Cuộc gọi muộn vào nửa khuya từ một phụ huynh cũ khiến tôi không thể nào ngủ được. Chả là chuyện đứa con gái duy nhất của người này không chịu đăng ký dự thi vào đại học mà quyết định thi tốt nghiệp THPT xong sẽ theo đuổi ước mơ trở thành cô thợ làm bánh ngọt.
Sự kiên quyết của người con như một “tối hậu thư” làm lung lay kỳ vọng của bậc làm cha mẹ. Trong điện thoại, tôi nghe rõ giọng người mẹ gần như khóc vì bất ngờ và pha lẫn thất vọng. Ừ, theo lẽ thường tình thì sao không sốc được khi bố mẹ là bác sĩ của một bệnh viện nổi tiếng, bao nhiêu hy vọng đặt tất cả vào con. Vậy mà…
Nếu như trước đây, việc quyết định không chọn con đường vào đại học sẽ được cho là “điên”, là không có chí tiến thủ thì bây giờ xu hướng chọn thi tốt nghiệp phổ thông xong đi học nghề trở nên dần dần phổ biến. Theo thống kê của Phòng Công nghệ thông tin - Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Đà Nẵng, năm 2019, Đà Nẵng có 10.242 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó có 966 em chỉ dự thi để xét công nhận THPT, không thi đại học. Trong khi con số này ở cả nước là 279.001/886.000 thí sinh (chiếm 27,8%).
Việc học sinh không còn mặn mà với các trường đại học ngày một tăng cho thấy một thực tế rằng: Con đường dẫn đến thành công không phải duy nhất phải đi qua cổng trường đại học. Nhiều sinh viên sau khi rời trường đại học đã nhanh chóng gia nhập “đội quân thất nghiệp” vì tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” là một trải nghiệm không kém phần chua xót bấy lâu nay.
Đâu đấy, bên tách cà-phê tại các quán vỉa hè, người ta vẫn luôn kể chuyện các cử nhân, thạc sĩ ôm tấm bằng đi mọi nơi vẫn không kiếm được việc làm đúng chuyên môn, đành phải về quê mở trang trại, làm chăn nuôi hay bắt đầu khởi nghiệp bằng một nghề không liên quan đến chuyên môn đào tạo. Thực trạng này đã phần nào làm hạ nhiệt tâm lý sính bằng cấp của xã hội.
Bây giờ, nhiều phụ huynh đã tan vỡ giấc mộng nuôi con ăn học để trở thành “ông này, bà nọ”. Họ thực tế hơn trong cách nghĩ. “Tốt nghiệp phổ thông xong, đi học kiếm cái nghề nuôi thân còn hơn mang trong mình bằng này bằng nọ mà thất nghiệp”.
Nói như thế không có nghĩa phủ nhận vai trò của đại học từ trước đến nay trong việc đào tạo một lực lượng lao động trí thức lớn cho xã hội. Có điều, thí sinh ngưỡng THPT phải “biết người biết ta”, cân nhắc thiệt hơn như một đấu sĩ trên võ đài trước khi quyết định nghiêng về bên nào, học nghề hay học lên đại học.
Những năm 80 thế kỷ 20, học trò nông thôn chúng tôi khi đứng trước ngưỡng cửa thi đại học, còn rất mơ hồ về việc chọn ngành nghề. Buồn cười nhất là đứa bạn ngồi bên cạnh tôi chọn ngành chế biến ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang vì mỗi một lý do cực kỳ ngây ngô là... thích biển. Đứa khác vì mê đọc truyện trinh thám, bắt cướp nên thi vào Đại học An ninh… Nói chung là lúc đó chọn nghề một cách đầy cảm tính. Để giúp học sinh chọn đúng nghề, thầy giáo chủ nhiệm đã khuyên chúng tôi rằng: Chọn nghề phải như chọn vợ, chọn chồng. Phải thật hiểu, thật yêu thì sau này mới gắn bó lâu dài được…
Sau này đi dạy, tôi lại nói y nguyên câu nói của thầy giáo năm nào để giúp học sinh chọn nghề phù hợp nhất với khả năng và khát vọng của từng em. Thậm chí còn phải thuyết phục phụ huynh đừng bắt con phải là người có nghĩa vụ thực hiện những ước mơ dang dở của người lớn. Có nhiều học sinh tâm sự rằng các em không có quyền chọn đúng ngành nghề mình yêu thích mà phải chịu chi phối bởi quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Thế nên không ít sinh viên “nhắm mắt đưa chân” vào trường đại học với tâm thế của một “khách trọ”.
Thời thế đã khác, giờ các bậc cha mẹ nên hướng cho con em mình cần tuân thủ thứ tự ưu tiên trong hướng nghiệp: Chọn nghề - chọn ngành - chọn trường. Nếu chọn lầm nghề, mình không bỏ nghề hoặc không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ mình bất kỳ lúc nào. Việc đang học trường này thấy không hợp lại bỏ ngang thi vào trường khác hay nhảy việc lung lung, không còn là chuyện hiếm gặp nữa mà đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Vì vậy việc vào đại học bằng sở thích sở trường hay vào đại học chỉ để có tấm bằng đại học là vấn đề không chỉ phụ huynh, học sinh mà còn là vấn đề chung của xã hội.
Dù rằng sẽ có nhiều bậc cha mẹ rất buồn lòng khi con cái quyết định một hướng đi ngoài sự mong đợi của mình, nhưng ngẫm lại mới thấy con em mình đã thực sự trưởng thành và dám theo đuổi ước mơ phù hợp với năng lực của chúng. Mùa tuyển sinh đại học 3 năm trước, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về con số có đến 1/3 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT và từ chối kỳ thi đại học, cao đẳng, GS.TSKH Bùi Văn Ga, lúc đó là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng đây chính là “tín hiệu đáng mừng đối với các cấp bậc học của nước ta”.
Hạnh Như