Mẹ ơi, mùa hè ở đâu?!

.

“Tặng con nè. Nghỉ hè vui vẻ nghe!”. Tôi háo hức chìa ra trước mặt con bé món quà là cuốn sách mới
tinh - Bảy bước tới mùa hè của Nguyễn Nhật Ánh, trong lòng chắc mẩm thế nào con bé cũng reo lên thích thú. Nó - đứa cháu gọi tôi bằng dì, mới kết thúc lớp 8, chuẩn bị lên lớp 9, vừa đón từ tay dì cuốn sách, vừa méo miệng cười “đau khổ”: “Dì ơi, con đi ngàn bước cũng không thấy mùa hè ở đâu!”.

Đôi mắt tinh quái hằng ngày của nó cụp xuống, buồn thiu. Thì ra, con nhỏ vừa kết thúc năm học đã bắt tay vào cuộc chiến cho kỳ thi lên lớp 10 của năm học tới. Nó đi học với thời gian biểu dày đặc. Mùa hè dường như đi đâu, bỏ rơi con bé!

Tôi nhớ nguyên cảm giác ngày xưa, lúc còn đi học. Cứ độ giữa tháng 5, sau khi thi học kỳ hai xong, với lũ học trò tinh nghịch chúng tôi, mùa hè đã chính thức bắt đầu. Chẳng đợi ve kêu, không chờ phượng nở, mùa hè cứ thế đến với nỗi thích thú không sao diễn tả bằng lời. Những ngày học cuối, mấy đứa rủ nhau không thèm mang cặp sách nữa và đến trường sớm để bày biết bao nhiêu trò tinh nghịch. Chỉ là, đi thật sớm để gõ cửa nhà bác bảo vệ trường rồi ù té chạy, bồng bế nhau với hái cho được mấy trái phượng non ở góc sân trường để làm kiếm chia phe đánh nhau chí tử, mang mấy bịch nilon bắt đầy sâu đo để dưới ngăn bàn dọa mấy đứa con gái khóc thét rồi đứng từ xa ôm nhau cười khoái chí…

Tiếng trống kết thúc năm học vang lên là lúc tụi nhỏ chúng tôi cười to nhất. Hè rồi, hè thật rồi, sướng ơi là sướng! Hè là được miễn khoản ngủ trưa, nhón chân ra khỏi nhà rồi đi loanh quanh trong sân khu tập thể rợp bóng mát cây u ma. Nhiều khi, chẳng có gì để chơi, cứ dắt tay nhau tung tăng cũng thấy vui sướng vô cùng. Hè mà!

Thích nhất là lúc ba má gửi về quê ngoại. Chúng tôi đã có trọn ba tháng hè say sưa giữa vườn tược, cây cối. Cái nắng tháng sáu hầm hập lại chở về một trời ký ức tuổi thơ dịu ngọt và thanh mát trong tâm hồn lũ trẻ ham chơi. Buổi sớm theo cậu dắt trâu ra đồng, chạy bon bon trên triền đê, chui vào bụi chằng chịt hoa lá chỉ để tìm được một trái dủ dẻ rồi cười khúc khích khoe chiến công. Trưa, giữa cái nắng như đổ lửa, mặc kệ tiếng ngoại ơi ới gọi về ngủ, cứ hí hoáy giữa vườn sắn, tước mấy cọng lá non đeo tòn ten chơi trò làm cô dâu hay lúi húi tìm mấy mảnh nhựa, thanh sắt góp lại đổi cây kem rồi thi nhau… mút chung.

Đêm về, giữa những vệt ánh sáng lấp lánh của mấy con đom đóm, lũ trẻ xúm xít ăn cơm độn khoai giữa cái mẹt tre để giữa sân, rồi rủ nhau chơi trò trốn tìm ngoài bụi chuối, hay thi nhau hát nối chữ tới tận khuya chưa đứa nào chịu về nhà. Một ngày kín mít lịch trình với những cuộc chơi. Nhờ những ngày hè như thế, chúng tôi đã “lớn lên” biết bao nhiêu - giữa cỏ cây, bè bạn, tình thân. Mùa hè, mùa của niềm vui con trẻ!

Dòng ký ức về mùa hè ngày xưa của tôi bỗng ngắt đoạn bởi tiếng rên hư hử của đứa cháu: “Dì ơi, chiều nay con phải đi học ba môn luôn đó!”. Mẹ nó đứng cạnh, lấy tay xoa đầu vỗ về: “Ráng lên con, hè không đi học vô năm không học kịp các bạn rồi sao thi! Ráng học giỏi là sang năm được nghỉ hè!”. Con bé lí nhí trong miệng, đủ để tôi nghe thấy nỗi hậm hụi rất thương: “Hè năm ngoái mẹ cũng nói vậy rồi!”.

Điều lạ lùng có thực là, ngày nay, cả trẻ con và người lớn không còn nao nức đón hè. Mùa hè, trẻ con sợ một, người lớn sợ mười phần. Tụi nhỏ vừa khép trang vở của năm học này là nhoài vào những lớp học kiến thức cho năm học sau. Để chi? Để ba tháng hè phải học hết trước các kiến thức cơ bản của các môn học quan trọng, vô năm thong thả luyện tập nâng cao kỹ năng làm bài, chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng.

Đôi khi, chỉ để thoát khỏi nỗi lo âu dù mơ hồ nhưng rất thực của cả ba mẹ và con trẻ: không học không theo kịp bạn bè. Rồi các lớp học năng khiếu và kỹ năng sống, hết bơi lội đến nhảy hiện đại, bóng rổ, bóng bàn, cờ vua, dẫn chương trình... Ngày nối ngày theo những chuyến xe đến lớp.

Dường như, mùa hè với con trẻ, chỉ khác với ba mùa trong năm ở chỗ: thêm thời gian cho nhiều hơn các môn học. Ba mẹ trở thành những “người vận chuyển” bận rộn, khổ sở suốt cả ba tháng liền. Đó là khi con đã lớn. Ở những gia đình có con nhỏ, độ tuổi mẫu giáo hay tiểu học, lại không có ông bà để nhờ trông con, mùa hè trở thành bài toán nan giải.

Cho nên, các lớp bán trú hè mở ra bao nhiêu cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Có phụ huynh chưa kết thúc năm học đã phải lo nhờ cô giáo trông con hộ ở nhà. Biết sao được khi công việc, cuộc sống vẫn mặc nhiên diễn ra như bao mùa, không kể chi ngày hè nóng rát!

Không khoảng trời tự do để vẫy vùng hít hà không khí và chạy nhảy vui đùa, không nhiều cơ hội thoát khỏi tầm kiểm soát của ba mẹ để say mê khám phá thế giới xung quanh, không những cuộc chuyện trò để gần lại vì ai cũng có một tài khoản mạng xã hội và lặng lẽ sống với những xúc cảm “ảo”… Tâm hồn con trẻ thiếu cái oi nồng mà thanh mát của ký ức mùa hè. Khoảng thời gian vui chơi, bồi đắp những rung cảm và yêu thương cho trẻ, trở thành thời gian “chết” mệt nhoài. Mùa hè không ngơi nghỉ.

Đứa cháu bướng bỉnh của tôi vẫn theo lịch học mà bố mẹ xếp sẵn, nhưng thi thoảng nó “phản đối” bằng câu hát đùa vu vơ: Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/Mẹ chở mùa hè của con đi đâu? Bất giác, tôi nghĩ, con bé hát đùa mà nói thật đấy chứ! Mùa hè của con không ở đâu xa, ở ngay trong quan niệm và suy nghĩ tích cực của người lớn. Mùa hè của con do ba mẹ “chở” về.

Giá như, bậc làm cha làm mẹ nào cũng ý thức được ba tháng mùa hè là khoảng thời gian để trẻ tái tạo năng lượng, từ đó biết cân bằng việc học và chơi - cùng con, mùa hè sẽ tươi mát và đáng yêu hơn biết bao với con trẻ.

Trần Thị Hồng Vân

;
;
.
.
.
.
.