'Cãi' như nhà báo Phan Khôi

.

Nhà báo Phan Khôi (1887-1959) là một cây bút tả xung hữu đột trên trường văn trận bút, liên tục tham gia các cuộc tranh luận nảy lửa trên báo chí nước ta những năm 20, 30 của thế kỷ trước với nhiều chủ đề: Truyện Kiều, quyền của phụ nữ, Nho giáo, quốc học, thơ mới và thơ cũ… Đây mới chỉ là “cãi” trên phương tiện thông tin đại chúng. Còn trong đời thường, Phan Khôi cũng tỏ rõ phẩm chất “Quảng Nam hay cãi”: trực ngôn, thẳng tính, không vị nể, không khoan nhượng, không háo danh, luôn cẩn trọng và tôn trọng sự thật lịch sử.

Nhà báo Phan Khôi đọc tham luận tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà văn Lỗ Tấn.
Nhà báo Phan Khôi đọc tham luận tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà văn Lỗ Tấn.

Báo tôi bị kiểm duyệt bán càng chạy!

Sống trong lòng chế độ thực dân, phong kiến trước Cách mạng Tháng Tám, nhà báo Phan Khôi luôn quan tâm đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người dân “thấp cổ bé họng”, quanh năm chân lấm tay bùn.

Trong cuốn Nhớ cha tôi Phan Khôi (NXB Đà Nẵng, 2017), tác giả Phan Thị Mỹ Khanh (con gái thứ sáu của ông) cho hay, khi được bạn đọc phản ánh chuyện bọn cường hào ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên Huế ngày nay) bắt vạ một phụ nữ về một tội gì đó, ép cung không được, chúng liền sai tay chân bắt đỉa bỏ vào mắt, mũi, tai chị, gây thương tích nghiêm trọng, Phan Khôi liền cử phóng viên đi điều tra lấy đủ chứng cứ rồi viết bài Người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai, đăng trên báo Tràng An số 4 (12-3-1935) để tố cáo trước công luận. Báo ra được một ngày thì Sogny, Chánh Mật thám Trung Kỳ điên tiết, đưa giấy đòi ông đến trình diện. Phan Khôi đến đúng giờ, vào phòng làm việc, ngồi đối diện với Sogny. Hắn không thèm chào hỏi, lớn tiếng quở trách đủ điều về nội dung bài báo. Phan Khôi bình tĩnh nói:

- Sự việc này có thật và rất dã man, lẽ ra Nhà nước bảo hộ các ông phải trừng trị bọn cường hào ấy, sao ông lại đi trách tôi?

Sogny hét lên:

- Ông làm báo già đời mà không biết à, có việc được viết, được đăng, nhưng có việc không được chõ mũi vào, tôi sẽ ra lệnh kiểm duyệt thẳng tay, hãy coi chừng!

Phan Khôi trả lời nhẹ nhàng:

- Viết bài đăng báo là việc của tôi, tôi được Nhà nước cấp giấy phép, còn kiểm duyệt là quyền của các ông, báo tôi bị kiểm duyệt bán càng chạy!

Sogny tức lắm, tái cả mặt nhưng rồi không biết nghĩ thế nào, y buông một câu lơ lửng: “Phan Khôi hay cãi, người ta nói quả không sai! Thôi, ông về đi, lần này tôi cảnh cáo ông đó, nếu lặp lại thì…”.

Trong số báo ngày hôm sau, Phan Khôi cho đăng phần tiếp theo của bài báo mà không bị kiểm duyệt đoạn nào. Tuy vậy, đâu phải mật thám Pháp dễ dàng chịu bỏ qua. Chúng bóp chết báo Tràng An bằng cách rút giấy phép nhập khẩu giấy in báo để rồi một tháng sau, vì hết giấy, báo này phải tự đóng cửa, không kêu ca vào đâu được.

Chẳng có thơ nào mới, thơ nào cũ cả!

Trong Thi nhân Việt Nam (NXB Văn học, 2015), Hoài Thanh và Hoài Chân xác quyết: “… Một ngày kia cuộc cách mệnh về thơ ca đã nhuốm dậy. Ngày ấy là 10 Mars 1932 (tức 10-3-1932, ngày Phụ nữ Tân văn đăng bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi - NV). Lần đầu tiên thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận”.

Thế nhưng, đương thời, nhà báo Phan Khôi cương quyết “cãi” đến cùng, không thừa nhận mình là người “tiên phong thơ mới”. Theo Văn thi sĩ tiền chiến (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1970) của Nguyễn Vỹ, khi làm Chủ bút báo Phụ nữ Thời đàm, một hôm Phan Khôi tiếp các nhà thơ Lưu Trọng Lư và Nguyễn Vỹ. Câu chuyện xoay quanh nghề làm báo, làm thơ. Phan Khôi ngó nhà thơ Lưu Trọng Lư, nói:

Bài Người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai đăng trên báo Tràng An số 4 (12-3-1935).
Bài Người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai đăng trên báo Tràng An số 4 (12-3-1935).

- Anh bảo tôi là “tiên phong thơ mới” là láo. Tôi ít làm thơ, thỉnh thoảng làm chơi, do ảnh hưởng của thơ Tàu thì có. Tôi ghét thơ Đường quá bó buộc, tôi làm thơ đời Tống. Cũ rích, có chi là mới. Loại thơ đó, nhà Nho ai mà không làm, đâu phải riêng tôi? Thơ cổ phong trong Kinh Thi, thời Khổng Tử đã có rồi. Gần đây ông Huỳnh Thúc Kháng cũng ưa làm thơ điệu Trúc chi từ, theo cổ phong Tàu. Tản Đà cũng làm thơ cổ phong. Ông Trần Tuấn Khải toàn làm thơ theo thơ Tàu. Nếu làm thơ câu dài câu ngắn không theo Đường luật mà bảo là “thơ mới” thì Tản Đà, Trần Tuấn Khanh đã làm “thơ mới” trước tôi nữa chứ. Đừng có nói tầm bậy mà rồi sau này người ta viết lịch sử văn học, người ta cười cho thúi cả đám. Một đứa nói bậy rồi mấy đứa nói theo cho mà coi!
Nhà thơ Lưu Trọng Lư cãi:

- Chính ông đề xướng “thơ mới”, nay ông còn chối à?

Phan Khôi trợn mắt:

- Phan Khôi này đề xướng “thơ mới” hồi nào? Câu nói chơi là khác, lời nói thiệt là khác. Tôi đề xướng “thơ mới” thì tôi phải có lời phi lộ hẳn hoi chớ, tôi phải làm cái campagne de presse (cuộc bút chiến trên báo – ĐNCT) tuyên chiến với “thơ cũ” chớ. Tôi có làm việc đó hồi nào đâu? Người học Nho, chịu ảnh hưởng của thơ Tàu, làm thơ theo Tàu. Người học Tây, chịu ảnh hưởng của thơ Tây, làm theo thơ Tây. Chẳng có thơ nào mới, thơ nào cũ cả. Đừng có nói bá láp, sai hết.

- Láo! Tôi viết báo là để viết báo. Tôi không phải là thi sĩ như các ông mà bày đặt đề xướng thơ mới, bỏ thơ cũ. Chính tôi khi nào cao hứng làm thơ chơi, tôi cũng làm thơ cũ đó. Nói phải cho có logique chớ!
Câu chuyện thơ kéo dài đến gần 12 giờ trưa. Lưu Trọng Lư cãi để cãi chứ không tài nào lý luận nổi với Phan Khôi.

Điều khá thú vị là việc nhà báo Phan Khôi không nhận mình “tiên phong thơ mới”, sau này lại được chính nhà thơ Lưu Trọng Lư khẳng định là đúng. Trong bài Nhà thơ Lưu Trọng Lư với tình yêu và mộng đẹp (An ninh thế giới Giữa tháng & Cuối tháng Online ngày 10-2-2006), Giáo sư Hà Minh Đức cho hay: “Tôi nhớ lần gặp Lưu Trọng Lư năm ông bảy mươi tám tuổi, khi vừa cho xuất bản tập hồi ký Nửa đêm sực tỉnh. Trong câu chuyện khi nói về thơ mới, Lưu Trọng Lư như khởi sắc và nói to: “Phong trào thơ mới mở đầu là tôi chứ không phải Phan Khôi. Thực ra phải xét cái mới của tình cảm và điệu thức thơ. Lúc này cũng nhiều người viết thơ theo dạng từ khúc. Tôi làm thơ mới từ năm 1931. Tôi và Nguyễn Thị Manh Manh là hai người chủ chốt. Bà ở Paris về và tham gia vào cuộc tranh luận bảo vệ cho thơ mới. Tôi đăng một số thơ ở Phụ nữ Tân văn”.

Vân Trình
 

;
;
.
.
.
.
.