Sắc thái riêng cho điểm đến phía tây

.

Hòa Vang là địa phương tập trung nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng lớn như Bà Nà Hills, Hòa Phú Thành, Suối Hoa, Suối Thần Tài, Lái Thiêu, Khoáng nóng Phước Nhơn... Nói về những sắc thái riêng có của du lịch nơi phía tây thành phố, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chia sẻ:

Chấm điểm ẩm thực Cơ tu tại Liên hoan Văn hóa-Thể thao và phục dựng lễ hội người Cơ tu năm 2017 tại nhà Gươl Phú Túc, xã Hòa Phú. Ảnh: V.T.L
Chấm điểm ẩm thực Cơ tu tại Liên hoan Văn hóa-Thể thao và phục dựng lễ hội người Cơ tu năm 2017 tại nhà Gươl Phú Túc, xã Hòa Phú. Ảnh: V.T.L

- Trên địa bàn huyện có đồng bào Cơ tu sinh sống tại hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú. Đây là cơ sở để Hòa Vang triển khai các hoạt động phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại hai xã này. Chúng tôi đã thành lập 3 đội cồng chiêng và các nhóm cộng đồng về ẩm thực, thuyết minh và văn nghệ.

Cùng với việc viết thuyết minh về văn hóa Hòa Vang nói chung, văn hóa cộng đồng người Cơ tu nói riêng, chúng tôi phối hợp Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đào tạo bước đầu 10 thuyết minh viên/hướng dẫn viên theo tiêu chuẩn VTOS (tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) để cung ứng cho loại hình du lịch mang dấu ấn của Hòa Vang này.

Hòa Vang có nhiều địa hình phong phú thích hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, chủ nhân của các điểm đến đã biết tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng để tạo nên lợi thế riêng nhằm tăng sức cạnh tranh trong thời hội nhập.

Khu du lịch (KDL) Hòa Phú Thành ra đời từ năm 1993 ở xã Hòa Phú. Với diện tích 21ha, trong đó một nửa là mặt nước, là lợi thế để nơi đây mở 3 loại trượt: trượt thác, trượt nước và trượt Zipline. Trượt Zipline còn gọi là đu dây Zipline, có độ dài 300m từ trung tâm KDL băng qua sông Lỗ Đông dành cho du khách thích khám phá, mạo hiểm, trong đó chủ yếu là giới trẻ.

Cách đó không xa là KDL Lái Thiêu, vừa đưa vào hoạt động 3 năm nay. Như tên gọi của KDL, nơi đây tập trung nhiều loại cây từ vựa trái cây Lái Thiêu Nam Bộ như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... hoặc một số loại cây của núi rừng miền Trung như: sim, mua, chà là, tà vạt, tr’đin... Đặc biệt, “rừng” mít gần 4.000 cây trên diện tích 2ha đã cho thu hoạch vài ba năm nay.

KDL Tắm khoáng nóng Phước Nhơn mang lại cho du khách các loại hình vui chơi giải trí nhằm thư giãn tinh thần và bồi bổ sức khỏe. KDL sinh thái Suối Hoa đang tự làm mới mình bằng các hoạt động văn hóa dân tộc Cơ tu. Tất cả góp phần tạo nên sắc thái riêng của du lịch phía tây thành phố.

* Theo ông, với địa bàn khá rộng, huyện Hòa Vang có những sản phẩm du lịch tiềm năng nào có thể đưa vào khai thác hiệu quả?

- Các điểm đến tiềm năng của Hòa Vang có thể kể đến: Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy; Làng cổ Phong Nam, Nhà cổ Thái Lai; Khu sản xuất rau sạch công nghệ cao/thủy canh tại Hòa Ninh, Hòa Phú; Làng rau sạch Hòa Khương, Túy Loan; Không gian văn hóa Cơ tu; các hồ Hòa Trung, Hóc Khế, Đồng Nghệ, Trước Đông.

Có 3 tuyến du lịch tiềm năng. (1) Tuyến đường sông tham quan du lịch sinh thái/ khám phá, xuất phát tử cảng Sông Hàn ngược lên các địa chỉ Cẩm Lệ, Túy Loan, Thái Lai. (2) Tuyến tâm linh - trải nghiệm: Làng cổ Phong Nam, chùa Nam Sơn (Hòa Châu), Vùng hoa Dương Sơn, Bia Văn chỉ La Châu, Miếu Ông Ích Đường; Đình làng Túy Loan - Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy - Nhà Gươl Phú Túc. (3) Tuyến sinh thái/cộng đồng: tại các điểm tiềm năng gồm các hồ: Hòa Trung, Hóc Khế, Đồng Nghệ, Khe Răm.
Các sản phẩm phục vụ du lịch tiềm năng: Chiếu Cẩm Nê; Bánh tráng và mì Quảng Túy Loan; Bánh khô mè Quang Châu; Rượu cần Phú Túc; Rau sạch Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Phong; Thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu.

Ngoài ra, còn có các lễ hội có khả năng thu hút khách du lịch như Lễ hội đình Túy Loan, đình Bồ Bản; văn nghệ dân gian như hát dân ca, hô hát bài chòi; dân vũ và lễ hội của cộng đồng người Cơ tu.

* Hòa Vang đưa ra những giải pháp nào để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn trong thời gian tới, thưa ông?

- Song song với việc tổ chức biên soạn Cẩm nang du lịch Hòa Vang phục vụ cho công tác thu hút kêu gọi đầu tư, chúng tôi quảng bá mạnh mẽ về các tiềm năng du lịch của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng: Tổ chức thành công Hội nghị thu hút đầu tư năm 2018, công tác quảng bá, giới thiệu Lễ hội Cơ tu năm 2018 tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc); cung cấp thông tin cho Báo Đà Nẵng, DanangTV, VTV8, thực hiện phóng sự về du lịch Hòa Vang.

Hòa Vang đang mời đơn vị tư vấn về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thời gian đến, Hòa Vang sẽ từng bước phát triển các sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng của huyện và bảo tồn, khôi phục một số nghề truyền thống, lễ hội để phục vụ du lịch (thổ cẩm, chiếu cói, một số lễ hội của đồng bào Cơ-tu như mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa...).

UBND huyện Hòa Vang đề nghị UBND thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan cùng vào cuộc thúc đẩy phát triển du lịch thủy nội địa và du lịch sinh thái cộng đồng phía tây thành phố.

Đối với Sở Du lịch, chúng tôi đề nghị phối hợp Sở Giao thông vận tải thành phố hướng dẫn thủ tục cấp phép cho các phương tiện thủy nội địa như thuyền vịt composite, bè tre đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch.

Cùng với đó, chúng tôi kiến nghị Sở Du lịch sớm triển khai lập Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái phía Tây thành phố; bổ sung vào Quy hoạch các điểm du lịch tiềm năng của huyện (khe Răm, hồ Hòa Trung, hồ Hóc Khế..), cụm Tà Lang - Giàn Bí (Hòa Bắc), các vùng sản xuất rau quy mô lớn (Hòa Phong, Hòa Ninh, Hòa Phú...) để UBND thành phố phê duyệt, bố trí kinh phí đầu tư phát triển; bổ sung vào Quy hoạch 1 khu cắm trại (camping) tại làng Thái Lai (Hòa Nhơn) nhằm phục vụ nhu cầu cắm trại của học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch trên địa bàn huyện phải luôn được chú trọng. Chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các nhóm du lịch cộng đồng khai báo hoạt động và đăng ký kinh doanh, bảo đảm mục tiêu khuyến khích hoạt động du lịch phát triển dưới sự quản lý của Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông.

VĂN THÀNH LÊ (thực hiện)

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.