Vùng cát phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) hiện có một cái lăng chỉ thờ một vật duy nhất là... lọn tóc đàn bà. Về cái lăng kỳ lạ này có câu chuyện được truyền miệng mang đậm sắc màu huyền bí mà con người không bao giờ lý giải nổi, tất cả đều mang tính giáo dục về đạo nghĩa, sự biết ơn các bậc tiền nhân có công khai khẩn đất đai, làng xã.
Trong lăng thờ Bà Hà Quảng hiện nay. Ảnh: T.K.V |
Tại nổng cát trắng cao nhất ở nghĩa địa Gò Rừng thuộc khối Hà Quảng Tây, phường Điện Dương, có một cái lăng nhỏ, có người gọi là miếu, rất lâu đời. Trải qua bao năm tháng, lăng bị hư hỏng, đổ nát, rồi được trùng tu bởi tín ngưỡng tâm linh của bà con làng quê. Nhiều người gọi đây là Lăng Bà, cũng có người gọi theo tên đầy đủ có từ xa xưa là Lăng Bà Hà Quảng.
Làng Hà Quảng xưa rộng mênh mông, nay bao gồm các khối Hà Quảng Đông, Hà Quảng Tây, Hà Quảng Gia và Hà Quảng Bắc, phường Điện Dương. Dân gian kể rằng, thuở xa xưa, nơi đây là bãi bồi cát biển trắng xóa, cây dại um tùm, không một bóng người. Bỗng một hôm xuất hiện một người phụ nữ lạ tên là Hà Quảng đến vùng đất này dựng nhà, trồng tỉa để sinh sống. Thấy vùng đất hoang dã đã có người lập cư, thế là dân từ nhiều nơi lần lượt kéo về đây đông đúc rồi trở thành xóm, làng.
Ngày mới về vùng đất này, cô Hà Quảng rất xinh đẹp. Khuôn mặt trái xoan hiền hậu, da trắng nõn nà, mịn mượt làm không biết bao nhiêu gã đàn ông đắm đuối, ngỏ lời nhưng không ai có thể làm cho con tim cô rung động và cuối cùng cô vẫn sống đơn thân. Đặc biệt cô có mái tóc đen nhánh, dài đến chấm đất như dòng suối làm không ít thôn nữ ao ước.
Thời gian đi qua, do một nắng hai sương lam lũ với cuộc mưu sinh hằng ngày nên nét đẹp thiên phú của người phụ nữ này dần dà bị tàn phai, da dẻ cũng đen sạm, mái tóc bồng bềnh, thướt tha trở nên vàng hoe, bù xù, rối rắm nên bà phải tự tay cắt bỏ mái tóc mà từ khi sinh ra bà đã kỳ công nuôi dưỡng.
Vứt bỏ mái tóc dài thượt, bà Hà Quảng vô cùng đớn đau, tiếc nuối. Nỗi chán chường luôn bao phủ tâm can và bà không muốn làm việc gì nữa, nhưng là người đặt chân tới vùng đất này đầu tiên, thông thạo việc gieo trồng nên bà cố gắng truyền đạt kinh nghiệm sống ở vùng đất cát để mọi người biết cách làm ăn, tồn tại với thiên nhiên. Mọi người đều thương yêu, quý mến bà.
Rồi một năm giữa tiết đông lạnh giá, biển gầm gào ầm ĩ, bà Hà Quảng lặng lẽ trở thành người thiên cổ trong sự tiếc thương vô hạn của dân làng. Để tưởng nhớ, tri ân người có công khai khẩn lập làng, dân chúng cùng nhau dựng lăng thờ cúng bà và tên làng Hà Quảng ra đời sau khi bà mất.
Hương khói cho bà một thời gian thì trong làng có chuyện lạ. Vợ của xã trưởng Hà Quảng là một người phụ nữ đẹp, cũng có mái tóc óng mượt, đen huyền rất dài. Vào một đêm se lạnh say giấc, bà này mơ thấy một người đàn bà lạ, mặc bộ đồ trắng toát với khuôn mặt điềm đạm, hiền từ nhưng đầu lởm chởm kiểu tóc “đinh” nhẹ nhàng đến bên giường mình nài nỉ xin mái tóc. Quá hoảng sợ, vợ xã trưởng ú ớ, tung chăn bật dậy, trán toát mồ hôi mới biết đó chỉ là giấc mơ.
Để có thêm chỗ đặt lễ cúng Bà Hà Quảng, mới đây dân làng đã dựng thêm mái che trước lăng. Ảnh: T.K.V |
Những đêm tiếp theo trong giấc ngủ chập chờn, vợ xã trưởng đều thấy bóng người đàn bà đó xuất hiện và lần nào cũng tha thiết được xin mái tóc. Nỗi sợ hãi ấy làm vợ xã trưởng không thể giấu kín mãi nên bà ta đã kể lại giấc mơ cho chồng nghe. Hai người đem chuyện chiêm bao kể cho những người cao niên trong làng biết, ai cũng bảo hình bóng đó chính là bà Hà Quảng linh ứng, bởi khi vợ xã trưởng sinh ra trên mảnh đất này thì bà Hà Quảng đã bước vào chốn thiên thu.
Nghe theo lời khuyên bảo của dân làng, xã trưởng quyết định sắm lễ vật, văn sớ, triệu tập dân làng Hà Quảng tờ mờ sáng một ngày đẹp trời khai trống, gióng chiêng dâng lễ vật tại Lăng Bà xin phù hộ, độ trì cho con cháu trong làng luôn tai qua, nạn khỏi, đất nước thái bình. Xong phần lễ cúng Bà, vợ xã trưởng bước tới quỳ trước áng hương Bà vái lạy xin tự nguyện hiến dâng mái tóc đẹp cho Bà. Cái lạy thứ ba vừa dứt, một người đàn bà từ phía sau tiến tới cắt gọn mái tóc của vợ xã trưởng đặt ngay ngắn trước bàn thờ Bà. Từ đó trên bàn thờ Lăng Bà Hà Quảng có thêm một lọn tóc làm lễ vật thờ cúng…
Rồi chiến tranh nổ ra, Lăng Bà bị vùi lấp, hư hỏng, tập tục cúng tế Bà bị gián đoạn, phai mờ nhiều năm, ít ai còn chú ý tới câu chuyện truyền thuyết về những tháng ngày xa xưa nữa. Cho đến lúc một số người sực nhớ tới Lăng Bà nằm chung với khu mồ mả ở Gò Rừng, liền tổ chức sửa sang tạm thời lại lăng để thờ phụng. Họ xúm nhau tìm kiếm rất kỹ khu vực xung quanh nhưng không thấy lọn tóc dâng Bà đâu cả. Lăng mỗi ngày thêm bị thời gian tàn phá, nứt nẻ, xuống cấp trầm trọng nên cuối năm 2009, bà con dân làng tự nguyện góp tiền, của xây dựng mới hoàn toàn lại Lăng Bà Hà Quảng ngay tại nền lăng của ngày xưa.
Bây giờ vào các ngày mồng một, ngày rằm hằng tháng, không ít người đến Lăng Bà viếng hương và cứ đến tiết Thanh minh tháng 3 âm lịch, dân làng tự góp tiền, phân công từng bộ phận lo liệu từ khâu hậu cần đến khánh tiết để tổ chức lễ cúng Bà. Đây là một tập tục văn hóa chứa đựng những nét đẹp truyền thống về đạo lý của bao thế hệ đối với tiền nhân có công khai khẩn làng Hà Quảng.
THÁI KIỀU VY