Bỏ lại sau lưng cái nắng nóng cùng những bụi bặm đường xa, khách được khu du lịch Suối Hoa chào đón bằng màu xanh mát mắt ngay từ lối đi vào. Dường như những đợt nắng nóng không “làm khó” những vườn hoa mọc quanh đồi, ven khe suối nơi đây. Con đường nhỏ đầy hoa dại ướt đẫm nước được tưới từ vòi phun tự động. Tiếng chim cu gáy lẩn khuất đâu đó gợi một cảm giác yên bình khó tả.
Suối Hoa có hẳn một kế hoạch để bốn mùa đầy hoa giữa một không gian xanh, sạch, lành. |
“Xanh, sạch, lành” và sự dũng cảm của doanh nghiệp
Dù trước khi đi có tìm hiểu đôi chút về giám đốc điều hành mới của Khu du lịch (KDL) sinh thái Suối Hoa Huỳnh Tấn Pháp nhưng khi gặp mặt, tôi có đôi chút e dè vì anh quá trẻ và quá... hiện đại. Vì quá quen với cái vẻ chân chất, mộc mạc và đầy trải nghiệm của giám đốc tiền nhiệm Nguyễn Phước Hùng, nên đâm ra có chút hoài nghi chăng? Nhưng rồi cái cảm giác ban đầu ấy qua rất nhanh khi Pháp nói về ý tưởng xây dựng một Suối Hoa “xanh, sạch, lành” như đúng tên gọi của nó.
Để có một không gian xanh, bốn mùa đầy hoa nở, Pháp có hẳn một kế hoạch thay thế và trồng thêm nhiều loại hoa khác nhau. Anh bảo, đất ở đây ít mùn, phía dưới là lớp đá dày nên mùa nắng cần tưới thường xuyên. Có chỗ phải mua đất về đổ thêm để tăng độ dày, độ mùn. Mới chỉ hơn 7 tháng tu bổ mà cây cối đã xanh tươi, hoa lá thay nhau nở, tạo nên một không gian tươi rói đầy màu sắc. Sắp tới, anh dự định sẽ mời một chuyên gia cây cảnh từ KDL La Gi (tỉnh Bình Thuận) ra giúp về thiết kế cảnh quan, cây trồng cho thêm phần nghệ thuật.
Nên chăng, ngoài những loại hoa quen thuộc đã có như hồng, dâm bụt, chuối nước… còn trồng thêm sim, mua, trang núi… bởi tâm lý khách tham quan vẫn muốn tìm lại một không gian ngập tràn hoa dại của núi rừng? Nghe tôi gợi ý, như bắt trúng đài, người giám đốc trẻ mắt sáng bừng lên hào hứng khoe rằng, đang đặt hàng dân địa phương đào gốc mua, gốc sim về trồng ven suối. Giá mỗi gốc 10.000 đồng mà còn đang bị bà con chê ít...! Tôi chợt hình dung đến khung cảnh lãng mạn khi bờ suối đầy hoa, có tiếng ghi-ta thánh thót rơi trên sắc tím dịu dàng.
Một lát, thấy tôi lôi chai nước suối mua lúc đi ngang chợ Hòa Phú ra uống, Pháp cười nhỏ nhẹ: “Xin lỗi, chị có thể cất chai nước không ạ? Em mời chị uống nước lá vối rừng mới nấu xong. Ngon lắm”. Vừa rót ly nước ra mời, anh vừa tiếp lời: Chỗ chúng tôi đang thực hiện việc nói không với bao ni-lông, chai nhựa, ống hút nhựa. Hiện tại nhà hàng ưu tiên sử dụng đồ dùng bằng tre, mây, giấy, mo cau… để đựng thức ăn cho khách và không bán các loại nước uống đựng bằng chai nhựa. Khách tham quan sẽ được miễn phí nước uống lấy từ con suối đầu nguồn đã được xử lý qua bể lọc thủ công bằng than, sỏi, cát và sau đó sẽ qua hệ thống lọc nước hiện đại nên bảo đảm mát lành và an toàn vệ sinh”.
Hóa ra tiêu chí “sạch và lành” mà Pháp nói trước đó là vậy. Hèn gì, khi đi loanh quanh, tôi nhìn thấy cô bé bán nước mía trong KDL sử dụng ống hút tre phục vụ cho khách. Đây là lần thứ hai, sau lần đến Cù Lao Chàm cách đây gần 10 năm, tôi được nhắc về việc không sử dụng đồ dùng một lần từ nhựa để bảo vệ môi trường. Bỗng nhớ lại lời than phiền của giám đốc Hùng trước đây mỗi khi công nhân phải vớt vô số chai nhựa, lon bia, nước ngọt dưới lòng suối… Đó là chưa kể lượng bao ni-lông xả quanh KDL mỗi ngày.
Là “tiền hiền” của cả cụm du lịch phía tây thành phố, Suối Hoa hoạt động từ năm 2008. Quả là vấn đề không đơn giản với một KDL sinh thái khi thay đổi một thói quen tiện lợi và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của khách tham quan. Có thể gọi đó là sự dũng cảm của một doanh nghiệp với một hướng đi mới đầy ấn tượng và văn minh.
Không gian văn hóa Cơ tu
Trong Công viên vườn tượng nằm bên trái lối đi vào Suối Hoa có tượng một phụ nữ với khuôn mặt nhăn nheo, đôi bàn tay nâng hai bầu ngực chảy dài một to một nhỏ, đôi mắt buồn rầu nhìn thẳng vào người đối diện như muốn hỏi vì sao? Tượng có tên là “Mẹ Rừng” của nghệ nhân Bh’riu Pố đến từ xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đoạt giải nhất Trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ tu tổ chức lần đầu tại KDL sinh thái Suối Hoa cuối tháng 4 vừa qua. Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang, thành viên Ban giám khảo Trại sáng tác, cho rằng đây là tác phẩm chuyển tải “sự sâu thẳm về triết lý sống, triết lý ứng xử với tự nhiên”.
Một thành viên ban giám khảo khác, nghệ nhân Alăng Đợi, giải thích thêm: “Người Cơ tu coi rừng như Mẹ, bằng hai bầu sữa, luôn che chở, nuôi nấng con cái là những sản vật như cây cỏ, thú rừng, suối khe… Con người ngày càng tàn phá rừng, săn bắn thú vật khiến cho một bầu sữa cạn dần và xẹp đi. Nếu một ngày nào đó hai bầu sữa đều cạn kiệt có nghĩa là rừng chết, và loài người cũng sẽ chết theo…”.
Ngồi trong căn nhà Moong lợp bằng lá nón dựng ở cuối Công viên vườn tượng, tôi mải nghĩ về ý nghĩa của “Mẹ Rừng” và cảm nhận hơi thở của núi rừng vương vấn trong bếp lửa giữa sàn, trong ché rượu cần chơi vơi hương lúa nếp. Đây là nhà của vợ chồng nghệ nhân Alăng Đợi. Cả hai từ thôn Gừng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, xuống làm việc theo lời mời của lãnh đạo KDL Suối Hoa. Anh Đợi làm công việc điêu khắc gỗ, chơi đàn, đánh trống trong ban nhạc Cơ tu. Vợ anh dệt thổ cẩm ở gian trưng bày. Căn nhà nhỏ cùng với hai hàng tượng điêu khắc bằng gỗ, giữa sân có cây nêu, cột đâm trâu, tất cả hiện ra trong không gian bình yên cây cỏ, tạo nên một hồn cốt Cơ tu đậm đà, chân thực.
Tháng 11-2018, khi nhận sự chuyển giao KDL Suối Hoa, vấn đề đặt ra với ban điều hành mới là: Trong khi rất nhiều KDL sinh thái khác trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng bê-tông hóa thì Suối Hoa phải làm gì để vừa giữ được cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vừa tạo nét mới để thu hút khách tham quan và kinh doanh có hiệu quả? Bài toán chỉ có một đáp số là đưa văn hóa Cơ tu của đồng bào các thôn Phú Túc và Tà Lang, Giàn Bí trên địa bàn Hòa Vang và các huyện lân cận của tỉnh Quảng Nam để tạo nên một chiếc áo mới đậm đà bản sắc.
Tượng gỗ “Mẹ Rừng” gởi đến con người triết lý về ứng xử với tự nhiên. |
Chỉ trong 7 tháng ngắn ngủi, KDL Suối Hoa đã kịp trổ thêm nhiều sắc hoa mới bên cạnh nét cổ xưa của văn hóa truyền thống người Cơ tu. Nơi đây, vào mỗi cuối tuần diễn ra buổi chợ phiên đầy rau rừng, bánh sừng trâu, các món cá nướng, cơm lam… do đồng bào Cơ tu ở Phú Túc, Tà Lang, Giàn Bí huyện Hòa Vang và các thôn của huyện Đông Giang mang đến. Những đôi mắt thiếu nữ Cơ tu to tròn, sâu thẳm như rừng chiều bên ché rượu cần khiến khách nhàn du chưa uống đã say…
Không chỉ vậy, Ban điều hành KDL Suối Hoa cùng phối hợp với đồng bào Cơ tu Phú Túc thành lập đội múa Tung tung - Da dá và đội cồng chiêng để phục vụ khách tham quan vào những đêm cuối tuần, tạo nên món ăn tinh thần đượm sắc màu văn hóa. Cũng theo lời anh Pháp, sắp tới trên diện tích 700m2 của sân bóng đá cũ sẽ là nơi xây dựng mô hình làng Cơ tu cổ nhằm phục vụ cho việc tham quan và trải nghiệm.
Rời Suối Hoa giữa trưa hè nắng rát mặt, cứ vẩn vơ theo câu nói của nghệ nhân Alăng Đợi: “Hồi mình ở trên Đông Giang, cái tượng đẽo xong chỉ người làng xem, ít lắm. Bây giờ về với KDL Suối Hoa, người xem tượng của mình nhiều hơn. Người nghe tiếng trống, tiếng chiêng của mình cũng đông hơn. Vậy cái hồn Cơ tu của đồng bào mình được giữ lại rồi. Vì vậy tuy xa nhà, xa con cháu nhưng mình vui nhiều lắm…”.
Niềm vui ấy đâu chỉ có ở mỗi Alăng Đợi hay ban điều hành Suối Hoa mà còn là niềm vui chung người dân thành phố và du khách gần xa khi nơi đây khoác lên mình chiếc áo mới “xanh, sạch, lành” trong không gian pha chút huyễn hoặc của văn hóa Cơ tu đầy sắc màu…
“Trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ tu Hòa Vang năm 2019 đã có một kết quả thật xứng đáng và vượt ngoài dự kiến ban đầu của ban tổ chức. Tác phẩm và tên của các nghệ nhân dự trại được vinh danh vĩnh viễn tại huyện Hòa Vang mà cụ thể là tại khu Công viên vườn tượng của Khu du lịch sinh thái Suối Hoa. Đây là điểm nhấn mà tất cả chúng ta mong muốn tạo ra để giới thiệu với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế hiểu và thêm yêu hơn một dân tộc anh em và cũng là một tộc người có bản sắc văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc”. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân |
Ghi chép của Như Hạnh