Nỗ lực trên con đường dài

.

Trẻ khuyết tật (TKT) vừa được học văn hóa vừa được học nghề phù hợp với trình độ, nhận thức là mong muốn của hầu hết phụ huynh và giáo viên để có thể tìm được một công việc phù hợp để hòa nhập cộng đồng, nuôi sống bản thân sau này.

Trẻ khuyết tật tại Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm có cơ hội vừa học vừa hành. Ảnh: Q.T
Trẻ khuyết tật tại Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm có cơ hội vừa học vừa hành. Ảnh: Q.T

Một buổi học văn hóa, một buổi hướng nghiệp

Trường Chuyên biệt tư thục (CBTT) Thanh Tâm hiện có 280 TKT đang theo học, đa số là TKT nặng. Trong đó có 116 trẻ mầm non, 129 học sinh tiểu học và 34 học hướng nghiệp. Đến đây, chứng kiến các em tỉ mỉ tưới rau, nhổ cỏ, chăm sóc cây trái trong vườn do các em trồng, ai cũng cảm động. Bởi đối với các em, tự mình làm ra sản phẩm nông nghiệp bằng mồ hôi công sức là cả một quá trình cố gắng.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường CBTT Thanh Tâm nói rằng, mọi trẻ em đều có thể học được, các em có thể học theo cách khác nhau, và có những năng lực khác nhau trong một lĩnh vực nào đó.

Trong hàng chục năm dạy TKT, cô không bao giờ thất vọng về một đứa trẻ nào, luôn coi trọng sự khác biệt cá nhân của từng đứa trẻ, quan tâm tới trẻ và những khả năng khác nhau của trẻ để tổ chức tác động giúp các em phát huy năng lực một cách tốt nhất; nhìn nhận mọi trẻ em đều có khả năng, khả năng đó thể hiện ở các mặt, các lĩnh vực khác nhau để tìm ra phương pháp dạy học phù hợp.

Nhiều năm nay, Trường CBTT Thanh Tâm dạy học theo mô hình lý thuyết - trải nghiệm cho học sinh. Với mục đích giúp trẻ có thể thành thạo các kỹ năng sống, tự tin vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn để sẵn sàng cho hành trình hòa nhập xã hội.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trường, cô Thảo (nhân viên nhà trường) chia sẻ, Trường CBTT Thanh Tâm dạy kỹ năng sống cho các em bằng cách không tuyển tạp vụ, các em phải tự kê bàn, bưng thức ăn, rửa dọn phòng ăn cũng như mọi việc ở lớp cùng với giáo viên. Mỗi ngày, các em có một buổi học văn hóa và một buổi hướng nghiệp. Trong quá trình dạy trẻ, giáo viên theo sát từng em để phát hiện năng lực nhằm định hướng nghề phù hợp.  Hiện tại, trường dạy các nghề như may, làm bánh, nghề mộc, làm vườn. Nhiều năm qua, trường mở Công ty TNHH Xã hội Thanh Tâm, các em đang học tại trường có nguyện vọng làm việc đều được nhà trường nhận lại. Đặc biệt, quán cà-phê trong khuôn viên nhà trường là nơi trẻ được học pha chế, làm bánh, phục vụ…

Trường CB Tương Lai có 230 TKT đang theo học; trong đó có 2 dạng tật chính là chậm phát triển trí tuệ và khiếm thính. Nhà trường bắt đầu dạy hướng nghiệp nghề làm hương cho những TKT trí tuệ từ năm học 2015-2016. Qua 4 năm, nghề làm hương được đánh giá là phù hợp với trình độ, kỹ năng của TKT, đầu ra của nghề cũng ổn định. Đến năm 2017, nhà trường triển khai thêm nghề làm hoa đá. Trong đó, TKT trí tuệ sẽ xâu chuỗi hạt, kết cườm (vận động thô), còn trẻ khiếm thính sẽ kết cánh hoa (vận động tinh).

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, TKT có thể tham gia học nghề mới là niềm hạnh phúc và thành công của các em và giáo viên chúng tôi. “Với một số nghề phù hợp với TKT nhưng trong trường chưa thể đào tạo như nghề làm móng, massage, cắt tóc, làm bánh… thì trường liên hệ các cơ sở bên ngoài để các em được học nghề miễn phí, làm sao để các em có sự chuyển tiếp từ trường học ra với cộng đồng là điều chúng tôi luôn trăn trở mỗi ngày”.

Cần sự đầu tư dài hơi

Hiện tại, Trường CB Tương Lai đầu tư 5 bàn may, 1 máy làm bánh, đồng thời ở cơ sở 2 (đường Huy Cận) có một tiệm cắt tóc, gội đầu, massage được trang bị đầy đủ tiện nghi do chính các em khiếm thính của trường phụ trách. Trinh (22 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) có hơn 10 năm gắn bó với Trường CB Tương Lai. Trong thời gian học tại trường, ngoài một buổi học văn hóa, buổi còn lại Trinh được nhà trường gửi đi học nghề cắt tóc tại một tiệm tóc trên đường Nguyễn Hoàng. Hiện tại, ngoài phụ trách chính tiệm làm tóc của trường, Trinh còn cắt tóc định kỳ 1 tháng 2 lần cho bạn bè tại trường.

Cô Trương Thị Ngọc Hà, Tổ trưởng Tổ dạy nghề Trường CB Tương Lai cho biết: “Nhà trường xác định TKT phải được học nghề mới có thể hòa nhập và ổn định cuộc sống sau này. Do đó, qua mỗi năm, nhà trường luôn tìm tòi nghề mới/phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực của TKT để đưa vào giảng dạy. Thông thường, với trẻ khiếm thính thì 14 tuổi trở lên, trường sẽ hướng các em học nghề nhưng với trẻ chậm phát triển trí tuệ thì phải 16 tuổi. Những trẻ từ 12 tuổi trở lên không có khả năng học chữ, riêng các kỹ năng khác vẫn tốt thì được chia nhóm để dạy kỹ năng tự phục vụ, làm các việc nhẹ nhàng trong gia đình, làm vườn, rửa xe”.

Còn cô Nguyễn Thị Tuyết Lan cho rằng, nhà trường chỉ là nơi trẻ gắn bó một khoảng thời gian trong cuộc đời, về lâu dài, trẻ phải về sống cùng gia đình, cộng đồng. Do vậy, nhà trường luôn có kế hoạch giảng dạy để các em nắm vững một số kỹ năng trước khi về sống hoàn toàn trong gia đình. Hiện, các nghề mà trường dạy như làm bánh, làm hoa, may mặc, nghề mộc… vẫn được đánh giá là phù hợp. Song song với đó, gần đây, trường đẩy mạnh nghề làm vườn.

Hiện tại, nhà trường đã trồng thành công gần 20 loại rau sạch bằng các phương pháp trồng rau đạt tiêu chuẩn. Vườn rau sạch không chỉ cải thiện bữa ăn cho học sinh và giáo viên mà nếu có thể còn cung cấp cho các cơ sở thương mại. Đây là hướng đi mà trường đang hướng đến.

Những năm gần đây, số lượng học sinh chuyên biệt tăng cao, đặc biệt là trẻ mang hội chứng tự kỷ, tăng động. Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố cho biết: “Ngoài chương trình dạy học, ngành giáo dục đang tập trung vào chương trình phát triển kỹ năng cho trẻ. Các trường chuyên biệt không thể giữ các em ở lại khi đã quá 18 tuổi. Hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật là công tác cần thiết để giúp các em hòa nhập cộng đồng, tự chủ hơn trong cuộc sống, tự nuôi sống được bản thân, trở thành người có ích”.

Hải Âu
 

;
;
.
.
.
.
.