Điều chỉnh tuổi hưu thế nào là phù hợp?

.

Theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được công bố, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân, đặc biệt với đội ngũ công nhân và người làm công ăn lương trong khối Nhà nước.

Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Theo phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, người trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng (nam) và 4 tháng (nữ) cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021 là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó mỗi năm tăng thêm 4 tháng (nam) và 6 tháng (nữ) cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Theo lộ trình này, để đạt đến tuổi nghỉ hưu mới, phương án thứ nhất cần 8 năm đối với nam và 15 năm đối với nữ; phương án thứ hai cần 6 năm đối với nam và 10 năm đối với nữ.

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, nhất là lao động trong lĩnh vực nặng nhọc ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lĩnh vực giao thông vận tải, cầu đường... Ngoài ra, với tâm lý mong đến ngày về hưu để nghỉ ngơi, trông nom cháu chắt giúp con cái yên tâm đi làm, nhiều lao động nữ tỏ ra băn khoăn với dự thảo Bộ luật Lao động mới. Bên cạnh đó, sức khỏe, mối quan hệ xã hội, môi trường làm việc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người lao động khi đến tuổi về hưu.

Chị N.T.H, công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 nhẩm tính: “Theo quy định hiện hành thì đến năm 2034 là tôi về hưu, nhưng theo cách tính mới thì phải đến năm 2038 tôi mới về hưu được. Nói thật mình là phụ nữ, có chút tuổi rồi ngồi mãi một chỗ không bị bệnh này cũng bị bệnh kia, đau lưng mỏi gối nên cũng chỉ trông đủ tuổi lãnh lương hưu rồi về nghỉ ngơi, chơi với cháu con thôi”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, làm bảo vệ trong một khu nghỉ mát nằm trên đường Võ Nguyên Giáp khá trầm tư khi nói về tuổi hưu tăng. Ông bảo: “Chuyện tăng tuổi hưu tôi thấy ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ, vì từ 50 tăng lên 60 tuổi thì cũng hơi đuối, chứ cánh đàn ông thì 60 đến 62 cũng không ảnh hưởng chi mấy. Riêng tôi đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm rồi, trông đến ngày đóng đủ 22 năm để hưởng chế độ lương hưu 45% thì xin nghỉ chứ công việc bảo vệ thức khuya dậy sớm, làm việc theo ca cũng mệt lắm rồi”.

Một số nguyên nhân nâng độ tuổi nghỉ hưu được Ban soạn thảo luật (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra là tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng (nam 72,1 tuổi, nữ 81,3 tuổi); lực lượng lao động tại Việt Nam được đánh giá sẽ thiếu hụt trong tương lai do quá trình già hóa dân số (trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động).

Dự thảo cũng nêu rõ, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm đối với những công việc đặc biệt nặng, độc hại, nguy hiểm, bị suy giảm khả năng lao động và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 năm đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt…

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Mai Hữu Phước, công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, trước áp lực về kinh tế, môi trường ô nhiễm, đời sống tinh thần cũng như chế độ dinh dưỡng chưa bảo đảm, người phụ nữ nếu phải làm việc liên tục trong một không gian ồn ào, căng thẳng đến năm 60 tuổi chắc chắn sẽ kiệt sức. Theo ông, nếu so sánh tuổi về hưu ở nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam thì không thuyết phục, bởi chế độ dinh dưỡng, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc ở một số nước tốt hơn rất nhiều so với nước ta.

“Dù dự thảo có nội dung người lao động được quyền nghỉ hưu sớm nhưng theo tôi, sẽ có rất ít lao động phổ thông sử dụng quyền này vì dù gì họ cũng phải cố gắng nghỉ hưu đúng tuổi để được hưởng đầy đủ những quyền lợi của một lao động về hưu. Trừ một số lao động mất sức hoặc có điều kiện kinh tế khá giả, cuối đời không cần sống dựa vào lương hưu thì mới nghỉ thôi”, bác sĩ Mai Hữu Phước nói.

Cũng theo bác sĩ Phước, trong quá trình làm việc, ông nhận thấy con người có tuổi đời và tuổi sinh học khác nhau. Có người lớn tuổi nhưng cơ thể khỏe khoắn, đi đứng nhanh nhẹn, cũng có người rất trẻ nhưng luôn trong tâm trạng uể oải, không muốn làm việc. Đặc biệt đối với phụ nữ, bắt đầu từ tuổi 40 đã có nhiều biểu hiện về sức khỏe như đau nhức xương khớp, tức ngực, mỏi lưng, giãn dây chằng… Do đó, luật chỉ nên giới hạn độ tuổi được nghỉ hưu, không nên bắt người lao động phải nghỉ hưu đúng độ tuổi mà luật vạch sẵn.

Trên thực tế, tùy theo tình hình sức khỏe và sự yêu nghề, mong muốn được tiếp tục cống hiến, rất nhiều nhà nghiên cứu, doanh nhân vẫn đang hăng say làm việc khi tuổi đời đã 70-80. Trong khi đó, ở lĩnh vực công, việc tăng tuổi về hưu cũng như cơ chế được nghỉ muộn không quá 5 năm đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc làm công tác quản lý vô tình trở thành “rào cản” cho đội ngũ trí thức trẻ mới ra trường, khiến tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng trong tương lai.

Một thực tế khác, ở lĩnh vực kinh tế tư nhân, vấn đề “về hưu” của người lao động có vẻ linh động hơn. Đến tuổi hưu, người lao động có quyền về hưu và lĩnh tiền hưu theo đúng quy định. Tuy nhiên, nếu có ai đó muốn tiếp tục làm việc thì vẫn được doanh nghiệp sắp xếp giữ lại, nhưng từ thời điểm đó họ được nhận lương, tiền hưu đầy đủ mà không có nghĩa vụ đóng thêm bảo hiểm xã hội.

Có thể nói, đề xuất về tăng độ tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB&XH không mới nhưng Chính phủ cần xây dựng cơ chế linh hoạt, điều chỉnh tuổi hưu gắn với từng ngành nghề cụ thể và trao cho người lao động quyền được lựa chọn thời điểm nghỉ hưu phù hợp với sức khỏe, sở thích, năng lực, nhằm tránh trường hợp lao động lớn tuổi làm việc thiếu tập trung, kém hiệu quả, trong khi nguồn lao động trẻ khó tìm thấy một chỗ đứng phù hợp trong thị trường lao động Việt Nam.

Huỳnh Lê

;
;
.
.
.
.
.