Tại Đà Nẵng, thời gian gần đây, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hành động “tử tế vì môi trường”, qua những việc làm rất nhỏ như thay đổi thói quen sử dụng chai thủy tinh thay vì chai nhựa dùng một lần, phân loại rác thải tại nguồn, trồng thêm nhiều cây xanh, hạn chế túi ni-lông, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường…
Hội LHPN phường Tân Chính, quận Thanh Khê tặng chai thủy tinh cho hội viên phụ nữ tại địa phương. Ảnh: T.Y |
“Hiện nay, không chỉ cá nhân tôi mà ngay tại Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đà Nẵng cũng như phụ nữ các quận, huyện, phường, xã cũng thường xuyên sử dụng chai thủy tinh để đựng nước uống hay đi tiếp khách, hội họp, thay thế chai nhựa dùng một lần. Hoạt động này đã kéo dài nhiều tháng nay, nhất là khi Hội LHPN thành phố phát động thi đua năm 2019 với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và “Chống rác thải nhựa””, chị Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố bộc bạch khi nói về phong trào “chống rác thải nhựa” đang được các cấp hội tiếp tục triển khai với quyết tâm thay đổi nhận thức, tạo thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường cho chị em phụ nữ.
Thời gian qua, Hội LHPN thành phố đã gửi tặng đến các cấp cơ sở hơn 1.300 bình đựng nước bằng thủy tinh; đồng thời, kêu gọi lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận và hội, đoàn thể thành phố, lãnh đạo các quận, huyện, cán bộ, hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sử dụng chai thủy tinh, bình inox đựng nước thay thế nước đóng chai…
“Chúng tôi hy vọng từ việc thay đổi thói quen của các mẹ, các chị thì mỗi gia đình tại thành phố Đà Nẵng sẽ dần chuyển qua sử dụng chai thủy tinh, bình inox đựng nước, thức uống để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường”, chị Thắm nói.
Bên cạnh đó, mô hình phân loại rác thải tại nguồn cũng được chị em phụ nữ triển khai rộng khắp, tạo thành từng nhóm thu gom, phân loại, bán gây quỹ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cấp học bổng và nguồn vốn cho chị em phát triển kinh tế. Nhiều chi hội phụ nữ thực hiện mô hình dùng giỏ nhựa, túi sinh thái khi đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông hay những sản phẩm nhựa khó phân hủy…
Tại chợ Tam Thuận (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), từ giữa năm 2018, 100% tiểu thương đã cam kết sử dụng túi ni-lông tự hủy để đựng hàng hóa cho khách. Chị Nguyễn Thị Mai, bán mặt hàng rau củ quả tại chợ này nói: Túi ni-lông tự hủy có giá thị trường 40.000 đồng/kg nhưng nhờ sự trợ giá của chính quyền địa phương, chúng tôi mua với giá 25.000 đồng/kg, tạo điều kiện cho chị cũng như nhiều tiểu thương mua về sử dụng.
Được biết, tính đến nay, đã có hơn 15.000 kg túi ni-lông thân thiện môi trường được Hội LHPN quận Thanh Khê cung cấp dưới hình thức trợ giá đến bà con tiểu thương thuộc 11 chợ trên địa bàn toàn quận.
Cũng theo chị Tăng Hoàng Hôn Thắm, từ mô hình 3R (redure + reuse + recycle = giảm thiểu + tái sử dụng + tái chế), nhiều chị em đã chủ động liên hệ các cửa hàng kinh doanh đồ điện tử thu gom pin đã qua sử dụng, vận động tiểu thương tại các chợ, phụ nữ khu dân cư sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, tổ chức các điểm tuyên truyền về rác thải nhựa, hướng dẫn phân loại rác thải tại hộ gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ tại địa phương.
Bên cạnh đó, với việc ra mắt “Đội hình tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, văn hóa, văn minh đô thị”, Thành Đoàn Đà Nẵng đã gầy dựng ý thức, thói quen ứng xử thân thiện với môi trường cho đông đảo đoàn viên, thanh niên. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm khá hiệu quả.
Đơn cử, từ tháng 2-2019, Đoàn Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) thực hiện dự án cộng đồng “Chuyến bay 71”. Theo đó, cứ 10 chai nhựa đưa cho nhóm thực hiện dự án, các bạn sinh viên sẽ được giảm giá khi mua một chai thủy tinh và túi vải xinh xắn. Đây là chương trình “Đổi chai nhựa để được discount (giảm giá) khi mua chai thủy tinh” nằm trong chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường do Đoàn trường phát động.
Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế Lê Đình Quang Phúc nói rằng, mỗi thay đổi dù nhỏ đều cần sự kiên trì và đều có ích cho việc bảo vệ môi trường. Với hoạt động đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh, nhiều bạn đã không còn vứt bừa bãi vỏ chai nhựa ra đường, vào thùng rác, mà bắt đầu gom lại để đổi lấy một sản phẩm khác, thân thiện với môi trường hơn.
Không chỉ chú trọng vào công tác thu gom rác thải nhựa, Đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã giới thiệu những chiếc chai thủy tinh mẫu mã đẹp, bắt mắt, dùng kèm với túi vải để tránh rạn vỡ, va chạm trong quá trình di chuyển. “Điều hạnh phúc của chúng tôi khi thực hiện dự án này là nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo nhà trường thông qua việc trang bị hệ thống nước uống tại các khu giảng đường nhằm khuyến khích sinh viên mang chai đến lấy nước sạch về lớp uống”, anh Phúc cho biết.
Giữa lúc phong trào “chống rác thải nhựa” lan tỏa đến từng con người, từng ngôi nhà, thì hình ảnh chiếc chai thủy tinh đựng nước xuất hiện trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 24-4 của UBND thành phố Đà Nẵng một lần nữa trở thành thông điệp mạnh mẽ trong câu chuyện nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân thành phố và thể hiện hành động của chính quyền.
Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN&MT) cho biết, giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đà Nẵng giai đoạn 2019 - 2020. Thời gian qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, hội, hiệp hội trên địa bàn thực hiện các phong trào giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ các mô hình tái chế mang lại sản phẩm thân thiện với môi trường…
Cũng theo vị đại diện Sở TN&MT thành phố, trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí thuộc đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” trong giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn năm 2045, hướng đến xây dựng hệ thống quản lý môi trường bền vững, xây dựng thành phố sinh thái bên sông Hàn. Trong đó, chú trọng công tác thu gom, phân loại rác tại nguồn, xử lý những điểm nóng về ô nhiễm môi trường, thu gom nước thải, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh thái…
Có thể thấy rằng, tử tế chính là cách mà người dân thành phố đang lựa chọn để ứng xử với môi trường, vì một không gian sống xanh, sạch, văn minh. Những thay đổi dù nhỏ, cũng đáng được cổ vũ và nhân rộng để mỗi người dân trở thành một nhân - viên - môi - trường trong tương lai.
Tiểu Yến