“Tìm con” là một hành trình đầy gian nan. Có người mất 1-2 năm, có người kéo dài đến 10 năm, mà cũng có khi “tìm” hoài chẳng được. Dù vậy, những người phụ nữ ấy chẳng bao giờ nản lòng, vẫn kiên trì cho đến khi có một mầm sống đang cùng đập nhịp đập với trái tim mình…
Thành quả ngọt ngào của hôn nhân là sự chào đời của thiên thần nhỏ, nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng may mắn có được. Ảnh: Q.T |
Chuyện ghi nơi hành lang bệnh viện
Mới 7 giờ sáng nhưng Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã có khá đông bệnh nhân đang ngồi chờ. Dọc các dãy ghế bên ngoài hành lang đầy chật phụ nữ, thỉnh thoảng lắm mới có một người đàn ông. Có cả những cặp vợ chồng người nước ngoài. Họ đều là các gia đình hiếm muộn. Sau khi nộp giấy tờ cho điều dưỡng, chị Nguyễn Thị N. (31 tuổi, ở Đắk Lắk) mệt mỏi đứng lui về một góc. Đây đã là lần thứ ba chị N. xuống Đà Nẵng. Chị còn nhớ như in lần đầu tiên xuống đây, khi biết tin chị không đậu thai dẫu lúc chuyển phôi anh chị có đến 4 phôi (trong đó 3 phôi loại A), chồng chị đã dịu dàng lau những giọt nước mắt rơi lã chã trên má vợ rồi nói: “Không sao đâu em, vợ chồng mình còn trẻ.
Chúng ta sẽ tiếp tục “tìm con” đến khi nào được mới thôi”. Lần đó, anh chị gói ghém tất cả tiền bạc trong nhà được 100 triệu đồng mang theo. Đó là tiền anh phơi nắng giữa cái nóng miền Tây Nguyên 40 độ để hái tiêu cho chủ rẫy; là tiền chị chắt chiu cắt giảm con cá, miếng thịt để bọc hành trang thêm dày dặn nơi đất khách… Vậy mà… nghĩ đến làn da anh sạm đen vì cháy nắng, chị đứt ruột vì thương. Lần thứ hai anh chị trở lại là sau đó 2 năm. Lần đó, để tiết kiệm chi phí, anh chị không thuê nhà trọ mà xin ở nhờ nhà bà con xa. Những ngại ngùng chung chạ là không thể tránh khỏi khi hành trình một lần cấy phôi thai kéo dài phải ít nhất 1 tháng.
Và rồi, khi nghe bác sĩ thông báo, phôi thai được cấy vào tử cung đã không đậu thai, chị gần như suy sụp. Khát khao làm mẹ quá lớn khiến chị khóc không thành tiếng. Đôi mắt anh khi ấy cũng ngầu đỏ. Nhưng anh vẫn vỗ về chị. Chỉ là… trong im lặng. Khi chị quyết tâm trở lại BV lần thứ ba, anh đã chần chừ rồi nói: “Anh không tiếc tiền. Anh chỉ sợ mình không còn sức để dỗ dành em nữa. Nếu không được, mình xin con…”. Lời anh nói chưa hết chị đã ngắt lời… Và, trong khi anh đang cà-phê dưới căng-tin thì chị đã có mặt trên Khoa Hiếm muộn thật sớm, mặc anh cằn nhằn “làm gì phải vội như vậy?”.
Ở góc hành lang khác, vợ chồng chị Trần M.H. (32 tuổi, quận Hải Châu) thủ thỉ chuyện trò. Thi thoảng, anh chồng đưa tay siết nhẹ bàn tay vợ để động viên. Sáng nay đến lượt chị H làm chọc hút trứng. Khuôn mặt chị lộ vẻ lo âu. Những giọt mồ hôi đọng lại trên vầng trán, ướt đẫm cả bàn tay. Đây đã là lần thứ hai rồi. Chị nhỏ nhẹ hỏi chồng: “Anh thích con gái hay con trai?”. Anh cười xòa: “Con gì mà không được. Miễn em khỏe, con khỏe là anh mừng rồi”. “Em điều trị ở BV này từ giữa tháng 12 năm ngoái. Đầu tiên đi xét nghiệm, rồi tiêm kích trứng để lấy trứng. Mọi người tiêm kích trứng thấy đau mà em không thấy đau gì cả. Em chỉ sợ mình không đủ trứng hoặc trứng yếu thôi. Giờ em có 10 trứng ra phôi. Bác sĩ nói số lượng, chất lượng tốt. Vợ chồng em nghe vậy cũng mừng. Nhưng để đến đích thì còn dài lắm…”, H. nén tiếng thở dài.
Ngoài H., N. , có khoảng 20 phụ nữ tại đây đang chờ làm thủ tục thăm khám, chọc hút trứng, lấy tinh trùng để tạo phôi. Người đi cùng chồng, người đi cùng mẹ, cùng bạn thân. Mỗi người một tâm trạng, thắc thỏm, lo âu. Chốc chốc, mọi ánh mắt đổ dồn về hướng phòng khám khi cánh cửa vừa hé mở với bao bồn chồn, chờ đợi, lo lắng dù đó không phải là người thân của mình.
Theo điều dưỡng Phạm Thị Minh Hương, Điều dưỡng trưởng Khoa Hiếm muộn, bất kể ngày nào khoa cũng đông bệnh nhân nhưng thứ hai là đông nhất. Bệnh nhân được khám rất kỹ, không chỉ tư vấn sức khỏe mà còn trấn an tâm lý, bởi khi đến đây, họ mong muốn có thai bằng mọi cách. Hiện tại, bác sĩ áp dụng nhiều phương pháp. Có thể dùng thuốc, có thể thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON - tỷ lệ thành công là 45%). Thụ tinh thành công và có thai đã quá khó, giữ được thành quả đó cũng lắm nhọc nhằn.
Cùng điều trị đợt giữa tháng 12-2018 với chị H. là chị V.A. (sinh năm 1985, quận Hải Châu). May mắn hơn các chị ở đây, chị V.A. đang mang thai một bé trai 16 tuần tuổi. “Hành trình có thai của em nhọc nhằn lắm. Cưới nhau 3 năm chưa thấy em động tĩnh gì”. Chồng em lại rất thích trẻ con; cứ thấy đứa trẻ nào là anh ấy lại sà vào nựng nịu, nhấc bổng lên vui đùa. Em càng chạnh lòng. Ai chỉ gì em theo nấy. Em ăn bơ, ăn sầu riêng nhiều đến nỗi giờ chỉ nghĩ đến hai món đó là em “trào ngược” dạ dày. Hành trình “tìm con” đã cực, hành trình “mang con” cũng nhiêu khê. Em phải nằm tại giường, treo ngược chân lên cao suốt 3 tháng ròng”, V.A trải lòng. Giờ trong mắt chị đã có cả bầu trời. Giá mà các chị ở đây ai cũng may mắn như VA, ai cũng được làm mẹ.
Hạnh phúc…
Hiện nay, hiếm muộn, vô sinh là nỗi lo của không ít cặp vợ chồng sau khi kết hôn. Theo số liệu tại Khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị vô sinh, hiếm muộn ở bệnh viện ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2014, số lượng bệnh nhân đến khám là 8.064 người thì năm 2018, số lượng bệnh tăng hơn gấp đôi, 19.916 người. Dự đoán năm 2019, số lượng bệnh sẽ trên 20.000. Đặc biệt, bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng trẻ hóa.
Theo bác sĩ Thái Xuân Ánh (Khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng), hiếm muộn được xác định khi hai vợ chồng giao hợp đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai, sau 6 tháng (đối với vợ từ trên 35 tuổi) hoặc 12 tháng (đối với vợ dưới 35 tuổi) mà chưa thụ thai tự nhiên. Hiếm muộn do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do người vợ, do người chồng, hoặc do cả hai. Theo thống kê, tần suất hiếm muộn do người vợ và do người chồng là tương đương nhau.
“Trước kia, có nhiều trường hợp, chỉ có mỗi vợ đến khám gây rất nhiều khó khăn cho bác sĩ trong quá trình khám, tìm nguyên nhân. Khi chúng tôi hỏi “Sao chị đi có một mình?” thì bệnh nhân trả lời: “Em đi khám trước xem có sao không rồi mới gọi chồng đi”. Như vậy, cả trong tư tưởng người vợ cũng cho họ là nguyên nhân gây vô sinh. Tuy nhiên, ngày nay, phần lớn bệnh nhân đi khám bệnh thường đi cả vợ cả chồng. Điều này giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh”, bác sĩ Ánh chia sẻ.
Các bác sĩ ở Khoa Hiếm muộn vẫn không quên câu chuyện về cặp vợ chồng ở Tây Giang (Quảng Nam) đến khoa cách đây 2 năm. Thời điểm đó, chị vợ 31 tuổi, chồng 42 tuổi, cưới nhau 11 năm. Hồi cưới được chừng 2 năm mà không thấy có thai, anh chị đi bốc thuốc bắc, thuốc nam uống, rồi lặn lội qua tận bên Lào, đến vùng núi nào đó nghe nói nửa đêm phải vào rừng hái cho được loài hoa dại ban đêm rồi đem về nhà uống mới có con và phải đổi cho dân địa phương 2 chỉ vàng.
Ai chỉ đâu anh chị đi đó, làm đủ mọi cách, ngót ngét hết 8 năm vẫn chưa có con. Thấy đông y không hiệu quả, anh chị chuyển sang Tây y và cũng đi nhiều nơi trước khi đến với BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Sau khi thăm khám cho cả 2 vợ chồng, các bác sĩ của khoa kết luận, vợ chưa có gì bất thường về mặt sinh sản, chồng được chẩn đoán vô tinh do bế tắc và được chọc hút lấy tinh trùng ở mào tinh qua da có tinh trùng trữ lạnh để thực hiện kỹ thuật TTTON. “Khi chúng tôi báo đã trữ được tinh trùng, hai vợ chồng vui mừng ngồi khóc như trẻ con. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc ban đầu. Sau đó, thực hiện TTTON kết quả có thai và sau 9 tháng sinh mổ 1 bé trai khỏe mạnh”, bác sĩ Ánh kể.
Hỗ trợ sinh sản không nhất thiết là phải TTTON hay là bơm tinh trùng. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám được bác sĩ kiểm tra sơ bộ, tư vấn và hướng dẫn thời điểm quan hệ là có thể tăng khả năng có thai lên rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, eo hẹp về kinh tế nên không dám đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám sớm, vì vậy đã bỏ lỡ thời điểm khả năng có thai cao nhất, đến khi lo đủ kinh tế thì việc điều trị khó khăn và chi phí tốn kém hơn rất nhiều. Để “gỡ khó” cho bệnh nhân, từ đầu tháng 7-2019, Khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản-Nhi đã thành lập câu lạc bộ “Tìm kiếm con yêu” và tổ chức định kỳ các buổi nói chuyện “Hành trang cần chuẩn bị khi điều trị hiếm muộn”.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng khoa Hiếm muộn chia sẻ: “Là những người trực tiếp tiếp xúc với các cặp vợ chồng đến khám, bác sĩ chúng tôi hiểu rõ khao khát tiếng cười trẻ thơ của các bạn mãnh liệt đến nhường nào. Tuy nhiên, sức mạnh tạo động lực đó vẫn chưa đủ để hành trình tìm kiếm con yêu của chúng ta nhanh chóng tới đích, mà chúng ta còn cần phải có kiến thức, hiểu rõ về điều trị Hiếm muộn mới chuẩn bị cho mình hành trang một cách đầy đủ, tự tin được. Vì thế, chúng tôi xây dựng chương trình này, nhằm giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội tiếp cận thông tin khoa học chính thống, gặp gỡ các chuyên gia hiếm muộn tại Đà Nẵng, Việt Nam”.
Vào ngày 25-12-2014, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thực hiện mổ đẻ cho ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công đầu tiên. Bé trai Đ.T.P chào đời khỏe mạnh trong niềm hân hoan của cả gia đình và đội ngũ y bác sĩ. Đến nay, đã có 653 “thiên thần” chào đời bằng phương pháp này. Với chi phí một ca TTTON từ 60 - 80 triệu đồng, tỷ lệ thành công cao, nhiều người hiếm muộn có cơ hội làm cha mẹ ngay tại quê nhà mà không cần thực hiện hành trình tìm kiếm “những đứa con bạc tỷ” ở nước ngoài như trước đây. |
Quỳnh Trang