anh Trần Coi cũng nhận xét, hiện vẫn còn rất nhiều người tham gia giao thông vẫn đậu như không hề hay biết dù thấy cái bảng và vạch kẻ.
Bên cạnh việc phân tích các lỗi vi phạm, nhiều người còn đề xuất các giải pháp để người tham gia giao thông thực hiện tốt hơn. Chị Hoàng Cầm đề nghị cần có lực lượng công an hướng dẫn, nhắc nhở hoặc xử lý những người vi phạm.
Dù vậy, hầu hết đều cho rằng, quan trọng vẫn là ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông. Tôi còn nhớ có lần đọc trên facebook của ai đó bày tỏ cảm xúc ngưỡng mộ khi một đoàn khách Nhật đi trên đường Bạch Đằng, họ xếp hàng rất ngay ngắn, chờ đèn tín hiệu giao thông rồi đi qua đường đúng vạch kẻ dành cho người đi bộ. Sau khi qua đường, họ quay đầu lại cúi chào như để nói lời cảm ơn những người tham gia giao thông đã dừng lại nhường đường cho họ đi. Một hành động rất văn hóa khi tham gia giao thông dù không phải ở đất nước của mình.
Do đó, những lời nhắc nhở của anh Dương thật có ý nghĩa. Để thành phố giảm bớt tình trạng kẹt xe, người dân cần phải chấp hành đúng luật lệ giao thông và thể hiện là người có văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông trên đường nhằm bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình cũng như người khác.
Tâm Như