Hướng tới thành phố không rác thải nhựa

.

Rác thải nhựa sử dụng một lần, không hoặc khó phân hủy đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới sau biến đổi khí hậu. Không đứng ngoài cuộc, phong trào “Chống rác thải nhựa” được chính quyền và người dân Đà Nẵng nỗ lực thực hiện.

Chị em phụ nữ khu dân cư Thuận An 5 trong một buổi phân loại rác thải nhựa. Ảnh: Q.T
Chị em phụ nữ khu dân cư Thuận An 5 trong một buổi phân loại rác thải nhựa. Ảnh: Q.T

Những nỗ lực đầu tiên

Để môi trường sạch cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ như không sử dụng túi ni-lông, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Ông Đặng Văn Thi, Bí thư chi bộ khu dân cư (KDC) Thuận An 5 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho rằng, đó cũng chính là động lực thúc đẩy người dân KDC Thuận An 5 tích cực thực hiện việc  phân loại và tái sử dụng túi ni-lông tại gia đình. KDC Thuận An 5 có 2 tổ dân phố với 109 hộ dân, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường 300kg rác.

Từ tháng 7-2018, KDC có Tổ chỉ đạo thu gom phân loại rác thải với 9 thành viên có trách nhiệm thu gom, phân loại rác, hướng dẫn người dân phân loại rác tại hộ gia đình. Đến cuối tuần, các thành viên trong tổ lại tập hợp rác thải nhựa, kim loại để bán cho ve chai và số tiền này được giữ lại để hỗ trợ cho phụ nữ khó khăn ở KDC. Trung bình mỗi tuần, Tổ thu gom được hơn 1.000 chai nhựa, 1.500 vỏ bia, nước ngọt, 30kg giấy báo các loại, 50kg rác kim loại. Đây là một con số không nhỏ, góp phần giảm gánh nặng xử lý rác thải cho thành phố.

Tại KDC Thành Vinh 4 (tổ 30, 31 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có 106 hộ dân. Để hưởng ứng phong trào chống rác thải, nhiều hộ dân đã tận dụng vỏ cam, bưởi để chế biến thành mứt ăn hoặc làm nước rửa chén, dầu gội đầu, nước lau sàn nhà rất hiệu quả, góp phần giảm được lượng rác thải hữu cơ vào môi trường. Đồng thời, tận dụng một số lô đất trống, bà con cùng nhau rào lại, làm vườn rau sạch, sử dụng gần 1.000kg hữu cơ từ rác thải: rau, lá xanh, lá khô để làm phân bón. Hay tại phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), hình ảnh các bà, các chị đi chợ mang theo giỏ, túi được may từ vải bạt không còn xa lạ với người dân.

Trong túi của các chị là những hộp nhựa, hộp thủy tinh để đựng cá, thịt, hành ngò. Đặc biệt, Hội LHPN phường Hòa Thọ Đông tiên phong trong hạn chế sử dụng ống hút nhựa. Chị Nguyễn Thị Minh Ánh, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Đông chia sẻ: “Trong một lần đi chơi, tình cờ sử dụng ống hút tre, tôi thấy rất thú vị. Loại ống hút này cực kỳ thân thiện với môi trường. Tôi đã mua về sử dụng trong gia đình và giới thiệu cho chị em hội viên dùng thử.

Ai cũng thích. Hiện nay, chúng tôi còn sử dụng ống hút làm từ cỏ, bột mì… Các loại ống này sau khi sử dụng sẽ trở thành rác hữu cơ, rất dễ phân hủy trong môi trường. Tuy nhiên, do giá cả của 2 loại ống hút này cao hơn so với ống hút nhựa (giá dao động từ 1.000 -5.000 đồng/ống) nên việc vận động mọi người sử dụng ống hút thân thiện môi trường vẫn còn nhiều khó khăn. Sắp tới, Hội sẽ chủ động nguồn kinh phí để phát miễn phí 2 loại ống hút này cho các chị em trong phường dùng thử trong gia đình nhằm hạn chế dùng ống hút nhựa”.

Để phong trào không là…phong trào

Quận Thanh Khê và quận Sơn Trà là 2 địa phương đầu tiên của Đà Nẵng triển khai dự án “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh” (viết tắt là dự án “Đại dương không nhựa”). Sau gần 1 năm triển khai, dự án đã bước đầu giảm thiểu việc xả rác thải nhựa ra môi trường và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường ra cộng đồng.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho biết, dự án “Đại dương không nhựa” được triển khai thí điểm tại phường Xuân Hà. Phường đã thành lập 72 tổ điều hành ở 72 KDC; triển khai phân phát 3.000 túi vải đựng rác tài nguyên, 13.200 tờ rơi tuyên truyền, 72 sổ ghi chép phục vụ cho công tác phân loại, thu gom và tái chế rác thải tại KDC. Đồng thời, chương trình cũng tập huấn cho giáo viên 10 trường THCS về nội dung phân loại, giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa tại trường học và cung cấp các kỹ năng tổ chức hoạt động truyền thông trường học về chống lại rác thải nhựa.

Sau một năm thực hiện (từ 3-2018 đến tháng 4-2019), dự án đã góp phần giảm thiểu áp lực xử lý rác thải của thành phố và nâng cao ý thức của cộng đồng. Đến nay, có khoảng 70% hộ gia đình đã thực hành phân loại rác tài nguyên sau khi được tuyên truyền.

Tính từ tháng 7-2018 đến 3-2019, các cấp Hội Phụ nữ đã thu gom được gần 2,5 tấn rác thải nhựa, hơn 200kg túi ni-lông khó phân hủy, 8,1kg giấy và 3 tấn rác tài nguyên khác. Ngoài ra, chị em cũng sáng tạo nhiều cách làm hay như tận dụng vải bạt đã qua sử dụng để may túi vải đi chợ, dùng túi ni-lông tự hủy sinh học... tích cực hưởng ứng dự án.

Mặc dù có những chuyển biến bước đầu ở một số địa phương, nhưng tình trạng sử dụng túi ni-lông để gói, đựng hàng hóa vẫn rất phổ biến hiện nay. Dễ nhận thấy nhất là ở các chợ, siêu thị, các quán trà sữa, hình ảnh người dân tay xách nách mang hàng chục túi ni-lông các loại; các bạn trẻ vô tư mua thức ăn trước cổng trường đựng trong hộp xốp, ly nhựa…

Một số siêu thị vừa qua sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường để gói, đựng hàng hóa nhưng cũng chỉ rất ít và phong trào có nguy cơ trở thành “đầu voi đuôi chuột”, nếu không có những giải pháp thiết thực, hữu hiệu để duy trì và thúc đẩy phong trào lên một bước mới.

Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để cuộc chiến “Chống rác thải nhựa” trở thành phong trào sâu rộng, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong đó, các cơ quan, đơn vị Nhà nước phải làm gương bằng cách không mua sắm, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động của mình.

Mỗi cán bộ, công chức, người lao động phải gương mẫu, đồng thời vận động người thân, bà con lối xóm cùng thực hiện việc hạn chế tiến tới chấm dứt sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy. Các hội, đoàn thể ở địa phương cần duy trì phong trào huy động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni-lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định, nhất là xử lý rác thải nhựa.

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đưa việc hạn chế dùng đồ nhựa thành tiêu chí thi đua khen thưởng ở cơ quan. “Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với siêu thị, cửa hàng, các quán cà-phê, trà sữa để tuyên truyền việc thay thế sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần. Đối với các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm phát sinh rác thải túi ni-lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy... sẽ tổ chức thu hồi vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định”, ông Đinh Quang Cường nhấn mạnh.

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
.
.
.