Khói bếp tuổi thơ

.

Cái mùi khói ngà ngà trong chái bếp của bà, của mẹ đã ấp ủ tôi suốt những tháng năm dại khờ tuổi nhỏ. Khói có đủ sắc thái: khói rơm nếp thơm nồng nồng, khói củi ướt hăng hăng cay xè sống mũi, khói lá chuối khô mượt mà như lụa, khói trấu giòn tan, gãy vụn, khói trấu mảnh mai... Khói cũng có vũ điệu riêng: khi thì dập dìu như nam thanh nữ tú trẩy hội tháng giêng; khi lại bồng bềnh, phiêu lãng nhảy điệu valse chậm nhịp; có lúc nó kẻ những đường cong gợi cảm trên mái ngói nâu như răng bà ăn trầu hay vồ vập chẳng khác một anh chàng khát tình.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khói có gì mà nặng lòng đến thế? Có lẽ vì khói từ lửa rơm bao giờ cũng có một mùi thơm đặc biệt, mùi thơm của nắng vàng, của mùa màng, của sự ấm no. Mỗi khi nghe thấy tiếng mẹ lục cục dưới bếp, ngửi thấy mùi khói là bụng sôi òng ọc. Tôi chạy xuống bếp, bắc ghế ngồi sát bên mẹ để thỉnh thoảng được cho nếm thử thức ăn hay húp bát nước cơm lót dạ đợi bố đi làm về. Mẹ kể cho tôi câu chuyện của những thanh củi khô. Nếu chúng tách nhau ra sẽ tắt ngấm, chỉ khi chụm đầu lại mới bùng lên ngọn lửa. Bài học ngày ấy con còn nhớ hay đã quên?

Khói bao giờ cũng vẽ bóng hình mẹ tảo tần, vẽ lên lo toan trong mắt và cả dấu chân năm tháng trên mái tóc lấm tấm bạc lúc nào cũng búi cao sau đầu. Mẹ hết lo vết thương trên vai bố từ thời chiến tranh cứ trái gió trở trời đau nhức, lại canh cánh chuyện miếng ăn giấc ngủ của đứa con… Khói gói tròn những giọt nước mắt mẹ giấu đi ngày con gái đi lấy chồng xa hàng nghìn cây số. “Một thân một mình nơi đất khách quê người. Cơm lành canh ngọt thì chẳng sao lỡ vợ chồng xích mích, chắc nó chỉ còn biết chạy ra ôm gốc cây cao su mà khóc”, mẹ bâng quơ thế rồi châm thêm một thanh củi vào bếp lửa bập bùng.
Khói băng băng chạy dọc cả tuổi thơ tôi. Khói vo tròn củ khoai lang nướng trên tay thằng bé lên năm lên sáu. Đi học về mắt sáng rỡ khi mẹ bới trong bếp củ khoai nướng. Hương thơm ngọt nưng nức của khoai nướng quện vào mùi khen khét của khói dẫu đi hết cả cuộc đời cũng chẳng thể nào phai. Ăn ngấu nghiến, muội than lem nhem quanh miệng.

Khói ướp vào lời ru của bố. Bố làm ca đêm để ban ngày ở nhà bế con cho mẹ chạy chợ buôn hoa quả. Con đèo đọt, ba hôm lại một trận ốm, khóc ngằn ngặt suốt ngày lẫn đêm. Bố ru câu được câu mất, chắp đuôi bài này vào đầu bài kia, giọng rè rè lạc cả giai điệu. Khói quyện giấc mơ làm người mẫu của chị gái. “Người thì đen nhẻm mà đòi làm người mẫu”, tôi vẫn hay bĩu môi bảo thế. Hết lớp 9 chị phải nghỉ học giữa chừng. Tôi vẫn ngây thơ nghĩ chị thi trượt cấp 3 nhưng đâu biết rằng chị nghỉ vì bố mẹ không còn đủ sức nuôi cả hai chị em ăn học.

Bây giờ nhà nhà dùng bếp ga bếp điện. Khói bếp rơm trở thành khách lạ với nhiều người, nó như một câu chuyện ngày xưa chỉ dành cho những người có tuổi hay ưa hoài cổ. Bao năm nhễ nhại, bộn bề sống với phố, khói vẫn lặng lẽ hát trong ký ức của tôi. Dẫu có xoa lên mắt cay xè nhưng tôi vẫn thèm được ngửi lại khói bếp của mẹ, nhớ ray rứt một vạt khói trắng bay lên ấm áp trong căn bếp nhỏ năm xưa… Phải chăng đó là thèm được quây quần ăn bên bữa cơm mẹ nấu, thèm được nhem nhuốc như đứa trẻ một củ khoai nướng cũng vui cả ngày dài?

Đào Mạnh Long

;
;
.
.
.
.
.