Rưng rưng tháng bảy

.

Có lẽ ca khúc Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được bất cứ ai cất lên trong những ngày tháng bảy cũng đều hay cả, hay đến xốn xang, tan chảy nỗi lòng và thấm lệ rưng rưng! Gói gém trong những ca từ ấy là máu, là hoa và nước mắt, là nỗi đớn đau, bi tráng, là sự ghi nhớ không được phép xao lãng của những người đang sống hôm nay. “Bài ca tôi không quên, tôi không quên những người đã ngã. Bài ca tôi không quên, tôi không quên, gởi trọn đời cho tất cả. Là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương…”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tháng bảy về chợt kéo theo bao nỗi nhớ nhung, tiếc thương vô hạn. Trời tháng bảy trong xanh lồng lộng, nóng ran mà ta cứ cảm giác như có những áng mây vần vũ u buồn! Tháng bảy về, dáng mẹ càng gầy guộc thêm một chút vì quá nhớ thương con! Bóng mẹ liêu xiêu, đôi bàn tay mẹ run run lau tấm di ảnh con bên làn khói hương nghi ngút mà mắt mẹ cay xè, ruột gan quặn thắt! Đã 44 năm rồi đất nước thống nhất, vườn tược, ruộng đồng mơn mởn màu xanh cây trái hòa bình mà lòng mẹ vẫn ngập tràn giông bão bởi còn những đứa con nằm nơi tận miền xa thẳm!

Có biết bao con cháu của các mẹ trước lúc chia xa để ra trận mạc thân thể lành lặn, đến khi chiến thắng trở về đã mất đi một phần xương thịt và mang trong mình không ít mảnh đạn quân thù. Những vết thương kia mãi đến bây giờ vẫn còn buốt nhức, nhói đau mỗi khi trái gió, trở trời. Và có bao người con, người cháu của các mẹ âm thầm cầm súng ra đi cứu nước đã vĩnh viễn nằm lại với đồi cao, dốc vắng, với núi rừng, đồng ruộng, sông sâu, với xứ sở quê hương yêu dấu, xương thịt đã hóa thân vào cỏ cây, sông núi.

Có biết bao người vợ gạt nước mắt tiễn chồng lên đường còn mình trụ bám lại tại các vùng nguy hiểm nhất để dò địch, nắm dân, đêm đêm lại lấp lóa những ngọn đèn chong mắt chỉ đường, cảnh báo những tín hiệu hiểm nguy hoặc an toàn cho các chiến sĩ an ninh, du kích, bộ đội tìm về diệt ác, trừ gian để rồi ngày chiến thắng trở thành góa phụ.

Có bao người mẹ mấy bận tiễn con ra trận và mòn mỏi đợi chờ cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng thì đôi mắt mẹ lại nhòa đi bởi chỉ còn nhìn thấy dáng hình con hiển linh dưới bóng cờ sao phấp phới! Dẫu biết chiến tranh là mất mát, là hy sinh nhưng có sự mất mát nào lớn bằng cái chết, có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mẹ mất con, vợ mất chồng, những đứa con côi cút vắng cha, thiếu mẹ.

Có biết bao những người mẹ, người vợ rất đỗi bất khuất, kiên cường, cam chịu đói khát để dành từng lon gạo, củ khoai, nắm muối, đêm đêm khua từng nhát cuốc đào hầm bí mật để nuôi giấu, chở che bộ đội, du kích đánh giặc giữa vòng vây trùng điệp bốt đồn thù, chấp nhận mọi đòn roi và cả sự mất mát, hy sinh để bảo vệ niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa. Ý chí sắt đá, sức chịu đựng phi thường và lòng dũng cảm của các mẹ cùng với máu của các liệt sĩ đã làm nên bản tráng ca bất tử. Mỗi tấm bằng Tổ quốc ghi công là một bông hoa tươi thắm không bao giờ nhạt phai, tàn úa. Bao Bà Mẹ Việt Nam anh hùng là bấy nhiêu vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm không bao giờ tắt để luôn soi sáng, dẫn đường cho lớp lớp cháu con hôm nay bước theo.

Trong những ngày tháng bảy lịch sử này, tháng của sự biết ơn và tri ân đối với những người đã ngã xuống cũng như  những người mất mát một phần máu xương cho hoa trái tự do, độc lập. Trời tháng bảy trong veo, mang theo những âm vang, hào khí của ngày giỗ chung các anh hùng xả thân vì nước, vì non, nhuốm đỏ màu buồn cứ phảng phất đâu đây. Nắng tháng bảy dội xuống hầm hập rát cháy, song từng đoàn người cứ nối nhau về phía các nghĩa trang liệt sĩ và ai nấy đều cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm bởi một lần nữa mình lại được về bên vong linh liệt sĩ với tấm lòng thành rất đỗi thiêng liêng.

Được kính cẩn nghiêng mình thắp những nén hương thơm ngát lên từng ngôi mộ có tên và chưa biết tên mà lòng trào dâng bao niềm biết ơn vô hạn! Những ngôi mộ trong nghĩa trang vẫn lặng lẽ yên nghỉ như  bao ngày tháng khác nhưng chắc vong linh của các liệt sĩ sẽ ấm áp hơn vì lớp cháu con hôm nay tiếp tục bước theo con đường thấm đỏ máu đào của bao thế hệ cha anh mới có.

Con đường ấy được các anh hùng liệt sĩ trải một màu hoa đỏ để rồi Nguyễn Đức Mậu phải bật lên những vần thơ da diết và nhạc sĩ Thuận Yến chắp thêm đôi cánh cho những câu thơ ấy bay mãi, bay cao tới tận nơi tít tắp cuối chân trời: “Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che. Chiều biên cương trắng trời sương núi. Mẹ già mỏi mắt nhìn theo…”! 

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.