Những viên bi tuổi thơ

.

Những viên bi (còn gọi là cu li) lấp lánh, trong veo như đôi mắt mèo, là một phần ký ức tuổi thơ của không biết bao thế hệ. Món quà ấy là một trò chơi dân dã một thời, mà cho đến bây giờ, khi nghĩ về nó, những người trung niên, cao niên đều thấy man mác nỗi niềm: tiếc hoài tuổi thơ tươi đẹp.

Hồi nhỏ, bất cứ trẻ nam nào cũng có vài viên bi trong cặp, thậm chí là đầy cả lon sữa to dùng để chơi trò bắn bi. Ngay cả tụi con gái có tính cách mạnh mẽ, cũng khoái tham gia. Để trò chơi này diễn ra vui vẻ thì bọn con nít hẹn nhau ở một khoảng sân rộng, bằng phẳng để có thể bắn bi trơn tru. Chúng dùng phấn vẽ một vòng tròn to bằng nắp vung rồi góp bi vào. Đối diện vòng tròn khoảng 1,5m – 2m (tùy vào quy định trong lúc chơi) là một vạch phấn ngang để các “bi thủ” thi xem ai được quyền bắn trước. Nếu gần vạch phấn nhất là được gieo bi đầu tiên (nhưng không được vượt qua vạch bên kia).

Thao tác này luôn đòi hỏi các “bi thủ” cân nhắc, vì được bắn trước là quyết định phần thắng cao hơn. Từ vạch phấn ngang, “bi thủ” sẽ bắn về phía vòng tròn cho các viên bi văng ra ngoài thì sẽ sở hữu phần đó. Tuy nhiên, nếu viên bi của mình mà rơi vào vòng, hoặc lỡ chạm sượt qua thì bị “giam trong ngục”, khi nào được người khác bắn ra thì mới “thoát nạn”…

Ngoài ra còn có bi lỗ (1 hoặc nhiều lỗ), bi hào, bi biển… Tùy theo địa phương mà có những quy định và biến thể khác nhau. Thú vị của trò chơi này là giăng bẫy, rình rập, dẫn dụ đối phương rơi vào bẫy để mình giành phần thắng lợi. Nếu nóng vội sẽ thua cuộc ngay!

Tôi cũng như những đứa trẻ khác, rất thích chơi trò bắn bi. Hầu như phần lớn số tiền mà ba mẹ cho mua quà bánh, tôi đều đem mua bi. Tôi còn nhớ, 5 viên bi thường là 200 đồng, nhưng bi màu sữa đục thì có giá cao hơn. Bi có nhiều loại, từ bi trong, bi sữa, bi nhỏ, bi to... Mặc dù tôi chơi trò này rất cừ, nhắm rất đúng mục tiêu, thu được nhiều “chiến lợi phẩm” nhưng hễ ra tiệm tạp hóa trước cổng trường thấy bán bi là tôi muốn mua ngay.

Như kiểu những người thích sưu tập đồ vật. Thu hoạch được nhiều “chiến lợi phẩm”, tôi chẳng biết làm gì nên bán rẻ cho những bạn thiếu bi để tiếp tục trò chơi. Tùy theo bi cũ hay mới mà có giá khác nhau. Trong quá trình chơi, trẻ con bắn mạnh tay có thể bể nên giá rất là bèo, thậm chí là không mua. Chơi xong, tôi mang lon bi về nhà đổ ra thau nước để rửa sạch đất cát rồi lựa kỹ, lau khô mang bỏ vào hộp cất chỗ kín để tránh em trai mình lấy mất. Thậm chí tôi còn chôn xuống đất để không bị phát hiện. Dù vậy cũng đôi lần tôi bị thằng nhóc rình thấy và lấy trộm.

Có lần cần bi, tôi đào hộp bi dưới gầm giường nhưng mất tích. Khi nhìn thấy chiếc hộp vứt trước sân nhà, tôi hiểu ngay vấn đề. Thế là “chiến tranh” xảy ra. Ngay lập tức người lớn can thiệp để anh em tôi không đánh nhau. Không phải tôi hẹp hòi với em mình, mà là thằng bé quá phá bĩnh. Tôi cho nhóc rất nhiều viên bi nhưng sau đó nhóc mang đi chơi thua sạch, rồi còn lấy cắp, méc ba rằng tôi không thương em. Ức quá nên tôi mới đào đất đem giấu. Mọi chuyện được ba mẹ giảng hòa bằng cách can hai đứa, dỗ ngọt, rồi lấy hũ bi của tôi chia đều.

Tưởng ba mẹ thiên vị nên tôi giận, ngồi bệt xuống đất khóc, không chịu, trong khi thằng em tôi thì hả hê với một tô bi lấp lánh. Nhưng rồi sau đó, ba dúi vào túi tôi 400 đồng và bảo: “Coi như ba mua bi của con, đừng khóc nữa. Em nó còn nhỏ, chưa biết gì. Con là anh phải nhường nhịn, chở che cho em chứ”. Tôi ngây thơ cầm tiền chạy đi mua những viên bi mới. Giờ nghĩ lại mới hiểu hết giá trị của tình yêu thương gia đình.

Những viên bi rồi cũng vơi đi lấp lánh, khi người ta lớn dần. Thế giới hiện tại có nhiều trò chơi thú vị trên mạng nên những trò bắn bi thực tế không còn được ưa chuộng. Người ta vẫn còn bán bi nhưng chủ yếu để làm cảnh, trang trí trong những lọ thủy tinh trong suốt. Tôi cũng quên mất trò chơi ấy khi rời xa làng quê, mưu sinh xứ người. Để rồi chợt một sáng đẹp trời, bất giác nhìn thấy những viên bi đa sắc xuất hiện trên một diễn đàn Facebook, ký ức vụng về, ngây dại ùa về đến quặn thắt. Chao ôi, thèm lắm mang những viên bi ra sân làng thi đấu. Bọn bạn thời “sửu nhi” giờ ở nơi đâu?

ĐẶNG TRUNG THÀNH

 

;
;
.
.
.
.
.