Những ngôi nhà cổ với tuổi thọ hàng trăm năm, những đình làng, làng nghề… dọc theo con sông Túy Loan hiền hòa đang được “đánh thức” với xu hướng du lịch cộng đồng. Trong đó, UBND huyện Hòa Vang, Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan chú trọng phát triển du lịch văn hóa sinh thái ở thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) và khai thác thế mạnh của tuyến du lịch đường sông từ sông Hàn ngược lên Hòa Vang.
Hai bến Thái Lai và Túy Loan đã xây xong. Hiện đang chờ Sở Giao thông vận tải cấp phép lưu thông. TRONG ẢNH: Bến Thái Lai ở xã Hòa Nhơn.Ảnh: MAI HIỀN |
Nhắc đến những ngôi nhà cổ ở Hòa Vang, chắc hẳn những du khách từng đặt chân đến nơi đây sẽ nhắc về nhà cổ Tích Thiện Đường có tuổi đời khoảng 200 năm ở thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) cùng chủ nhân của ngôi nhà – ông Đỗ Hữu Minh.
Ông Minh lúc nào cũng sẵn lòng đón những vị khách gần xa đến tham quan nhà cổ Tích Thiện đường và giới thiệu những đồ vật còn lưu giữ giúp những vị khách hiểu được cuộc sống, những nét văn hóa của ông bà ta ngày trước. Nhưng phải 2-3 năm trở lại đây thì khách ghé thăm có xu hướng tăng, có cả khách từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và khách nước ngoài.
Tuy nhiên từ trước đến nay, du khách ghé thăm nhà cổ Tích Thiện Đường chỉ đơn thuần là nghe rồi ghé đến và ông Minh tiếp họ như những người bạn đến chơi nhà. Từ khi UBND huyện Hòa Vang vận động người dân tham gia làm du lịch cộng đồng tuyến Túy Loan-Thái Lai, ông Minh mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm khu nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt cho du khách với tổng diện tích khoảng 400m2.
“Khi tuyến du lịch đường sông Túy Loan-Thái Lai được đưa vào hoạt động, du khách ghé thăm nhà cổ Tích Thiện Đường, bên cạnh tham quan nhà cổ còn được trải nghiệm các công đoạn làm mì quảng, làm bánh tránh,…”, ông Minh chia sẻ.
Anh Ngô Văn Quốc Huy, sinh năm 1995, ở thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, cựu sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đang đầu tư xây dựng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay Túy Loan sau khi được UBND huyện Hòa Vang vận động với nhu cầu vốn dự kiến khoảng 3 tỷ đồng.Anh Huy chia sẻ: “Tôi luôn ấp ủ việc làm gì đấy để giúp quê nhà phát triển hơn. Rồi khi nhận thấy được tiềm năng du lịch, tôi không ngần ngại vay mượn để thực hiện dự án.
Dự án không chỉ gói gọn là một điểm đến mà nó sẽ là một tour tham quan làng Túy Loan. Xen kẽ vào đó, du khách sẽ quan sát công việc nấu rượu thủ công, làm bánh tráng của người dân và thưởng thức. Ngoài ra, du khách sẽ được tham quan đình làng Túy Loan, chùa Bồ Bản, Thánh thất Cao Đài, trải nghiệm trồng rau ở làng rau sạch Túy Loan”.
Huy sẽ xây dựng homestay kết hợp với nhà hàng, khu ăn uống đậm chất miền quê. Du khách sẽ được massage thư giãn bằng loại nước thảo dược được nấu từ các loại cây có sẵn như sả, chanh, lá ổi. Tùy theo tour 1 ngày hay 2-3 ngày sẽ có những nội dung trải nghiệm tương thích. Đặc biệt, với tour 3 ngày, anh Huy sẽ liên kết với một nhóm hoặc công ty du lịch nào đó để đưa khách đi Đông Giang, Quảng Nam.
Quốc Huy bắt tay vào làm dự án chỉ với vốn kinh nghiệm khiêm tốn gom góp lại sau rất nhiều những chuyến du lịch khắp mọi miền Tổ quốc và từ những lần đi làm thêm ở các công ty lữ hành. “Hai khó khăn lớn nhất với tôi ở thời điểm hiện tại là vốn và kinh nghiệm. Tất cả những kiến thức về làm du lịch tôi đều không chuyên sâu nên mỗi lần có ý tưởng gì, muốn làm gì là phải tìm những anh chị làm bên du lịch để hỏi”, Huy chia sẻ.
Và dường như, đây không chỉ là khó khăn của riêng anh Huy mà còn là “bài toán” khó của đa số những hộ có mong muốn làm du lịch cộng đồng ở Hòa Vang. Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay, không riêng Thái Lai, Túy Loan, nhiều địa phương khác ở Hòa Vang với khoảng hơn 25 hộ mong muốn làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, đa số các hộ này đều ít vốn, tài sản thế chấp có giá trị không cao nên vốn vay không đủ để triển khai dự án. Bên cạnh đó, đa số họ đều thiếu kỹ năng tổng hợp về làm du lịch cộng đồng, thiết kế sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh”.
Nhận thấy được những khó khăn đó, năm 2019, huyện Hòa Vang mạnh dạn cho các hộ có mong muốn làm du lịch cộng đồng vay vốn để triển khai dự án, hiện đang thí điểm đối với Nhóm du lịch cộng đồng người Cơ tu (xã Hòa Bắc); thuê Công ty Tư vấn - Dịch vụ và Phát triển du lịch CBT, một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh để tư vấn cho các hộ, quyết tâm cho ra sản phẩm trong năm 2019.
Đồng thời, huyện đưa các hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng đi học tập kinh nghiệm làm du lịch tại Quảng Bình. UBND xã Hòa Nhơn xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại thôn Thái Lai nhằm phục vụ phát triển du lịch sinh thái làng quê với 400 cây hoa giấy, 100 cây cau; xây dựng mô hình cổng chào vào làng sinh thái văn hóa và hỗ trợ cây ăn quả cho các hộ gia đình tại thôn Thái Lai xây dựng vườn mẫu sinh thái.
Một tuyến đường kiểu mẫu tại thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) với những cây hoa giấy, cây cau được trồng hai bên đường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ảnh: MAI HIỀN |
Trước đó, năm 2018, UBND huyện Hòa Vang phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đào tạo 10 thuyết minh viên tại chỗ cho 2 điểm là đình làng Túy Loan, nhà cổ Tích Thiện Đường; hoàn thành các nội dung thuyết minh về các điểm đến có liên quan đến tuyến đường sông Túy Loan - Thái Lai.
Ngoài ra, huyện Hòa Vang phối hợp cùng Sở Du lịch, các công ty lữ hành Viettralvel, VIE, Vitour và Trường Đại học Duy Tân thực hiện khảo sát các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn huyện để phát triển, trong đó có tuyến sông Túy Loan - Thái Lai; thực hiện khảo sát, đề xuất các hạng mục đầu tư, xây dựng tại làng Thái Lai nhằm phát triển du lịch.
Để bảo đảm cho du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nhiệp của Hòa Vang phát triển nhanh, đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Đỗ Thanh Tân cho rằng giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân là UBND thành phố cần khẩn trương bố trí nguồn vốn dành riêng cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp để các hộ dân có thể mượn vốn hoặc được vay với lãi suất thấp để thực hiện dự án, thuê chuyên gia tư vấn trực tiếp “cầm tay chỉ việc” về nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho các hộ dân.
MAI HIỀN