Những công trình kiến trúc cũ có giá trị đang hiện diện tại thành phố Đà Nẵng có thể được xem như là một tài sản quý giá của người dân địa phương qua thời gian cả trăm năm. Những công trình ấy hiện vẫn tồn tại như những chứng tích lịch sử, nhưng cũng có thể sẽ biến mất vĩnh viễn nếu chúng ta không kịp thời có những quyết sách để bảo tồn.
Một công trình kiến trúc Pháp thuộc sở hữu tư nhân ở số 38 Pasteur Đà Nẵng... Ảnh: L.M.S |
Trên thực tế, rất khó để hình thành một tầm nhìn cụ thể cho công tác bảo tồn - trùng tu mà không xem xét đến các khả năng cần thiết khác. Kết quả có thể đạt được từ việc trùng tu những công trình kiến trúc phải dựa vào các bản phác thảo thiết kế, với mục đích đem lại cho chúng một chức năng mới, hoặc một chức năng tương tự chức năng cũ.
Cần áp dụng nguyên tắc bảo tồn và trùng tu
Điều làm cho di sản kiến trúc và đô thị trở nên đặc biệt đó chính là sự tồn tại của những công trình này qua thời gian, chịu đựng được rất nhiều mối đe dọa của thiên tai, thời tiết, chiến tranh khiến chúng bị hao mòn và tổn hại.
Vấn đề thiếu hụt vĩnh viễn các công trình di sản và sự biến mất dần của chúng theo thời gian đã đưa ra những lời cảnh báo thực sự cho xã hội và các cơ quan chức năng, cần sớm có những động thái tích cực đối với vấn đề bảo tồn và gìn giữ.
Theo khảo sát thực tế nhóm nghiên cứu chúng tôi vào năm 2012 ở các công trình kiến trúc kiểu Pháp ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng cho thấy: tất cả trong số đó đều đã xuống cấp (các vết nứt ở tường, trần, sàn; vật liệu lợp ở các hệ mái dốc thì đã hư toàn bộ).
Các nguyên nhân chính được xác minh là do niên hạn sử dụng, ảnh hưởng của thời tiết, sự gia tăng tải trọng tăng thêm (cải tạo), và những tác động của độ ẩm. Trong đó đáng chú ý nhất là hoạt động cải tạo trùng tu phi khoa học (các công trình đều đã được cải tạo một cách tự phát, không có bản vẽ gốc). Đây được xem là nguyên nhân chính gây ra sự thiệt hại to lớn đến các công trình này.
Vấn đề rút ra là khi thực hiện quá trình bảo tồn, trùng tu mà không dựa vào các tư liệu lịch sử hay thực hiện với những người không chuyên sẽ dẫn đến sự lệch pha, bóp méo sự thật và nghiêm trọng nhất là thay đổi hình ảnh vật lý của tòa nhà so với phong cách kiến trúc nguyên mẫu đã từng có trước đây.
Trùng tu là một giải pháp, được xem như là một mắt xích của quá trình bảo tồn di sản, bất kể về mặt phương pháp hay phạm vi; một công trình đơn lẻ, một cơ cấu đô thị hay toàn bộ thành phố. Trùng tu nhằm ngăn chặn sự hư hại của tất cả mọi thứ cấu thành nên công trình; bao gồm vấn đề sửa chữa những hư hại cho công trình và sử dụng các phương pháp để trùng tu, đưa công trình về hình dạng ban đầu.
Những ngôi nhà cổ ở phố cổ Hội An khi được tổ chức JICA của Nhật hỗ trợ trùng tu đã áp dụng theo phương án trùng tu theo nguyên bản gốc, nhờ đó việc khôi phục công trình có được hình dạng như ban đầu. Và các nhà trùng tu rất cẩn trọng trong vấn đề này, bởi trùng tu theo phương thức xây dựng nguyên bản ban đầu luôn đưa lại giá trị cao nhất cho công trình. Còn nếu trùng tu theo phương án khôi phục lại công trình về đúng hình dạng như ban đầu bằng các vật liệu mới, có thể chịu đựng được các tác động của thời tiết nhưng đây là sự xây dựng lại không thực tế.
Bảo tồn - tiếng nói cấp bách từ các công trình
Nhiều năm qua, việc sửa chữa, trùng tu các công trình kiến trúc cổ ở Đà Nẵng ít nhận được sự nỗ lực nghiên cứu nhằm mục đích bảo tồn cho thể loại công trình di tích lịch sử. Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân dẫn đến vấn đề này: nguyên nhân khách quan đó là nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu; tất cả các công trình không có bản vẽ hồ sơ gốc. Nguyên nhân chủ quan là chưa có được sự quan tâm đúng mực của chính quyền thành phố; chưa có những nhà sinh hoạt chuyên môn đúng chuyên ngành.
Đối với thể loại công trình kiến trúc kiểu Pháp, theo các nghiên cứu cho thấy: Quy mô công trình không lớn, hệ thống cấu trúc kết cấu không gian khá đơn giản, hình thức kiến trúc đơn giản, họa tiết trang trí không phức tạp…; do đó những nhà đầu tư, nhà chuyên môn có thể mạnh dạn đề xuất những giải pháp cải tạo và chuyển đổi chức năng sử dụng cho chúng sau khi thực hiện một số thay đổi nhỏ về công năng.
Đà Nẵng có những công trình cần trùng tu, bảo tồn sớm như tòa nhà làm việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, trụ sở Tòa án phúc thẩm thành phố Đà Nẵng (32 Bạch Đằng) nay là Trung tâm Văn hóa Đà Nẵng, tòa nhà 42 Bạch Đằng…
...và phục dựng công trình bằng mô hình đồ họa 3D. |
Chúng tôi khuyến nghị để thực hiện công tác trùng tu công trình lịch sử, cần có sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đến từ các ngành khác nhau, có kỹ năng tay nghề và ý thức nghệ thuật cao; các giải pháp công nghệ sáng tạo mới nhất nên được cập nhật để phục vụ công tác bảo tồn, xây dựng và cải tạo các công trình di tích.
Nhận biết được giá trị lịch sử và kiến trúc của một công trình để xác định các nguyên nhân và các mối đe dọa gây ra sự hư hại và xuống cấp cho nó, tiếp sau đó mới chuyển đến công đoạn xác định các phương pháp bảo tồn, trùng tu và cải tạo; phân tích chính xác được các nguyên liệu thô và các yếu tố bị hư hại; tìm mối liên hệ tương quan giữa thực tế - quá khứ - hiện tại; cần kiểm kê, kiểm soát cẩn thận các dịch vụ cơ sở hạ tầng của các khu vực có công trình di sản; tuyên truyền ý thức giữ gìn di sản trong bối cảnh đô thị đã quá đổi mới như hiện nay.
Toàn thành phố Đà Nẵng hiện chỉ còn khoảng 10 công trình kiến trúc kiểu Pháp thuộc sở hữu Nhà nước và một số thuộc sở hữu tư nhân. Để giữ gìn tài sản này cho hậu thế, Đà Nẵng cần có Trung tâm Bảo tồn di tích có chức năng như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế hoặc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, có thể quản lý hồ sơ kiến trúc các công trình cũ do Pháp xây dựng. Qua đó, những công trình kiến trúc cũ có giá trị mới được bảo tồn nguyên trạng và đó là một trong những tài sản có giá trị mà thế hệ hiện nay để lại cho hậu thế về một giai đoạn lịch sử của Đà Nẵng.
Hiến chương Venice - Hiến chương quốc tế lần thứ 2 về bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ năm 1964 tại Venice về chủ đề Bảo tồn - trùng tu di tích và di chỉ (dành cho các kỹ sư, kỹ thuật viên của các trung tâm nghiên cứu công trình lịch sử) đã phê chuẩn rằng: * Trùng tu và phục hồi các di tích lịch sử phải áp dụng các tiến bộ của thời đại khoa học kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ cho việc nghiên cứu và bảo vệ di sản kiến trúc. * Mục đích của việc trùng tu di tích lịch sử là để bảo vệ chúng. * Tạo thuận lợi cho việc bảo quản các di tích lịch sử luôn được hoàn thành bằng cách sử dụng chúng vào các mục đích có lợi ích. Những lợi ích như vậy nên được khuyến khích, nhưng không nên can thiệp thay đổi định dạng hoặc họa tiết trang trí của công trình. * Trùng tu là một quá trình rất chuyên biệt. Mục đích của nó là giữ gìn và phát hiện những giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử của công trình, do đó nó cần được dựa trên nền tảng của các bản thảo gốc và tư liệu có thật. Hiến chương nêu bật ý nghĩa và độ chính xác của hai khái niệm về bảo tồn; trùng tu và giữ ổn định cho công trình. Do đó, trùng tu phải đạt được độ chính xác tối đa về các phương diện: lịch sử, kiến trúc và nghiên cứu khảo cổ để đảm bảo mối tương quan tốt tính xác thực giữa quá khứ và hiện tại. |
TS Lê Minh Sơn (Trường Đại học Bách khoa-ĐH Đà Nẵng)