Du lịch kết hợp với việc bảo vệ môi trường như nhặt rác tại điểm đến, đổi túi ni-lông du khách mang theo sang túi tự phân hủy… đã và đang trở thành xu hướng của các công ty lữ hành Việt Nam. Giờ đây, việc đi du lịch không chỉ còn đơn thuần là để thay đổi không khí, thư giãn mà còn hướng tới những giá trị cho cộng đồng, cho xã hội.
“Chiến lợi phẩm” gồm vỏ lon bia, chai nhựa, lưới... của một nhóm du khách sau khi tham gia hoạt động nhặt rác dưới biển trong tour bán đảo Sơn Trà của chị Trà Thanh Tú. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Được biết đến với hình ảnh một ông giám đốc “mê” nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà, anh Đào Đặng Công Trung, Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ du lịch Trung Hà Thanh-Danang Ocean Tour đã không ngần ngại khi quyết định đưa việc nhặt rác trở thành một hoạt động trong tất cả các tour của Danang Ocean Tour từ năm 2016.
Anh Trung chia sẻ: “Trong mỗi tour, chúng tôi đều trang bị bao bọc rác, găng tay, cây gắp rác cho mỗi du khách và dành ra 5 - 10 phút để du khách thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến trước khi rời đi. Với những tour đi biển, đảo, lên rừng, chúng tôi nói không với túi ni-lông bằng cách trang bị túi tự phân hủy, trong đó có túi cói để du khách sử dụng hoặc xin đổi các túi ni-lông mà du khách mang theo sang túi tự phân hủy”.
Bên cạnh những du khách hào hứng hợp tác thì vẫn có một số du khách không hưởng ứng vì cho rằng “rác nhiều vậy sao nhặt cho hết”. Tuy nhiên, sau khi được giải thích, thuyết phục thì những du khách này cũng hưởng ứng nhiệt tình. “Rác đa phần là vỏ chai nhựa, lưới. Sau khi thu gom, chúng tôi mang đến những điểm lấy rác của thành phố. Có những điểm khi đoàn đến thì rất dơ nhưng khi đoàn rời đi thì sạch đẹp nên ai cũng vui mừng, phấn khởi”, anh Trung cho hay.
Không chỉ đưa hoạt động dọn rác trở thành một nội dung quan trọng trong các tour tham quan, chị Trà Thanh Tú, một hướng dẫn viên du lịch tự do còn thiết kế hẳn một tour chuyên về nhặt rác. Chị Tú chia sẻ: “Những điểm đến đẹp ở Đà Nẵng, trước đây, đa phần rất hoang sơ, sạch sẽ, nhất là các điểm đến ở bán đảo Sơn Trà. Nhưng khi những du khách liên tục đưa hình ảnh đẹp lên mạng xã hội thì khách du lịch đến ngày một nhiều hơn. Và đa phần những điểm đến ở Sơn Trà đường đi khó khăn nên khách không tiện đem rác về. Cứ thế, mỗi ngày một ít, những điểm đến đó rác ngày một nhiều. Chính vì vậy mà bên cạnh đưa hoạt động nhặt rác vào các tour, tôi dành riêng một tour tham quan với hoạt động chính là nhặt rác”.
Những tour chuyên về nhặt rác này gần như là phi lợi nhuận, giá khá rẻ nên đối tượng chính mà chị Thanh Tú hướng đến là các bạn sinh viên. Việc nhặt rác sẽ không chỉ ở trên cạn mà còn nhặt cả ở dưới biển. Những bạn không sợ nước, biết bơi sẽ được trang bị thiết bị lặn để nhặt rác dưới biển. Những bạn không thể xuống nước thì đứng trên bờ phụ gom rác được vớt lên. Rác đa phần là lon bia, chai nước suối, chén nhựa và đặc biệt là lưới, loại rác thải gây nguy hại rất lớn cho san hô.
“Những ngày đầu mở tour về nhặt rác cũng như đưa hoạt động nhặt rác vào tour tôi rất ngại khi kêu gọi khách dọn rác. Chính vì vậy mà giai đoạn đầu, chủ yếu là các thành viên tham gia hướng dẫn tour tự động dọn rồi dần dà, khách thấy thích nên chủ động cùng làm theo”, chị Thanh Tú cho hay.
Hình thức du lịch kết hợp nhặt rác còn khá mới mẻ với hầu hết các du khách và sau mỗi chuyến đi như vậy, họ đều nhận ra được rất nhiều điều bổ ích, nhất là ý thức bảo vệ môi trường. Anh Cấn Ngọc Chúc, một du khách đến từ Hà Nội vừa trải nghiệm tour lặn ngắm san hô tại bán đảo Sơn Trà kết hợp với việc dọn rác vào tuần rồi, chia sẻ: “Tôi chưa từng đi một tour du lịch nào có kết hợp với việc nhặt rác như vậy. Tour đã giúp tôi hiểu hơn về môi trường biển và tác động của rác thải nhựa đến nó. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường không chỉ của cá nhân tôi mà những du khách khác trong tour cũng được nâng cao”.
Hay với chị Đoàn Nhung, một du khách người địa phương vừa trải nghiệm một tour ra đảo Mà Đa (thuộc quần thể bán đảo Sơn Trà) chia sẻ: “Sau khi tham quan, lặn ngắm san hô, lên đảo nghỉ ngơi, ăn uống thì những du khách trong tour và bên công ty du lịch cùng nhau dọn rác rồi mới đi về. Trước đây, tôi chưa từng tham gia nhặt rác trong một tour du lịch nào. Tôi chỉ nhặt rác ở những góc công viên nơi tôi cùng gia đình dạo chơi vì tôi muốn nơi con tôi chơi được sạch sẽ và một phần để con ý thức việc giữ gìn môi trường. Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người trong đoàn cũng rất hào hứng tham gia nhặt rác. Tôi rất ủng hộ việc các công ty du lịch đưa hoạt động này vào lịch trình tham quan và trải nghiệm”.
Nói về dự định trong tương lai sẽ phát triển những tour du lịch kết hợp nhặt rác, anh Đào Đặng Công Trung cho biết: “Hiện Danang Ocean Tour chỉ mới dừng lại ở việc cùng du khách nhặt rác, nói không với túi ni-lông, trang bị túi tự phân hủy cho du khách. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ kết hợp việc trồng cây vào tour nếu điểm đến thích hợp và cho phép”.
MAI HIỀN