Mẹ nấu chè quê

.

Ngày còn sống, mẹ không là phật tử nhưng tin, kính Phật nên ngày rằm, đầu tháng âm lịch nào cũng mua hoa quả và nấu chè dâng cúng. Lũ nhỏ chúng tôi đương nhiên rất ưa. Còn phải hỏi, con nít mười đứa hết… mười một hảo ngọt; chưa kể mùa hè nóng nực thì cái sự thèm ngọt còn nhân đôi nhân ba.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chè quê mẹ nấu phổ biến là món chè đậu đen nấu nếp bỏ đường (đen). Nếp nấu chín nở ra, hòa cùng đậu đen và đường mía cũng màu đen khiến chén chè đặc sệt, đen thui. Món chè ấy ăn mau ngán nhưng để được lâu. Mẹ bảo: vậy cho nó bớt hao, ăn không hết để dành bữa sau ăn tiếp! Đúng thật, những chén chè đậu đen (nếu mát trời và nấu đủ độ ngọt) có thể để 5 - 7 bữa không hư.

Ăn bữa đầu ngán nhưng dành tới bữa thứ ba, thứ tư lại đâm ngon vô cùng. Lần nào cũng vậy “con sâu chè” là tôi cứ “canh me” chè mẹ nấu cúng vừa tàn hương là bưng riêng một chén tìm nơi… đem giấu! “Lộc” ấy đương nhiên mình tôi được hưởng riêng sau khi chè trên bàn đã bị cả nhà xơi hết sạch. Anh Năm thấy tôi còn chè ăn tức tối kêu: Út, cho anh Năm mày xin miếng coi, không tao méc mẹ cho ăn đòn!

Lâu lâu mẹ đổi món, nấu chè đậu ván hoặc chè trôi nước.

Đậu ván nấu chè phải bỏ đường trắng mới ngon. Đường trắng đắt tiền nên lâu lâu mẹ mới dám “chơi sang”. Món chè trôi nước dân dã hơn: bột nếp hay sắn (khoai mì) nắn viên, nổi trôi bềnh bồng trong chén nước đường chín tới vàng trong (có lẽ vậy mà mang cái tên “trôi nước”). Chè trôi nước ăn ngon, ít ngán hơn chè đậu đen - nhất là khi được nấu bằng bột nếp. Bột sắn thì phải ăn khi nóng; để nguội sẽ cứng, dai không còn ngon. Mẹ tôi đặc biệt mê món chè trôi nước nấu nếp. Mẹ thường bảo: mai mốt mẹ về với ông bà, tới ngày giỗ các con cứ nấu cúng cho mẹ nồi chè trôi nước, khỏi phải thịt thà bánh trái lôi thôi.

Ngoài hai món chè “thường thức” nói trên, thi thoảng mẹ cũng cho xen vài “biến tấu” chè phụ thuộc theo những sản vật quê thu từ vườn hoặc quà biếu của bà con họ hàng: mít, đát, chuối, khoai môn. Những món ấy mang nấu chè ăn cho lạ miệng chơi, nhưng rồi cũng mau ngán - còn hơn cả chè đậu đen. Khổ thân những chén chè quê, nấu với gì cũng cứ phải có nếp cho vô làm “nền tảng”(!?).

Thật tình. Tôi thích chè nhưng lại ngán cái vụ có nếp. Theo nài nỉ mẹ nấu chè bột có điều ít khi mẹ chìu. Có thể là bột đắt tiền, món chè bột lại ăn hao. Cũng có thể do chè bột nấu không thể để lâu... Vậy nhưng tôi có thể chắc chắn một điều: trong cách nghĩ của mẹ, chè nấu với nguyên liệu linh tinh (không có nếp) chỉ là các món chè dùng ăn chơi, còn món chè “chính quy” nấu dành cho cúng kiếng phải luôn luôn có nếp! Hồn cốt cái tư duy ấy - phải chăng - có cội ngồn thẳm sâu từ nền văn minh lúa nước: lúa gạo luôn xếp hàng “đầu bảng”, luôn là đại diện chính danh trong vô vàn những nông sản chung tay nuôi sống con người?

Sau này khi đời sống đi lên, lâu lâu được dịp ra quán nếm các món chè “hiện đại” tôi mới nhận ra nó ngon hơn hẳn chè “truyền thống”. Mua về cho mẹ nếm, mẹ lắc đầu chê nhạt, chê lạnh (vì trộn đá); thử vài ba muỗng xong đem cho lũ cháu, không ăn. Giờ thì món chè quê mẹ nấu cúng lũ nhỏ cũng không ăn nên mẹ nấu vô cùng ít. Cúng xong, thằng con trai cũng vô bưng chén ngồi ăn cho vui với mẹ. Ráng hết chén chè mà muốn “lắc lư”: những muỗng chè dẻo quẹo, ngọt lừ cứ tắc ngang trong cổ. Riêng mẹ vẫn móm mém ngồi nhai, muỗng này liền muỗng khác. Vừa nhai vừa tấm tắc: ngon mà…

Y NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.