Dù có xa nhau bao nhiêu (*)

.

Sự cô đơn của người đàn ông là tấm gương phản chiếu sự đổi thay của người phụ nữ. Khuya vắng, tôi càng thấm sâu hơn điều đó sau khi đọc xong tập truyện ngắn Mỗi người một chỗ ngồi của tác giả Phan Triều Hải.

Sau thời gian vắng bóng, sự trở lại lần này của Phan Triều Hải càng làm cho bạn đọc tha thiết hơn với những trang viết tinh tế và chạm thấu của anh. Vỏn vẹn chỉ 6 câu chuyện của 6 người đàn ông, nhưng dư âm của tập truyện ngắn lại đủ nhức nhối kéo dài, đặc biệt khi ai đó bắt gặp mình chính là một hình bóng có những nỗi niềm trùng khớp.

Trong sự cuồng quay của nhịp sống hiện đại, đâu đó ngoài kia ngày càng xuất hiện thật nhiều những Cao, Kha, Huy, Pha… Họ là những người đàn ông “đứng ở lưng chừng”. Họ không thành công rực rỡ, không đủ khả năng và cũng không muốn để mình trở thành một con chuột bạch chạy mải miết trên vòng quay của bánh xe thí nghiệm, chỉ cần dừng lại là sẽ ngay lập tức rơi xuống. Với họ, cuộc sống chính là trầm tĩnh, là chọn cho mình một chỗ ngồi để lắng nghe, cảm nhận về thời gian, cơ hội và tình cảm.

“Sớm muộn gì theo thời gian thì người ta cũng khác đi, có thể cực đoan hơn hay dễ dãi hơn, diêm dúa hơn hay nhăn nheo hơn, hoang tưởng hơn hay tuyệt vọng hơn, nhưng dù thế nào vẫn phải có mối liên hệ nào đó với chính mình thuở ban đầu”. Nhân vật Kha trong Cái tên biến mất đã nghĩ như vậy. Anh quả là người hay nghĩ. Vậy nên ngoài công việc, ngoài sự trân trọng dành cho vợ mình thì mỗi ngày Kha đều quan sát: “Trong mắt anh, phụ nữ khi chất chồng thêm tuổi thì ai cũng thế, hừng hực như đang đốt cháy lần cuối cái động cơ bắt đầu mệt mỏi bên trong cơ thể.

Khi hoạt động chậm lại, người ta có thể nghĩ nhiều hơn, và riêng anh, sống chẳng qua chỉ là quá trình nghĩ cho đến tận cùng mọi việc”. Kha đang nói về An, cô bạn gái dịu dàng từ buổi ban sơ nhưng sau đó đã “đổi màu” nhanh chóng khi hai người trở thành chồng vợ. Thấp thoáng ở An là tính cách, sự tính toán của những nhân vật nữ trong những câu chuyện còn lại như Bia lạnh, Mèo trong gió mùa Đông Bắc, Rồi đâu sẽ vào đó. Những người phụ nữ vì không tìm thấy sự hài lòng và sức mạnh ở người đàn ông mà mình có nên họ sẽ đi tìm sự an toàn ở việc khẳng định cái tôi, khẳng định một vị trí, một chỗ ngồi, dù có xa nhau bao nhiêu.

200 trang viết chia đều cho 6 mẩu chuyện, Phan Triều Hải chậm rãi dẫn dắt người đọc bằng những tình tiết, chi tiết xuất hiện trong từng mối quan hệ, từng ngôi nhà. Sẽ thất vọng cho ai đó nếu họ háo hức đi tìm những tình huống mâu thuẫn gay cấn, những đổ vỡ mang đến sự đau thương khốc liệt. Tôi cảm tưởng, tác giả cũng là những người đàn ông được chính anh phác họa trong truyện. Nhẹ nhàng, trầm lắng, có xáo động nhưng lại giữ khoảng cách với những xáo động. Bằng sự nhạy cảm của mình, những con chữ, cấu tứ mỗi câu chuyện được sắp đặt thật chặt chẽ mà cũng thật tinh tế, gọn gàng mà tha thiết.
Những đổ vỡ suy cho cùng cũng bắt đầu từ mầm mống của những thay đổi.

Chẳng có gì là lâu dài nên đừng mong chờ mãi mãi. Những người đàn ông trong Mỗi người một chỗ ngồi kể về sự chia ly, về nỗi thất vọng, về sự cô đơn của mình như kiểu đang chậm rãi nhấm nháp một ly cà-phê vào chiều cuối tuần rảnh rỗi. Đắng nhưng lại mang đến sự tỉnh táo và bình thản lạ lùng. Tôi nhớ câu “Cuộc đời mấy khi như ý, và điều chúng ta cần làm đơn giản là tận hưởng nó” nhưng lại suy nghĩ nhiều hơn về một câu khác của Chi trong Rồi đâu sẽ vào đó, ngắn hơn: “Bản năng luôn đúng”.

Sự hài hòa giữa lý trí và cảm xúc luôn là mong muốn của nhiều người. Nếu con người cứ mải miết chạy về phía trước để thay đổi và khẳng định mà quên đi những cảm nhận ban sơ về tình cảm, về những giá trị thì rốt cuộc sẽ được gọi tên là những rô-bốt được cài đặt sẵn chỉ số logic, chỉ biết tiến lên một cách tự động. Còn những người chỉ muốn nuông chiều cảm xúc, không níu giữ, không xây đắp và chấp nhận sống cùng sự đổi thay, rốt cuộc cũng chỉ là những người bị lãng quên. Vậy khoảng cách giữa những chỗ ngồi là bao xa? Hay là vô cùng khi một người chọn ra đi, còn người kia ở lại.

Khi những người đàn ông từng trải đọc Mỗi người một chỗ ngồi, có lẽ họ sẽ bắt gặp đồng thời cả sự xa xăm và vững chãi. Họ đã chọn được cho mình một chỗ ngồi mà ở đó yên lặng đôi khi cũng chính là cách trải nghiệm. Những người phụ nữ hiện đại thì sao? Vô danh chính là sự thất bại, đứng im là tự đánh mất mình, rồi họ cũng sẽ tha thứ cho sự thay đổi của mình rất nhanh mà thôi. Dù có xa nhau bao nhiêu, mỗi người cũng sẽ chọn cho mình một chỗ ngồi trên khán đài để nhìn về cuộc sống.

Minh Thi

(*) Đọc Mỗi người một chỗ ngồi, tác giả Phan Triều Hải, Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 12-2017.

;
;
.
.
.
.
.