Những năm gần đây, tại Đà Nẵng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đạt hiệu quả cao; không chỉ giúp các chị cải thiện cuộc sống mà những mô hình này còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho những phụ nữ nghèo, khó khăn, giúp họ vượt khó vươn lên.
Tổ hợp tác may gia công ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Ảnh: M.H |
Vượt lên số phận
Chị Lê Thị Thùy Linh (hiện ở kiệt 218 Hoàng Văn Thái, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) ở nhà nội trợ, thu nhập của chồng cũng không ổn định nên chị mở tạp hóa để có đồng ra đồng vào. Khi con đường Hoàng Văn Thái trước nhà mở rộng, anh chị có được một số tiền đền bù nên vay mượn thêm để xây nhà mới. Tuy nhiên, không ai biết trước được rủi ro sẽ xảy ra.
Nhà làm xong, nợ nần chồng chất, chuyện buôn bán của chị lại ế ẩm vì nhiều người mở quầy tạp hóa, rồi chị bị tai nạn giao thông, hai con đang tuổi ăn tuổi học, thế là vợ chồng chị buộc phải bán nhà để trả nợ rồi mua miếng đất nhỏ trong kiệt để ở.
Tất cả tài sản bươn chải dành dụm hơn 20 năm tan biến trong phút chốc. Nhớ lại những ngày tháng ấy, chị Linh trải lòng: “Tinh thần tôi dường như sụp đổ. Có lúc còn nghĩ quẩn hay là chết đi để khỏi suy nghĩ”. Sau rồi chị thấy nhiều người còn khốn khổ hơn mình mà họ vẫn sống được, nên chị lấy lại tinh thần, tập trung vào buôn bán. Đồng thời, qua sự giới thiệu của một bạn thân, chị Linh tranh thủ đi dọn vệ sinh nhà cửa, công ty với một nhóm chị em phụ nữ ở quận Sơn Trà.
Sau một thời gian đi làm thuê, khoảng tháng 6-2018, chị Linh cảm thấy có đủ khả năng tách riêng. Bên cạnh đó, khu vực phường Hòa Khánh Nam lúc ấy dịch vụ dọn vệ sinh chưa phát triển, nên chị quyết định rủ thêm 4 chị phụ nữ thuộc diện nghèo, khó khăn thành lập một nhóm dọn vệ sinh gia đình. Trước là “cứu” chính bản thân chị, sau là giúp các chị em phụ nữ có công ăn việc làm.
Hiện nhóm của chị Linh nhận dọn nhà mới xây, nhà cũ, nhà đang ở theo định kỳ hoặc tháng, dọn công trình, văn phòng. Giá dịch vụ tùy theo số mét vuông, hiện trạng khi tiếp nhận… Về phần trang thiết bị hỗ trợ việc dọn dẹp vệ sinh, các thành viên trong nhóm đều thuộc diện khó khăn, bản thân chị Linh cũng chật vật nên chưa thể tự trang bị. Nếu cần đến sự hỗ trợ của máy móc, vật dụng không sẵn có thì các chị phải đi thuê để bảo đảm chất lượng phục vụ, giữ uy tín với khách hàng.
Hay chị Phạm Thị Hồng (sinh năm 1977, ngụ phường Hòa Xuân, quận Cẩm lệ), sau nhiều năm làm ăn ở nhiều tỉnh, thành đều thất bại, vợ chồng chị quyết định trở về quê, bắt đầu tạo dựng lại với hai bàn tay trắng. Bằng sự tìm tòi, ham học hỏi, cuối năm 2016, chị Hồng mở cơ sở Bánh tráng bò pía Toàn Thịnh với 2 nhân công, áp dụng phương pháp thô sơ là dùng bếp gas và tấm thiếc để tráng bánh. Thời điểm ấy bánh tráng bò pía là một loại mặt hàng khá mới với người tiêu dùng Đà Nẵng nên chị gặp không ít khó khăn trong đầu ra.
Đến cuối năm 2017, cơ sở dần tạo dựng được vị trí trong lòng khách hàng. Từ con số 2 ban đầu, số nhân công tăng dần lên, giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều chị em phụ nữ ở Hòa Xuân, nhất là những người không còn ruộng nay thất nghiệp. Giai đoạn đầu, cơ sở sản xuất khoảng 200 xấp bánh/ngày, nay con số này đã nâng lên khoảng 1.000 xấp bánh/ngày. Vào những dịp cao điểm như Tết, lượng bánh tiêu thụ có khi lên đến 5.000 xấp bánh/ngày. Đến nay, thương hiệu Bánh tráng bò pía Toàn Thịnh không chỉ “phủ sóng” khắp Đà Nẵng mà đã mở rộng ra các tỉnh/thành lân cận như Quảng Nam, Huế…
Cùng với mô hình Bánh tráng bò pía Toàn Thịnh của chị Hồng, mô hình Tổ hợp tác may gia công của chị Trần Thị Ánh Phượng (sinh năm 1970, ngụ phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cũng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những phụ nữ nghèo trong vùng di dời giải tỏa không có đất sản xuất.
Chị Phượng cho biết: “Trước đây, tôi vốn là thợ may và có mở một tiệm may tại nhà để tiện chăm con cái. Đến khi con lớn, thêm phần tiệm may ế ẩm, tôi dẹp tiệm và đi làm công nhân may trong khoảng 4 năm (từ năm 2004 đến năm 2008). Năm 2009, nhận thấy nhu cầu cao trong việc gia công của các công ty may mặc, tôi tự đi liên hệ rồi nhận hàng về gia công”.
Thời gian đầu, chị làm một mình. Về sau, lượng hàng ngày một nhiều, không thể ôm xuể nên chị thuê thêm người làm cùng, trả tiền theo sản phẩm. Bên cạnh đó chị còn nhận dạy nghề. Nhờ đó mà không chỉ chị Phượng, thu nhập của những chị em phụ nữ tham gia Tổ hợp tác may gia công cũng được cải thiện hơn.
Chị em cùng giúp nhau
Tham gia Nhóm dọn vệ sinh gia đình của chị Linh từ những ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1969, ngụ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Tôi vốn bán bún vào buổi sáng. Tuy nhiên, sức khỏe không tốt, bán “bữa đực, bữa cái”. Gia đình đông con. Chồng tôi làm thợ nề, thu nhập cũng không được nhiều lại thêm phần bấp bênh.
Từ khi được chị Linh rủ đi làm công việc dọn vệ sinh này, tranh thủ buổi chiều, lúc khỏe, tôi cũng kiếm thêm được chút ít”. Nhờ sự cố gắng, tảo tần, tuy hiện tại, kinh tế gia đình chị Vân vẫn còn rất khó khăn song đã khá hơn trước được phần nào.
Hay với chị Tưởng Thị Diễm Sương (sinh năm 1997, ngụ phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), nhờ làm việc tại cơ sở Bánh tráng bò pía Toàn Thịnh mà chị Sương đã phần nào đó giúp gia đình cải thiện kinh tế, thoát nghèo. Chị Sương bộc bạch: “Năm 2010, mẹ tôi mất, chỉ còn bố đi làm để nuôi 4 chị em tôi. Với nghề thợ sơn, tiền kiếm được không là bao nên kinh tế ngày một đi xuống, gia đình tôi rơi vào diện nghèo. Thấy vậy, tôi quyết định nghỉ học, đi làm phụ bố nuôi các em”.
Lúc đầu, chị Sương đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Cầm với thu thập khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, phải thường xuyên làm đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe nên hay tin về cơ sở Bánh tráng bò pía của chị Hồng. Từ mức thu nhập khoảng hơn 3,5 triệu đồng/tháng vào những tháng đầu đi làm, thu nhập của chị Sương tăng lên qua các năm, đến nay khoảng trên 6 triệu/tháng. Với số tiền kiếm được, chị Sương đủ khả năng để phụ bố nuôi 3 em ăn học và chi trả các khoản sinh hoạt, ăn uống của gia đình. Vào cuối năm 2018, gia đình chị Sương thoát khỏi diện nghèo.
“Tất cả chị em đến làm ở đây đều có hoàn cảnh nên tôi cũng thông cảm với họ. Bắt họ phải làm theo giờ như ở công ty thì cũng khó nên tôi cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ có cái nghề, kiếm được chút ít lo cho gia đình. Trung bình mỗi nhân công thu nhập khoảng từ 3 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng/tháng, tùy vào tay nghề yếu hay cứng, số lượng sản phẩm làm được”, chị Phượng chia sẻ.
Dù mỗi nhóm khởi nghiệp của các chị còn gặp nhiều khó khăn, song tinh thần vươn lên thoát nghèo đã tạo một sức lan tỏa mạnh trong các chi hội phụ nữ, làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương.
MAI HIỀN