Để làng Cơ tu thức giấc

.

Chỉ cách Đà Nẵng chừng 40km, với những thác ghềnh hoang sơ, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng, đặc biệt là sự khác biệt về văn hóa của đồng bào Cơ tu, vẻ đẹp của hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) tạo nên sự thích thú cho những người ưa khám phá.

Vẻ đẹp suối Vũng Bọt làm say đắm nhiều du khách. 	Ảnh: MAI HIỀN
Vẻ đẹp suối Vũng Bọt làm say đắm nhiều du khách.  Ảnh: MAI HIỀN

Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”

Giữa cái nắng trưa hè oi ả, anh Đinh Văn Như (Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Bí) vẫn tất bật giữa hàng chục thanh tre, sắt thép, bản vẽ… Cái nắng hừng hực ngoài trời dường như chỉ càng hun đúc cho khát khao phải hoàn thành ngôi nhà đúng tiến độ. Khuôn viên ngổn ngang này rồi đây sẽ là địa điểm đón khách lưu trú, nằm trong dự án “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng và homestay” tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí do UBND huyện Hòa Vang khởi xướng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu đất rộng hơn 300m2, một mặt tiếp giáp với dòng Cu Đê uốn lượn, anh Trương Như Huy, cán bộ phụ trách Văn hóa-thông tin xã Hòa Bắc nói rằng, hai thôn đồng bào dân tộc Cơ tu Tà Lang và Giàn Bí có vị trí hấp dẫn và mang sắc thái riêng. Những cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng sắc tộc thiểu số Cơ tu với văn hóa truyền thống đặc sắc là địa điểm thực sự phù hợp để phát triển du lịch của huyện Hòa Vang nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.

Tuy tài nguyên du lịch phong phú song chưa được khai thác để phát triển du lịch. Gần đây, vẻ đẹp và sự lạ lẫm về văn hóa của cộng đồng Cơ tu Tà Lang, Giàn Bí đã được nhiều người biết đến. Lượng khách du lịch đến đây ngày càng đông, nhưng theo hình thức tự phát; hoàn toàn không có dịch vụ để du khách trải nghiệm và tiêu tiền.

Để khắc phục tình trạng trên, với mục tiêu đưa vùng đồng bào dân tộc Cơ tu Tà Lang, Giàn Bí trở thành làng du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số, khai thác và quản lý tốt các điều kiện tự nhiên-xã hội của bản làng thì du lịch cộng đồng là loại hình phù hợp được chọn. Đến đây, khách du lịch sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị, có dịp được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của núi non, sông suối, vừa hùng vĩ nhưng cũng rất nên thơ.

Thực tế, từ năm 2015, huyện Hòa Vang đã khởi xướng dự án “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Cơ tu” tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí. Thời điểm đó, hai thôn này được đánh giá có nhiều thuận lợi, từ hệ thống giao thông, đến cơ sở hạ tầng điện, nước, mạng điện thoại di động. Khu tái định cư Tà Lang, Giàn Bí đang được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trở thành cụm dân cư khang trang, tạo điều kiện cho các hộ dân có thể đón nhận khách lưu trú thường xuyên. Đây là những yếu tố quan trọng để hoạt động du lịch cộng đồng phát triển bền vững.

Dù vậy, những thuận lợi này vẫn ở dạng tiềm năng, chưa được quan tâm khai thác. Cái khó ở Tà Lang và Giàn Bí khi ấy là người dân địa phương đa số nghèo, chủ yếu làm nông và khai thác các sản phẩm từ rừng. Trình độ dân trí hạn chế, cơ sở vật chất của các hộ gia đình chưa bảo đảm để đón khách lưu trú; lao động có trình độ thấp nên khó khăn trong việc tiếp cận, giao lưu, đặc biệt là với du khách nước ngoài; chưa có sản phẩm, sản vật đặc trưng để thu hút du khách; vệ sinh môi trường, vệ sinh sinh hoạt chưa bảo đảm.

Đến năm 2017, huyện tổ chức cho một số cán bộ cũng như người dân Cơ tu đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc. Sau chuyến đi ấy, huyện xây dựng “Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay” với 65 thành viên, do anh Đinh Văn Như làm tổ trưởng. Tổ hợp tác gồm 7 tổ như: Tổ nấu ăn, tổ biểu diễn văn nghệ, tổ thuyết minh hướng dẫn, tổ dệt thổ cẩm đan lát, tổ lưu trú homestay; trước mắt sẽ thí điểm tại 5 gia đình có khả năng đón khách. Sau đó, các hộ gia đình trong nhóm này có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh nhà cửa, chăn màn, ga nệm sạch sẽ; giới thiệu cho khách về văn hóa dân tộc Cơ tu, phối hợp với các nhóm dịch vụ khác để phục vụ khách... Trong tour du lịch này, khách sẽ ăn, ở, ngủ sinh hoạt trong gia đình.

Các dịch vụ bổ sung như đi tham quan làng bản, tham quan suối, rừng, xem biểu diễn văn nghệ tại nhà; học nấu một số món ăn người Cơ tu, nghe các câu chuyện kể dân gian về nguồn gốc bản làng, các tập tục, những điều cấm kỵ … “Sau chuyến đi Tây Bắc về, tôi thao thức cả tháng trời. Trời đất ơi, địa phương mình tiềm năng vô số kể mà mình chưa khai thác được. Tôi mạnh dạn đầu tư nhà lưu trú cộng đồng đầu tiên rồi vận động, thuyết phục bà con trong thôn mỗi nhà để lại một phòng để sau này khai thác homestay. Nhất định mô hình này sẽ giúp bà con cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, làm giàu cho quê hương”, anh Như nói.

Trải nghiệm hương sắc Cơ tu

Cộng đồng người Cơ tu ở xã Hòa Bắc hiện nay vào khoảng 750 người. Cũng giống như cộng đồng Cơ tu ở Quảng Nam, bà con ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí cũng sở hữu tài nguyên văn hóa tương đồng, địa vực cư trú lại có nhiều cảnh quan đẹp nhưng thuận lợi hơn về khoảng cách tính từ Đà Nẵng, Hội An và Huế so với Quảng Nam. Vì vậy, nếu được đầu tư, vùng Tà Lang - Giàn Bí hoàn toàn có thể bán được tour cho khách ngoại quốc khi đến Đà Nẵng.

Hiện tại thỉnh thoảng có khách đến Tà Lang và Giàn Bí nhưng không lưu trú. Anh Huy cho biết, qua một số cuộc khảo sát ban đầu giữa xã với một số công ty lữ hành cho thấy họ sẵn sàng quảng bá khai thác tour du lịch làng bản Tà Lang và Giàn Bí nếu điểm này sẵn sàng đón khách (có sản phẩm).

Hiện tại, để có thể phát huy hết nội lực vốn có của cộng đồng Cơ tu, xã Hòa Bắc đã nỗ lực khôi phục lại nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc như: khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, vận động học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức để bảo tồn văn hóa dân tộc; nghệ thuật cồng chiêng, múa tung tung-da dá, tiếng nói, kiến trúc nhà ở. Du khách có thể có rất nhiều trải nghiệm với đồng bào khi hướng dẫn viên cũng chính là người địa phương. Họ sẽ thuyết minh về các loại cây thuốc; kể chuyện về bản làng, về huyền thoại, truyền thuyết và các tập tục trên đường đi…

Đặc biệt, ẩm thực của người Cơ tu rất phong phú với bánh, rượu, cá suối, ốc đá, măng chua, hoa chuối, thịt rừng phơi khô, sóc khô, cá liên khô, rượu cần, rượu ba kích, cơm lam, bánh sừng trâu,… và nhiều sản vật từ rừng. Anh Trương Như Huy cho biết, các thành viên trong Tổ ẩm thực đều đã được đi tập huấn và có thể phục vụ khách đoàn lên đến 100 người.

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang hy vọng, dự án này sẽ tạo ra sinh kế mới bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng, ngăn chặn việc phá rừng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; nâng cao vai trò của cộng đồng và gắn kết sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn đa dạng sinh học. Phải làm sao để người Cơ-tu có thể làm giàu trên chính quê hương họ một cách lâu dài thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
Chọn mua đệm cao cấp giá tốt
.
.
.