Cách đây vài năm bảo vệ môi trường là khái niệm có phần vĩ mô và trừu tượng với giới trẻ. Tuy nhiên gần đây, từ những hình ảnh, câu chuyện có thật về việc các ống hút nhựa gây thiệt hại cho sinh vật biển, tàn phá môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, mọi người dần nhận ra rằng bảo vệ môi trường không phải khái niệm gì đó quá cao siêu, mà thực tế ai trong chúng ta cũng có thể bảo vệ môi trường bằng những hành động đơn giản nhưng thiết thực.
Nhóm Green Hero trong một buổi tuyên truyền về chống rác thải nhựa. Ảnh: H.A |
Tập thói quen “Nói không với đồ nhựa dùng một lần”
Hẹn gặp Thanh Nhàn (học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) tại quán cà-phê trên đường Lê Duẩn. Nhàn đến và mang theo túi xách làm bằng vải, đựng một chai thủy tinh, bộ ống hút tre và hộp thủy tinh đựng thức ăn. Thói quen này đã được Nhàn duy trì vài tháng nay.
Nhàn kể, trước đây em cũng khá thờ ơ với môi trường. Cho đến một lần, em tình cờ xem được những video về bãi rác khổng lồ trên Thái Bình Dương, những con số thống kê chỉ vài chục năm nữa, lượng rác trong đại dương còn nhiều hơn lượng cá, đặc biệt là hình ảnh những con cá trong bụng toàn rác thải nhựa. Từ đó, em nghiêm khắc buộc bản thân phải hạn chế tối đa dùng đồ nhựa. Đến trường thì mang theo chai nước thủy tinh, tuyệt đối không mua thức ăn đựng trong hộp xốp. Nếu đến những quán cà-phê không dùng ly thủy tinh thì em chìa chai của mình ra, nhờ nhân viên bỏ đúng lượng nước mà họ bán cho mình. Bắt đầu bằng những việc nhỏ nhỏ như thế. Đến giờ thì không phải loại bỏ hoàn toàn nhưng em đã hạn chế tối đa. Khi không dùng rồi thì một thời gian sẽ thấy không dùng đồ nhựa cũng không sao hết.
Thanh Nhàn là Chủ nhiệm CLB Greenie Environmental (thuộc Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn). Các bạn trong CLB thể hiện tình yêu với môi trường từ những điều rất nhỏ. Mỗi khi hội họp, các bạn đều chọn những quán cà-phê sử dụng ly thủy tinh, ống hút tre. Đặc biệt, CLB đang khởi chạy dự án “Không sử dụng đồ nhựa trong trường học”.
Dự án nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ thầy hiệu trưởng và Đoàn trường. Trong những buổi sinh hoạt chào cờ, các bạn đã tuyên truyền, cung cấp kiến thức về nhựa. Và các bạn học sinh đã ký đồng ý với dự án không sử dụng đồ nhựa trong trường học, nói không với bao ni-lông hay hộp xốp, sử dụng hộp thủy tinh để đựng đồ ăn sáng khi đi học, đem theo chai nước để rót nước từ vòi nước công cộng của trường, không sử dụng ống hút khi mua các loại nước từ căng-tin.
Nhàn chia sẻ: “Em nghĩ hiện tại các bạn trẻ đã có ý thức hơn về tác hại của đồ nhựa đối với môi trường. Cá nhân em thì em đang rất hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần trong cuộc sống hằng ngày, nhưng em không nghĩ mình cần phải hô hào hay phải cho thật nhiều người biết là mình sống xanh, sống giảm nhựa như thế này, thế kia đâu ạ. Em và các bạn trong nhóm của mình áp dụng lối sống này khá tự giác, nghiêm khắc và âm thầm. Chẳng ai bảo em phải hạn chế dùng ống hút, túi ni-lông, ly nhựa như thế, chỉ là em tự thấy đó là điều mình có thể làm và cần phải làm”.
Qua nhiều chiến dịch truyền thông chống rác thải nhựa thời gian gần đây, giới trẻ càng ngày càng tích cực hưởng ứng phong trào nghĩ xanh và sống xanh. Họ nhận ra rằng khái niệm bảo vệ môi trường không phải là câu chuyện vĩ mô và trừu tượng của riêng ai mà thay vào đó là những hành động đơn giản nhưng thiết thực. Trong đó có việc hạn chế tối đa sử dụng đồ nhựa hằng ngày.
Hiện nay, hình ảnh những bạn trẻ vào quán ăn, quán cà-phê, trà sữa nhưng mang theo túi vải trong đó có chai thủy tinh, bộ ống hút, hộp thủy tinh đựng thức ăn của riêng mình đã khá phổ biến. Đặc biệt, nhiều quán cà-phê đang chuyển qua sử dụng ống hút làm từ cỏ, tre, inox thay cho ống hút nhựa, để góp phần bảo vệ môi trường. Đây là điểm cộng để lấy lòng khách hàng, nhất là các bạn trẻ yêu lối sống xanh.
An Nhiên (sinh viên năm 2, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Khi thấy mình từ chối nhận bao ni-lông đựng bánh mì hay không dùng ống hút trong quán cà-phê, một số bạn cũng nói: “Một người, hay một cơ sở kinh doanh không dùng ống hút nhựa thì có thể làm được gì to tát?”.
Đúng vậy, mỗi người chúng ta như một tán lá nhỏ xíu không thể che hết cả thành phố Đà Nẵng rộng lớn hay lớn hơn nữa là hành tinh này. Nhưng tụi mình tin rằng, bạn và mình, các cơ sở kinh doanh cùng rất nhiều người khác nữa trong cộng đồng, có thể cùng nhau hạn chế đồ nhựa một lần từ những thay đổi nhỏ nhất, để tự bảo vệ cho bản thân và khách hàng, xây dựng những giá trị bền vững từ những sản phẩm bền vững. Sẽ tới một lúc, những tán cây nhỏ ấy cùng với nhau tạo nên những khu rừng lớn, những cộng đồng lớn bao phủ mảnh đất này”.
Lan tỏa thông điệp
Ngọc Hân (Chủ nhiệm nhóm Green Hero, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, tập trung giảm thiểu mảng rác thải nhựa tại Đà Nẵng) chia sẻ: “Bản thân em là một người trẻ, bạn bè của em phần nhiều là người trẻ, các bạn có những suy nghĩ, tư duy và hành động rất tích cực đối với vấn đề xã hội nói chung và môi trường nói riêng. Em cảm thấy rất vui khi những người bạn xung quanh mình cầu tiến như thế. Thế nhưng, những người bạn em biết chỉ là một số ít. Theo như quan sát của em, hiện nay vẫn có rất nhiều những bạn trẻ không thực sự để tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Có thể các bạn biết đồ dùng nhựa một lần là không tốt đấy (hoặc là các bạn không biết) nhưng các bạn chưa nhận thấy sự cấp thiết của những hành động giúp giảm thiểu năng lượng, rác thải nhựa... ra môi trường của mình. Chính vì như thế, tụi em rất mong muốn sẽ hoàn thành tốt được sứ mệnh giảm nhựa của Green Hero và lan tỏa được đến thật nhiều người về thông điệp này sau mỗi dự án, chiến dịch”.
Green Hero hiện đẩy mạnh hoạt động tập trung vào việc giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống giảm nhựa và vận động các cửa hàng, người tiêu dùng giảm thải. Một số dự án Green Hero đã thực hiện để góp phần nhỏ vào việc giảm thiểu rác nhựa đó là tổ chức workshop giáo dục về “Hạt vi nhựa”, trại hè môi trường “Siêu nhân Xanh Lá”, triển lãm “Quái vật nhựa”, chiến dịch vận động các cửa hàng không sử dụng ống hút nhựa “Anti Plastic Straws Campaign”…
Hiện tại nhóm đang tập trung vào dự án “Rethink Your Plastic Straws”. Dự án đặt ra mục tiêu sẽ vận động hơn 30 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố tham gia giảm thiểu việc sử dụng ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện, dùng được nhiều lần. “Mình không dùng ống hút nhựa nha” là “câu thần chú” mà các bạn trong nhóm Green Hero sử dụng mỗi khi vào các cửa hàng ăn uống.
Ngoài Green Hero, ở Đà Nẵng còn có tổ chức môi trường Let’s do it Danang (LDI). Những năm trước đó, LDI Đà Nẵng tổ chức thành công nhiều buổi dọn rác ở Đà Nẵng như “Làm sạch Mân Thái”, “Làm sạch Sơn Trà”, “Làm sạch Bãi Cát Vàng”... Không chỉ dọn rác, LDI Đà Nẵng còn hướng tới các hoạt động ngoại khóa, những buổi talkshow tại trường học để giúp các bạn học sinh, sinh viên hiểu về rác thải và tái chế, từ đó khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường.
Đồng thời, LDI Đà Nẵng chia sẻ thêm về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên đang diễn ra trên thế giới. Bình Nguyên (điều phối viên toàn quốc của LDI) nói: “Sứ mệnh hoạt động của LDI là dọn rác và giáo dục về môi trường. Chúng tôi đã tổ chức hàng chục hành trình dọn rác ở khắp Đà Nẵng nhưng sau đó, chúng tôi nhận ra rằng, hôm nay dọn, ngày mai lại có rác. Vì vậy, hiện tại chúng tôi hướng đến giáo dục cho các bạn học sinh cấp THCS, THPT kiến thức về rác thải, quy trình từ một đồ vật bình thường trở thành rác, làm sao để hạn chế đồ nhựa dùng một lần, tái chế đồ nhựa, phân loại rác…”. Theo Nguyên, nếu chúng ta chưa biết làm gì để hạn chế lượng rác thải nhựa ra môi trường mỗi ngày thì tốt nhất là nên “nói không” với chúng trước.
Hải Âu