Niềm vui về phố…

.

Từ mùa hè năm 2015 đến nay, khi tháng 5 về, những học sinh (HS) vượt khó học tốt tại các trường trên địa bàn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam lại được về Đà Nẵng vui chơi trong chương trình “Đưa em về phố”. Đây chính là phần thưởng mà CLB Tiếp sức vùng cao và CLB Bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng dành tặng cho các em.

Anh Lê Quang Trí, Ban Chủ nhiệm CLB Bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng tặng quà cho các em học sinh trong chương trình “Đưa em về phố 2019”.  Ảnh: K.Q
Anh Lê Quang Trí, Ban Chủ nhiệm CLB Bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng tặng quà cho các em học sinh trong chương trình “Đưa em về phố 2019”. Ảnh: K.Q

Điều đặc biệt của “Đưa em về phố 2019” là ngoài việc đón 20 em HS lớp 9 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBT TH) và THCS xã Dang (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), còn có 4 HS lớp 6 và 3 HS lớp 8 Trường THCS Phan Bội Châu (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được đánh giá là những HS chuyên cần đến lớp, ngoan và vượt khó học tốt.

Trong lịch trình về phố lần này, đoàn HS được vui chơi tại Công viên 29-3, Bảo tàng Quân khu 5, chùa Linh Ứng, Công viên Châu Á, Khu du lịch Non Nước và tham quan cầu Rồng, cầu Tình yêu. Bên cạnh đó, thông qua sự kết nối của hai CLB với các nhà tài trợ, các em được thưởng thức những món ăn ngon tại nhiều nhà hàng, khách sạn nổi tiếng của thành phố.

Chị Khổng Thị Bích Ngọc, Chủ nhiệm CLB Tiếp sức vùng cao Đà Nẵng cho biết ngoài những phần quà gồm bánh kẹo, đồ dùng học tập, Ban tổ chức còn chọn ra 3 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để trao thưởng (1 phần quà 5 triệu đồng và 2 phần quà là xe đạp). “Hơn 70% thành viên của CLB Tiếp sức vùng cao làm trong ngành lữ hành, khách sạn nên lịch trình 2 ngày tại Đà Nẵng của các em cũng được chúng tôi lên kế hoạch chi tiết”, chị Ngọc chia sẻ.

Lần đầu được đến Đà Nẵng tham quan, em Alăng Thị Dinh, Trường THDTBT TH&THCS xã Dang cho biết đây là chuyến đi xa nhất và vui nhất của em. Dinh là con út trong một gia đình có 3 người con, bố mẹ đều làm rẫy. Hằng ngày, hành trình tìm đến con chữ của Dinh mất khoảng 2 tiếng cuốc bộ nếu đi nhanh, khoảng 3 tiếng nếu đi chậm. Trừ những hôm đau ốm, em chưa vắng một buổi học nào. Những ngày được nghỉ học, em thường ở nhà phụ bố mẹ làm việc nhà. Hè đến thì cả nhà cùng nhau lên rẫy.

Dinh chia sẻ: “Đêm trước ngày xuất phát đi Đà Nẵng, em gần như không ngủ mà cứ nằm tưởng tượng về Đà Nẵng, em háo hức được ngắm cầu Rồng, cầu quay Sông Hàn, Công viên Châu Á. Đó là những hình ảnh về Đà Nẵng mà bấy lâu nay em chỉ được nhìn thấy qua màn hình ti-vi hay nghe các anh chị từng đi Đà Nẵng kể lại. Ước mơ của em sau này làm công an và em sẽ gắng học tập thật tốt để thực hiện ước mơ của mình”. Alăng Thị Dinh cũng chính là em HS được Ban tổ chức dành tặng phần quà 5 triệu đồng cho những nỗ lực vượt khó học tốt của mình.

Không chỉ trò mất ngủ mà anh Nguyễn Quang Tuấn, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Phan Bội Châu - người thầy đồng hành với các em trong chương trình, cũng mất ngủ vì lo. Anh cho biết: “Đêm trước khi đưa HS xuống phố lần đầu, thầy và trò đều không ngủ. Trò thì vui, háo hức còn thầy thì lo lắng bởi quãng đường di chuyển không hề đơn giản. Cứ qua một cái đèo an toàn là tôi nhẹ lòng được một chút”.

Anh Nguyễn Quang Tuấn cũng chính là người kết nối với CLB Tiếp sức vùng cao để tạo điều kiện cho học trò của mình được về phố. Anh chia sẻ, năm 2013, khi còn công tác tại Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, huyện Tây Giang), trong lần đưa hai học trò bị bệnh về Tam Kỳ cấp cứu, lúc trở về, thấy các em chăm chú nhìn cảnh vật, nhà cửa hai bên đường một cách lạ lẫm, anh bắt đầu ấp ủ về những chuyến đưa HS về phố. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, đường sá đi lại khó khăn, xe khách vẫn chưa thể lên đến được A Xan nên tạm gác lại dự định này.

Mãi đến năm 2015, trong một lần về Đà Nẵng, anh Tuấn gặp chị Ngọc và bày tỏ nguyện vọng về việc đưa HS về phố chơi và được chị ủng hộ. Sau cuộc gặp đó, CLB Tiếp sức vùng cao lên phát quà trên A Xan, chị Ngọc tìm gặp lại thầy Tuấn rồi đi đến thống nhất về việc tổ chức chương trình “Đưa em về phố”. Mùa hè năm 2015, “Đưa em về phố” lần đầu tiên được tổ chức và duy trì đến bây giờ.

“Tôi luôn mong muốn HS của mình được nhìn thấy và cảm nhận sự khác biệt giữa nơi các em đang sinh sống với thế giới rộng lớn phía sau ngọn núi để có động lực phấn đấu, tạo nên ý chí và khát khao xuống đồng bằng học tập, lao động, bước ra cái nghèo và nếp nghĩ bám bản”, anh Tuấn nói.

Từ năm 2018, “Đưa em về phố” được CLB Tiếp sức vùng cao phối hợp cùng CLB Bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng tổ chức. Anh Lê Quang Trí, Ban chủ nhiệm CLB Bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng chia sẻ: “Sau 2 năm đồng hành với CLB Tiếp sức vùng cao tổ chức chương trình “Đưa em về phố”, tôi nhận thấy, bên cạnh việc giúp đỡ các em nhỏ bằng hiện kim, hiện vật thì việc tổ chức những chuyến đi như vậy cũng rất hiệu quả, một cách làm khá hay. Thông qua đó, góp phần tạo động lực để các em mở rộng sự hiểu biết về cuộc sống, tiếp thêm sự tự tin để các em nghĩ đến ước mơ và hiện thực hóa những ước mơ đó”.

Tính đến nay, “Đưa em về phố” đã bước sang tuổi thứ 5, tạo điều kiện cho khoảng hơn 200 em HS đến từ 5 trường vùng cao thuộc huyện Tây Giang như PTDTBT TH&THCS xã Ch’ơm, PTDTBT TH&THCS xã Dang, PTDTBT THCS Lý Tự Trọng, PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi, PTDTBT THCS Nguyễn Bá Ngọc và Trường THCS Phan Bội Châu (huyện Thăng Bình) được về phố. Có thể, con số này còn rất khiêm tốn song chúng ta có quyền hy vọng rằng, qua những câu chuyện về phố được các em chia sẻ với gia đình, bạn bè, sẽ góp phần lan tỏa niềm vui, đem lại khát vọng vượt qua ngọn núi quê nhà để chạm tay đến những ước mơ, hoài bão, cùng xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

KHÁNH QUYÊN


 

;
;
.
.
.
.
.