"Đi cà-phê"

.

Cái nắng hầm hập ngày hè đổ xuống thành phố, nóng rát và bức bối. Đang đầu bù tóc rối với mớ việc không tên, bỗng nhận tin nhắn của cô bạn thân: “Cà-phê nhỏ?”. “Ở đâu?”.  “Quán cũ”. “Cà-phê” - chỉ nghe vậy thôi, tay chân tôi bỗng dưng được tiếp thêm độ nhạy để trở nên nhanh nhẹn hẳn. Xếp xong mớ việc trong vòng mươi phút, thay bộ quần áo, tôi háo hức phóng xe đến chỗ hẹn.

Chỗ hẹn là quán cà-phê nhỏ nằm ở ngôi nhà hẹp ở cuối một con ngõ giữa lòng thành phố. Gọi là chỗ “cũ” bởi nó là nơi gặp gỡ của chúng tôi từ mười năm nay. Quán chỉ có độ bảy hay tám cái bàn với mấy chiếc ghế con con vừa tầm một người ngồi, bài trí đơn giản với mấy vật dụng sinh hoạt quen thuộc trong các gia đình thời bao cấp: một ti-vi đen trắng Samsung 359R với ăng-ten hai râu thịnh hành những năm 1985, một cái quạt tai voi, một cái radio cũ kĩ, một cái phích nước và mấy chiếc đĩa sắt tráng men, một chiếc xe đạp gióng ngang… Quán cà-phê quen, đó là chốn ngơi nghỉ, để cười, để nghe, để nói cùng nhau nỗi buồn vui thường nhật, để hiểu nhau và nghĩ về bao nhiêu bộn bề của đời. Thành ra, cứ say sưa với góc quán “cũ” - “cũ” nhưng bao giờ cũng “mới” trong xúc cảm, tâm ý của đôi bằng hữu hẹn hò.

Ngày nay, đi uống cà-phê trở thành nhu cầu thiết yếu, thói quen và thậm chí, là một cái dấu tít tất yếu trong bảng lịch trình mỗi ngày của bao người. Gọi là “đi uống cà-phê”, nhưng vào quán chưa chắc đã gọi cà-phê! Có người say thức uống đậm đà ấy, nhưng hôm nào cũng thấy ngồi cùng bạn bè nơi góc quán ven đường. Đôi khi là uống trà, nước chanh hoặc vô số các thức uống thơm ngon khác, nhưng người ta vẫn gọi đấy là “đi cà-phê”.

Cũng có người “nghiện” hương cà-phê, hôm nào không có thấy chân tay bủn rủn, đầu óc lụ mụ, nhưng nếu không ra quán mà phải tự pha để ngồi uống ở nhà thì cảm như hương thơm và độ đậm sánh của cà-phê như vơi bớt… một nửa! Bởi, người ta say cà-phê chưa chắc vì hương thơm đặc biệt của nó. Người ta thích thú và mê đắm cái không khí của quán thì phải!

Có lẽ, cà-phê là quán hàng mở cửa sớm nhất trong ngày. Tờ mờ sáng, các bác lớn tuổi sau buổi tập dưỡng sinh đã quây quần bên góc quán cạnh công viên. Hương cà-phê như gợi mở, thêm duyên, thêm vị cho câu chuyện bất tận của người già: chuyện con cháu, chuyện thế sự, chuyện mình lãng đãng nhớ trước quên sau hay chuyện chiều qua đột nhiên thấy tức ngực vì huyết áp tăng cao… Kể cả những ngày mưa phùn thấm lạnh, họ vẫn duy trì thói quen cà-phê buổi sáng cùng nhau.

Đó là niềm vui sống, niềm lạc quan tinh thần không thể chối từ. Khi đường phố đông đúc dần với các hoạt động của một ngày mới, là lúc người trẻ tranh thủ tạt ngang mấy quán cóc bên đường, gọi và uống vội tách cà-phê sóng sánh, chỉ kịp cười chào người quen rồi tất tả phóng xe đến chỗ làm. Trưa, quán cà-phê thành nơi ngơi nghỉ cho dân văn phòng, nơi hẹn hò của những bà mẹ tranh thủ gặp gỡ lúc con đi học. Đêm về, đôi trẻ tình tứ nói cười ở dãy ghế quen, bao thân tình bằng hữu được sưởi ấm bên tách cà-phê thơm…

Tôi cảm được cái thú “đi cà-phê” của người Việt thời nay. Tôi cũng cảm được trong cái thú vui ấy giá trị tinh thần của con người trong xã hội hiện đại - cuộc sống quay cuồng và thật ít cơ hội gặp gỡ, thiếu hẳn không gian tâm tình. Không gian của những quán cà-phê, dù nhỏ hay lớn, đều mang ý nghĩa của sự gắn kết, níu gần. Và vì vậy, có phải chăng, đó cũng chính là không gian văn hóa của nhịp sống ngày hiện đại?!

Thật tiếc là, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đã xem quán cà-phê là nơi tụ tập để “chém gió”, la cà, giết thời gian rảnh rỗi. Không khó để nhìn thấy cảnh từng nhóm bạn trẻ phì phèo thuốc lá, tay đánh bài miệng liến thoắng những câu chửi tục trong góc quán; đôi ba cô gái rủ nhau mặc trang phục cùng màu gợi cảm, vào quán chưa kịp gọi thức uống đã thi nhau chụp ảnh, và rồi chẳng trò chuyện gì cùng nhau, mỗi người một chiếc điện thoại và thế giới của riêng mình... Những lúc ấy, cảm giác khoái trá lúc tìm đến góc quán với hương cà-phê quen bỗng dưng chùng xuống, thấy bứt rứt, khó chịu tột cùng. Tôi tự hỏi, có phải mình đã “già” quá rồi không?!

 Vẫn thèm lắm không gian lặng yên đủ để nghe tiếng rơi “tách, tách” của giọt cà-phê phin. Vẫn thèm lắm khoảnh khắc nói cười cạnh gia đình, bè bạn ở góc quán “cũ” để nghe những thân tình được sưởi ấm. Cuộc sống vội vã ở đâu đó, nhưng thật chậm và an yên ở đây, trong lòng những người say mê thú “đi cà-phê” với ý nghĩa đích thực.  

Trần Thị Hồng Vân
 

;
;
.
.
.
.
.