Tôi cố gắng làm sao cho mỗi sinh viên được đào tạo ra đều có thể làm báo được ngay, không phải chờ đến thực tiễn đào tạo lại như học một số ngành khác”.
Cán bộ, giảng viên ngành Ngữ văn-Báo chí Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày ra trường khóa 28 năm 2018. Ảnh: PHAN VĨNH YÊN |
Trong một cuộc tiếp xúc với các thầy cô lãnh đạo khoa Báo chí - Truyền thông Trường Đại học Khoa học (ĐH Huế), nghe họ bàn luận nên lấy ngày nào để tổ chức kỷ niệm ngày thành lập địa chỉ đào tạo báo chí sớm nhất của miền Trung. Có lẽ, ngày nay do ỷ lại vào công nghệ, máy móc nên trí nhớ của con người bỗng trở nên hạn chế và trở thành kẻ bội bạc với chính con người! Nhưng cũng chính nhờ thế, làm tôi nhớ lại con đường đưa tôi đến với nghề báo và công tác đào tạo báo chí cách đây mấy mươi năm.
Ngay từ khi mới về giảng dạy ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế, tôi đã cố gắng đổi mới, tránh sự lặp đi, lặp lại của một chương trình đào tạo đại học mà thực chất chỉ là “phiên bản thứ hai” của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Một cái áo đã cũ, lại quá chật. Phải tìm cách thoát ra theo hướng nghiêng về phía nghệ thuật học. Những đề tài tốt nghiệp cho sinh viên tôi hướng dẫn thời đó chứng tỏ điều này: Sự vận động của lý tưởng thẩm mỹ trong nhạc Trịnh Công Sơn – từ góc nhìn ca từ học (sinh viên Lý Bá Lin, khóa 6, tốt nghiệp 1986), Từ tác phẩm văn học đến kịch bản điện ảnh (Nguyễn Hoài Nam, khóa 7, tốt nghiệp 1987), Thi pháp truyện ngắn Võ Hồng (Nguyễn Văn Long, khóa 9, tốt nghiệp 1989)...
Nhưng rồi tình yêu đối với báo chí trỗi dậy, vì từ những năm học đệ thất, đệ lục (lớp 6, lớp7) Trường Quốc học Huế, tôi đã thường xuyên gửi bài cộng tác với tuần báo Thằng Bờm của chị Diệu Huyền (bút danh của nhà văn Nguyễn Vỹ), rồi tham gia làm báo trong phong trào học sinh sinh viên tranh đấu. Hơn nữa, cũng vì công cuộc mưu sinh, từ năm 1991, tôi làm thuê cho hai cơ quan báo chí: Trưởng văn phòng đại diện báo Phụ nữ Việt Nam, được cấp thẻ hành nghề, phụ trách 19 tỉnh miền Trung và Thư ký chương trình phát thanh Văn nghệ Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế (tôi nghỉ công việc ở hai cơ quan này khi không phụ trách ngành đào tạo báo chí ở trường nữa, vào năm 2005) và bắt đầu viết giáo trình giảng dạy Đại cương về báo chí truyền thông.
Trong chương trình đào tạo ngành Ngữ văn của Hà Nội, cũng như Huế, báo chí được coi là môn học ngoại khóa, học vào năm cuối. Trước đó, thông thường là mời một nhà báo có kinh nghiệm đến báo cáo vài ba buổi giới thiệu đại cương về báo chí và nghiệp vụ làm báo. Học cho biết, chứ không thi lấy điểm. Những nhà báo như Lê Bá Thuyên, Đỗ Quý Doãn từng được mời giảng dạy môn này. Đến khóa 14, sau khi giáo trình biên soạn được Phân viện Báo chí -Tuyên truyền (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thông qua, tôi phụ trách bộ môn này và sinh viên học, có thi cử hẳn hoi. Trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo báo chí của Học viện, tôi lập đề án mở mã ngành đào tạo cử nhân báo chí, soạn thảo khung chương trình đào tạo, rồi đặt cho những giảng viên có chuyên môn, hoặc gần gũi về chuyên môn soạn thảo đề cương chi tiết...
Một bộ hồ sơ dày khoảng 250 trang giấy A4. Tôi nhớ, trong một cuộc họp liên tịch giữa khoa Ngữ văn, Phòng Đào tạo và Ban giám hiệu, TS Nguyễn Xuân Khoa, Trưởng phòng Đào tạo cho rằng, chương trình này theo quy định của Bộ trị giá khoảng 54 triệu đồng, nhưng nhà trường không chi trả đồng nào, còn những người tham gia soạn thảo chương trình chi tiết, chỉ làm giúp, bằng tấm lòng yêu mến báo chí, chứ không đòi hỏi gì. Lúc này, Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được phép đào tạo báo chí, khoa gửi hai cán bộ trẻ ít giờ dạy ra Hà Nội học “bằng hai” về báo chí. Sau hai năm rưỡi, các anh tốt nghiệp trở về, nhà trường thành lập bộ môn Báo chí và Lý luận văn học (1997), đó là lần đầu tiên “báo chí” có tên trong chương trình đào tạo cử nhân.
Song song với việc củng cố tổ chức, trong năm học này, khi sinh viên Ngữ văn khóa 18 học xong năm thứ 3, chúng tôi tổ chức thi tuyển những em có năng khiếu, lên năm thứ tư học riêng hệ thống chuyên đề về báo chí và tốt nghiệp ghi trong bằng một mã ngành chung chung không có trong quy định đào tạo của nhà nước, là “cử nhân ngữ văn-báo chí”. Thực chất, đây là việc đào tạo “chui” vì chưa được Nhà nước cấp phép và việc làm này kéo dài cho đến khóa 26. Đến cuối năm 2005, mới có mã ngành đào tạo báo chí và bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân báo chí từ năm thứ nhất, khóa 27. Và, cũng từ đây, tách Báo chí và Lý luận văn học thành hai bộ môn riêng.
Kể lướt qua thì như vậy, nhưng để có được mã ngành đào tạo cử nhân báo chí thời đó, thật hết sức gian nan. Bởi lẽ, báo chí thực chất là một bộ phận của hình thái ý thức chính trị, làm báo thực chất là làm chính trị theo một dạng hoạt động đặc thù. Khoa báo chí học phụ thuộc vào chính trị. Không phải như bây giờ báo chí mở khắp mọi nơi, ngay cả đại học tư thục cũng đào tạo báo chí. Thời đó, cả nước chỉ có một nơi có quyền đào tạo các nhà báo, đó là Phân viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nhạy bén như hai trường đại học xã hội nhân văn ở hai đầu đất nước, đến thời điểm những năm cuối thế kỷ XX mới có mã ngành. Chúng tôi gần trọn mười năm mới xin được mã ngành. Anh em phải tự bỏ tiền túi ra để đi lại, ra, vào Hà Nội, bao nhiêu lần điện thoại “vận động hành lang” với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương...
Ngay cả trong nội bộ cán bộ trong khoa không phải ai cũng thống nhất. Có người đề nghị chuyển sang xin mở mã ngành ngôn ngữ hoặc Hán Nôm cho dễ hơn. Ngay cả việc nên gọi là chuyên ban hay chuyên ngành, nên ghi vào bằng tốt nghiệp là cử nhân gì, cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Các khóa 18, 19 ghi là “ngữ văn-báo chí”; các khóa 20, 21 ghi là “ngữ văn (báo chí)”; các khóa 22, 23, 24, 25, 26 chỉ ghi là “ngữ văn”, trong khi cả hệ thống chuyên đề năm thứ tư và làm luận văn (nay gọi là khóa luận) tốt nghiệp về báo chí.
Quan trọng hơn, là sự lệch pha về quan điểm đào tạo. Là một trường khoa học cơ bản, mục tiêu đào tạo chủ yếu là người nghiên cứu, nhà khoa học (ta hay gọi là cán bộ nghiên cứu), trong khi báo chí lại cần đào tạo người thực hành, người làm báo/ nhà báo. Một người dạy báo không thể chưa từng viết báo. Thầy giao cho trò số liệu để viết một cái tin, xong thầy chấm và sửa cho trò, nhưng bản thân thầy thì không viết được! Khi tôi còn phụ trách, tôi lập đề án cho mỗi thầy cô, hằng năm ngoài giờ dạy, phải về thực hành công việc của người làm báo ở một cơ quan báo chí truyền thông trong vòng 3 tháng, nếu hoàn thành công việc, đủ chỉ tiêu tin bài, trở về khoa mới được công nhận lao động tiên tiến. Thậm chí, cả thầy cô và sinh viên năm cuối tốt nghiệp phải đủ trình độ ngoại ngữ để thực hành, thực tập ở các tờ báo ở nước ngoài...
Một làn sóng phản đối âm thầm ngay trong chính những người giảng dạy báo chí. Có người còn đòi đưa Bộ luật Lao động để kiện chủ trương này ra tòa, vì lý do “tôi là thầy, là người dạy cho người khác làm báo, chứ không thể bắt tôi đi làm báo”, mặc dù tôi dạy cho người ta làm cái việc mà tôi không làm được tí tẹo nào! Đó là lý do chính tôi rời ngành báo, nơi mà tôi dốc hết tâm huyết gần cả một đời tôi vào đó, đành lặng lẽ ra đi!
PHẠM PHÚ PHONG