Thiên nhiên trong ống kính nhà báo

.

Những năm qua, khi đường lên Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà ngày càng thuận lợi, cảnh vật nơi đây được giới thiệu cho toàn thế giới thông qua những bức ảnh lột tả vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên, muông thú, qua ống kính của nhiều người đam mê nhiếp ảnh, trong đó có những nhà báo đã và đang bộn bề với công việc chuyên môn của mình.

 Rừng chiều. Ảnh: LÊ VĂN THỌ
Rừng chiều. Ảnh: LÊ VĂN THỌ

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là nơi hội tụ các tay máy mê đắm vẻ đẹp hút hồn của loài linh trưởng đặc hữu voọc chà vá chân nâu. Trong số rất nhiều người săn ảnh kỳ cựu hàng ngày có mặt ở Sơn Trà, tôi gặp nhà báo Vĩnh Quyền (nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung). Đã nghỉ hưu nhưng một ngày của nhà báo Vĩnh Quyền luôn bộn bề công việc.

Dù phải dành nhiều thời gian cho các trang viết văn chương, nhà báo tuổi ngoài thất thập này vẫn đều đặn ngày 2 buổi mang ba-lô máy ảnh nặng hàng chục cân lên Sơn Trà, say sưa cùng sinh cảnh sống, tập tính sinh tồn của các bầy đàn voọc chà vá chân nâu. Loài linh trưởng có sức hút kỳ lạ với bất cứ ai từng chiêm ngưỡng chúng giữa bức tranh thiên nhiên đa màu sắc của Sơn Trà. Trong khi các tay săn ảnh voọc chà vá chân nâu  đi theo nhóm thì Vĩnh Quyền  lặng lẽ một mình và mỗi ngày đều đặn cho ra đời các bức ảnh  đẹp, sinh động, lôi cuốn về loài linh trưởng đặc hữu  đang được báo động về nguy cơ tuyệt chủng.

Tham gia vào đội ngũ  săn ảnh thiên nhiên chưa lâu nhưng nhà báo Vĩnh Quyền đã có hàng nghìn bức ảnh trong bộ ảnh được anh đặt tên là “Qua miền hoang dã”. Có thể nói mỗi bức ảnh về voọc, về các loài chim trong thiên nhiên của nhà báo Vĩnh Quyền, là một tác phẩm nghệ thuật mang “phong cách Vĩnh Quyền”. Ảnh của anh - dù chỉ loài di trú ngụ cư hay chim chóc đồng quê; luôn được đặt trên nền câu chuyện được tích lũy từ kinh nghiệm, vốn sống của một nhà văn, nhà báo, cốt cách, tâm hồn nghệ sĩ bám sát hơi thở thời cuộc. Xem ảnh Qua miền hoang dã của Vĩnh Quyền, rất nhiều người đều chung cảm nhận, ảnh của anh có hồn. Hồn cốt làm nên các bức ảnh không chỉ đẹp mà còn có sức sống lâu bền.

Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực miền Trung – Lê Hải Sơn, là một tay săn ảnh lâu năm ở Sơn Trà và ở nơi có thiên nhiên còn nguyên sơ, hoang dã. Trách nhiệm với bài vở, tin tức thời sự không cho phép Lê Hải Sơn tham gia đều đặn vào các chuyến săn ảnh nhưng mỗi khi anh vác máy đến một nơi nào đó, đều đem về sản phẩm là những bức ảnh khiến người xem phải trầm trồ. Ảnh về voọc chà vá chân nâu, về thiên nhiên hoang dại của Lê Hải Sơn - như anh nói, dù chỉ là cuộc chơi, vẫn để lại dấu ấn  tính cách một nhà báo, một tinh thần say mê nghệ thuật rất đáng trân trọng.
Lê Văn Thọ (nguyên phóng viên Báo Thanh Niên tại miền Trung) là người có mặt thường xuyên ở Sơn Trà.

 Vạt nắng bay.  Ảnh: VĨNH QUYỀN
Vạt nắng bay. Ảnh: VĨNH QUYỀN

Mỗi ngày, từ rất sớm, anh đã một mình cùng chiếc xe máy cũ mèm, lên núi “săn voọc”. Có nhiều buổi trưa, Lê Văn Thọ ở lại trên núi, dõi theo từng cử chỉ của bầy đàn voọc đang kiếm ăn và sinh hoạt theo tập tính. Sơn Trà có bao nhiêu bầy đàn voọc chà vá chân nâu, bầy đàn nào có con bị chột mắt, sẹo mặt; voọc cái của bầy đàn nào vừa sinh con đều được Lê Văn Thọ đưa vào ống kính của mình.

Các bức ảnh về voọc chà vá chân nâu hay về chim của nhà báo Lê Văn Thọ đăng tải trên trang cá nhân đều kèm theo những câu thơ thú vị do anh làm sau một ngày lăn lộn giữa thiên nhiên. Nhìn anh một mình với đàn voọc giữa trưa hè, tôi có cảm giác không gì có thể tách con người này cùng chiếc máy ảnh ra khỏi bức tranh thiên nhiên có đàn voọc chà vá chân nâu khỏe khoắn tung mình chuyền qua các ngọn cây ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà

Có những giây phút thật tĩnh lặng, đấy là lúc các nhà báo săn ảnh đối diện với cánh chim Te vặt (Vanellus indicus) của đồng quê, chao lượn giữa các tòa cao ốc vừa mọc lên trong quá trình đô thị hóa. Tương lai không xa, loài bản địa – một phần của đa dạng sinh học đặc hữu ven biển miền Trung, sẽ phải thiên di vạn dặm tìm đất sống.

Cũng có những phút giây mà các nhà báo và các tay săn ảnh thiên nhiên khó kìm lòng trước sự ra đi chú chim di trú Oanh cổ đỏ (một loài chim trong họ Muscicapidae) rời Sơn Trà để làm cuộc hành trình vạn dặm trong 6 tháng trời quay về các tầng rừng Siberi khi tuyết bắt đầu tan, chồi non hé lộc. Xúc cảm trước chuyện đến và đi của các loài hoang dã, là hành trang để các nhà báo làm nên  tác phẩm ảnh về thiên nhiên muôn màu, lan tỏa không ngừng trong dòng chảy cuộc sống sục sôi náo nhiệt và cũng đầy bức bối của đời sống nhân loại ngày hôm nay.

Dương Thanh Tùng

;
;
.
.
.
.
.