Khởi nghiệp, đối với phần lớn phụ nữ trong xã hội, đơn vị tính không hẳn là tỷ đồng mà đơn giản chỉ là biết chia sẻ, tương tác trong một nhóm liên kết chân tình. Vì thế, có những công việc tưởng chừng không mang lại hiệu quả kinh tế gì, nhưng qua sự sáng tạo, biến báo của các chị vẫn mang lại thu nhập và những thành công nhất định.
Tổ liên kết cung cấp gà và trứng gà sạch được giới thiệu tại Gian hàng Khởi nghiệp của Hội LHPN phường Hòa Quý. Ảnh: V.T.L |
Giấc mơ từ củ kiệu
Chờ cho bụi đường tan đi sau chiếc xe tải, chị Lê Thu Sa, chuyên viên Hội LHPN huyện Hòa Vang, ra hiệu cho tôi rẽ vào con đường bê-tông ở tổ 7, thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Một người phụ nữ ra đón, được giới thiệu tên là Nguyễn Thị Bông, tổ trưởng tổ chế biến của Tổ hợp tác (THT) Sản xuất Kiệu hương Hòa Nhơn.
Nghe khách hỏi về cây kiệu đất Hòa Nhơn, bà Nguyễn Thị Trữ, mẹ chồng chị Bông, vứt điếu thuốc lá đang hút dở, hăm hở bước vào nhà, sôi nổi góp chuyện. Bà kể, người dân Hòa Nhơn trồng kiệu cả trăm năm nay rồi, từ thời đất nông nghiệp còn bạt ngàn. Ngày Tết, cả làng thu hoạch kiệu, vui như hội. Bà từng lon ton chạy theo gánh kiệu của mẹ ra bán ở chợ, hồi đó bán theo bó chứ không tính kg như chừ.
Chị Sa, có vẻ sành chế biến món ăn, giải thích thêm rằng, kiệu có hai loại là kiệu hương (còn gọi là kiệu quế hay kiệu Huế) và kiệu trâu. Chợ Đầu mối Hòa Cường chủ yếu bán kiệu trâu, gọi thế vì củ bự, thân dài, đuôi to. Kiệu hương có thân nở, eo thắt rõ rệt, đuôi kiệu mảnh, không dày. Kiệu trâu khi muối sẽ cho mùi hăng và mềm, trong khi đó kiệu hương muối cho vị thơm giòn hơn.
Năm 2017, khi UBND huyện triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, xã Hòa Nhơn khôi phục nghề trồng kiệu hương truyền thống với diện tích 2ha ở các thôn Thạch Nham Tây, Phước Thuận, Ninh An.
Kiệu hương Hòa Nhơn “tái sinh”, UBND xã nghĩ đến kế hoạch lâu dài, bèn mời cán bộ Trường CĐ Lương thực - Thực phẩm về mở lớp sơ cấp chế biến kiệu hương kéo dài 3 tháng. Chị Nguyễn Thị Bông, từ khi về làm dâu một gia đình trồng kiệu, đã cùng chồng làm kiệu hương muối có tính cách nhỏ lẻ với ước mơ sẽ sản xuất đại trà để cung cấp cho thị trường. Sau khi thu thập nhiều kiến thức quý giá từ lớp chế biến, tháng 11-2018 chị bắt tay vào thực hành sản xuất kiệu muối ngay tại nhà mình. Tết Kỷ Hợi vừa qua, chị “xuất xưởng” 400 hũ kiệu hương muối, mỗi hũ nửa kg kiệu với giá 50.000 - 55.000 đồng. Bán hết cái vèo. Thành công ngoài mong đợi!
Ông Nguyễn Hữu Khánh, tổ trưởng THT Sản xuất Kiệu hương Hòa Nhơn, cho biết UBND xã đã lập thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm “Kiệu Hương Hòa Nhơn”. THT hiện có gần 40 thành viên, trong đó phần lớn là phụ nữ, chia làm hai tổ - chế biến và trồng trọt. Chị Bông đang tập hợp một số chị có “hoa tay” để chuẩn bị chế biến kiệu hương muối cho mùa Tết tới.
Chuyện gà từ quê ra phố
Khách mê món mì Quảng Túy Loan, có dịp ghé lại những quán mì gà ở khu ẩm thực Hòa Nhơn trên đường 14B mới sẽ đọc được mẩu thông báo ghi trên tường rằng thịt gà ở đây được cung cấp bởi HTX Gà Nhơn Phát, xã Hòa Nhơn. Gặp và hỏi chuyện chị Phan Thị Vinh, Giám đốc HTX, mới hay người dân nơi đây nuôi gà thả vườn đạt chuẩn từ lâu nhưng chưa có tổ chức nào tập hợp lại để phát triển. Tháng 7-2018, HTX được thành lập với 11 xã viên là phụ nữ, mỗi người nuôi từ 150 - 200 con gà trong vườn nhà.
Chị Vinh bước ra vườn cầm thau thóc, miệng khẽ huýt sáo, ngay tức thì đàn gà kéo nhau đến tranh ăn. Chị bảo, nếu gà công nghiệp mười con bằng nhau như chục thì gà thả vườn tới lứa có trọng lượng xê dịch từ 1,5kg đến 2kg. Mỗi lứa gà thả vườn từ 6-8 tháng, gà tơ 5 tháng đã xuất chuồng được rồi, tuy nhiên nếu gà đã qua một lứa đẻ sẽ cho thịt ngon hơn. Chăm cũng khỏe, chỉ cần thả gà ra vườn là có thể ra đồng hoặc đến cơ quan làm việc. Chị cho biết, ngoài tiền lương chính ở công sở, xã viên còn có thêm ít nhất 3 triệu đồng mỗi tháng.
Đúng là gà sạch. Mỗi ngày HTX cung cấp khu ẩm thực Hòa Nhơn 30 con, thêm gần một nửa số đó bán cho các cơ quan, trường học, doanh nghiệp... Đầu tháng 10-2018, khi Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp”, HTX Gà Nhơn Phát mang xuống phố cả trăm con gà và thoắt một cái đã bán sạch. Cũng tại ngày hội này, chị Vinh đoạt giải nhì ở phần thi Ý tưởng khởi nghiệp.
Gà là một trong những con vật nuôi gần gũi với đời sống người dân Việt và không ít người đã chọn loại gia cầm này làm “nhân vật” trong kịch bản khởi nghiệp của mình. Tại ngày hội “Phụ nữ Sáng tạo - Khởi nghiệp, Khéo tay, Hạn chế rác thải nhựa” do Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn tổ chức chiều ngày 26-6 vừa qua, chị Lưu Thị Bé, tổ trưởng Tổ liên kết cung cấp gà và trứng gà sạch phường Hòa Quý, đã có dịp trình bày ý tưởng kinh doanh của mình.
Chị cho biết, tổ liên kết các hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, cung cấp gà giống, gà ăn thịt và trứng gà sạch cho khách có nhu cầu, trong đó có các lễ, tiệc. Có điều, các thành viên trong tổ đang chăn nuôi nhỏ lẻ với kiến thức chăn nuôi chủ yếu từ dân gian. Để có thể tự tin “ra biển lớn”, mọi người mong muốn được tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về chăn nuôi gà, được tạo cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô chăn nuôi gà thả vườn.
Vậy đó, đơn giản như con gà thôi cũng đủ để phụ nữ đầu tư sáng tạo, đưa sản phẩm ra thị trường và mang lại thu nhập cho gia đình.
Đơn vị tính là sự chia sẻ
Ngày 22-6 vừa rồi, ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) có một xưởng may “ra mắt” những người thân. Chủ xưởng, chị Lê Thị Thanh Luyến (chi hội phó phụ nữ Quang Thành 3A1) không dám gọi “khai trương”, bởi xưởng đang giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất là tuyển thợ may.
Tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng năm 2011, không tìm được việc làm, chị vô KCN Hòa Khánh làm công nhân. Có con nhỏ, chị về mở quán tạp hóa tại nhà, rồi bán hàng online, làm cấp dưỡng nhà trẻ... thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Đêm đêm chị nghĩ trăm phương nghìn kế để tìm ra một nghề có thể làm cho kinh tế gia đình “cất cánh” được.
Thấy đứa bạn đăng lên Facebook hình cả nhà mặc đồng phục đi chơi, chị nảy ra ý tưởng mở xưởng may đồng phục cho cơ quan, trường học, doanh nghiệp... và áo sơ-mi xuất khẩu. Một người bạn thấy kế hoạch khả thi, cùng chị “liên doanh”, ban đầu tuyển được 5 thợ may nữ (chủ yếu là người địa phương), mở xưởng sản xuất trọn gói từ cắt, may đến đóng gói thành phẩm. Người bạn chị do quen biết nhiều nơi, bước đầu đã nhận được hai đơn hàng, một từ thành phố Hồ Chí Minh với 1.000 sản phẩm, một ở ngay tại Đà Nẵng với 2.000 sản phẩm. Đây là “cú huých” giúp chị mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm thợ thời gian tới.
Trở lại với ngày hội “Phụ nữ Sáng tạo - Khởi nghiệp, Khéo tay, Hạn chế rác thải nhựa” do Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn tổ chức. Hôm đó nhiều kế hoạch kinh doanh đã được các chị trình bày rất rõ ràng, đầy tính khả thi. Phụ nữ tổ 18 phường Khuê Mỹ thành lập Nhóm sáng tạo hộp quà gắn kết yêu thương, thể hiện ở đó tấm lòng người tặng (và cả người nhận) chứ không phải chỉ đơn thuần là giá trị kinh tế của quà tặng.
Phụ nữ tổ 14 phường Mỹ An thành lập Tổ liên kết bán hàng ăn online với chiến lược đầu tiên là “lấy chất lượng sản phẩm làm uy tín kinh doanh”. Tổ 54 Đông Hải, phường Hòa Hải thành lập Tổ gia công nữ trang đá Phước Tài, chuyên gia công nữ trang bằng đá (vòng tay, nhẫn, dây chuyền…) để bán cho khách đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, cung cấp cho các tiệm bán hàng nữ trang đá tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Khởi nghiệp, đối với phần lớn phụ nữ trong xã hội, đơn vị tính không hẳn là tỷ đồng mà đơn giản chỉ là biết chia sẻ, tương tác trong một nhóm liên kết chân tình. Vì thế, có những công việc tưởng chừng không mang lại hiệu quả kinh tế gì, nhưng qua sự sáng tạo, biến báo của các chị bỗng dưng mang lại thu nhập. Những ai đang nuôi mộng kinh doanh, hãy mạnh dạn chia sẻ giấc mơ của mình với bạn bè để cùng nhau bàn bạc một kế hoạch khả thi trước khi bắt tay vào khởi nghiệp.
VĂN THÀNH LÊ