'Loạn' chất lượng, giá cả mỹ phẩm

.

Trước nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường mỹ phẩm hiện nay khá phong phú và đa dạng, không chỉ sôi động tại các chợ truyền thống mà trên mạng xã hội, các trang bán mỹ phẩm xách tay… cũng nhộn nhịp không kém với đủ loại sản phẩm và giá cả khác nhau. Việc mỹ phẩm được bày bán một cách thoải mái trên thị trường từ nhiều kênh khác nhau cũng là một mối lo ngại đối với người tiêu dùng vì rất khó phân biệt được mỹ phẩm thật, giả.

Một số loại mỹ phẩm có tên gọi giống các sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu lớn được bày bán tại các chợ với giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng.
Một số loại mỹ phẩm có tên gọi giống các sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu lớn được bày bán tại các chợ với giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng.

Thật - giả khó lường

Trong vai một khách hàng có nhu cầu đi mua mỹ phẩm, đến một gian hàng bán mỹ phẩm tại chợ Cồn, chúng tôi được người bán hàng tư vấn cho đủ loại từ son, kem nền, kem dưỡng da, phấn mắt, phấn má, kẻ mắt, chuốt mi… đủ cả.

Từ những loại dưỡng trắng, dưỡng da thương hiệu ít tên tuổi đến cả những loại có thương hiệu như Maybeline, Essance, Ohui, L’Oreal, MAC, Chanel… với giá từ vài chục tới vài trăm nghìn đồng. Những sản phẩm này được bán với giá thấp hơn nhiều so với ở các cửa hàng chính hãng.

Cầm trên tay một chai nước hoa hiệu Dior, chị N. trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê nói nhỏ, ở các hệ thống hàng chính hãng, những chai nước hoa loại này có giá từ 2 - 3 triệu đồng/chai, ở đây được bán chỉ vài trăm nghìn đồng/chai thì tất nhiên không phải là hàng chính hãng rồi, nhưng nó phù hợp với túi tiền thì nhiều người vẫn mua dùng.

Thông qua người bán hàng giới thiệu, không riêng nước hoa mà một số loại son, kem dưỡng cũng được nhiều khách hàng lựa chọn dù giá rẻ hơn rất nhiều so với những sản phẩm chính hãng.

Không chỉ tại những những quầy hàng mỹ phẩm được bày bán trong các chợ lớn, mà cả những chợ nhỏ, chợ đêm dành cho sinh viên, công nhân…, những mặt hàng mỹ phẩm cũng được bày bán rất nhiều, chủ yếu là các loại kem dưỡng làm trắng da, đồ trang điểm, sữa tắm...

Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, nhiều trang bán hàng mỹ phẩm tự giới thiệu là bán hàng xách tay, hàng thủ công… với đủ loại sản phẩm làm đẹp như son môi, kem dưỡng trắng tự bào chế với các thành phần tự nhiên, giá rẻ… Tuy nhiên những mặt hàng này đa phần do người bán tự quảng cáo về các thành phần, công dụng, hiệu quả chứ không có một đơn vị chức năng nào kiểm định chất lượng.

Có kinh nghiệm hơn 3 năm làm nhân viên tư vấn cho một cửa hàng bán đồ mỹ phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, chị H.L (quận Cẩm Lệ) chia sẻ, một số bộ phận người tiêu dùng hiện nay có tâm lý muốn sử dụng đồ mỹ phẩm “nhập ngoại” nhưng giá thành phải rẻ, hợp với túi tiền. Từ nhu cầu này nên nhiều mặt hàng giá rẻ đã ra đời để phục vụ cho khách.

Chưa kể, một số người tiêu dùng hiện nay còn sử dụng mỹ phẩm theo phong trào. Tức là thấy bạn mình trang điểm, sở hữu làn da đẹp thì hỏi bạn đang dùng loại nào và mua theo để dùng mà ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của loại mỹ phẩm đó cũng như tính chất của làn da mình.

Chính vì tâm lý dùng theo người khác nên dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng dẫn đến da bị tổn thương. Nhẹ thì dị ứng, kích ứng da, nặng thì phồng rộp, biến chứng phải đi bác sĩ da liễu để điều trị.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Chị H.L. cũng chia sẻ thêm, giữa “ma trận” các loại mỹ phẩm thật, giả lẫn lộn như hiện nay, trước khi dùng một loại mỹ phẩm nào đó người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về món đồ mình sẽ sử dụng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Ngoài cảm quan bằng mắt thường thì có thể kiểm tra bằng kinh nghiệm, thành phần sản phẩm, giá thành…

Hơn 6 năm gắn bó với việc làm đẹp, chuyên gia trang điểm Nguyễn Hữu Thịnh (chủ thương hiệu Thịnh Nguyễn Make up, 45/4 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu) cũng đưa ra lời khuyên rằng có nhiều cách để kiểm tra chất lượng sản phẩm, ngoài các tem, mác có trên sản phẩm thì khách hàng có thể sử dụng các phần mềm kiểm tra mã vạch của sản phẩm.

Tuy nhiên, theo anh Thịnh, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi người hãy trở thành người tiêu dùng thông minh; tức là nên tìm hiểu kỹ đối với các mặt hàng mỹ phẩm hiện có trên thị trường. Càng những sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu càng phải kiểm tra kỹ vì hiện nay hàng giả, hàng nhái được làm rất tinh vi, khách hàng nên lựa chọn những trung tâm uy tín, các hãng uy tín mua để tránh rủi ro cho bản thân.

Trong khi đó, theo ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, một trong những khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng chính là mỹ phẩm được vận chuyển bằng đường tiểu ngạch hoặc qua cửa khẩu đường bộ biên giới các tỉnh miền Bắc, miền Trung, rồi vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không vào địa bàn thành phố.

Hàng hóa nhập lậu còn được vận chuyển vào thành phố thông qua hành lý xách tay, hàng nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch gian lận khai báo về chủng loại, số lượng... bằng những thủ đoạn tinh vi để tránh né lực lượng chức năng.

Ngoài ra, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do giá rẻ, thói quen thích sử dụng hàng ngoại nên vẫn chấp nhận sử dụng, từ đó công tác kiểm tra và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Tại một số cơ sở kinh doanh chưa quan tâm đến nguồn gốc, giấy phép lưu hành, hạn sử dụng của sản phẩm. Nhiều thương nhân kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố không thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà sử dụng nhà ở làm địa điểm kinh doanh, mua hàng từ các thương nhân khác để bán lại, dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram để tiếp thị và quảng bá sản phẩm, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thống kê, quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh cũng như trong khó khăn trong việc kiểm tra, xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực này.

Cùng với các mặt hàng được bày bán ở các cửa hàng, những năm gần đây người tiêu dùng có xu hướng mua hàng trực tuyến. “Do vậy, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhất là đối với mỹ phẩm, người tiêu dùng nên mua hàng ở những cửa hàng chính hãng, có trang web thương mại điện tử đã được đăng ký với Bộ Công thương và mua hàng phải có hóa đơn, chứng từ, có nhãn hàng hóa theo quy định tại các cơ sở kinh doanh có đăng ký”, ông Trần Phước Trí cho hay.

Số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý 77 vụ việc vi phạm về kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tang vật tịch thu bị tiêu hủy là 9.920 đơn vị sản phẩm hàng hóa các loại.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và vi phạm về hàng giả mạo sở hữu trí tuệ. Mức phạt dành cho các vi phạm từ 400.000 đồng đến 90 triệu đồng tương ứng với trị giá của hàng hóa vi phạm theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.    

Song Khuê

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.