Bóng trăng trắng ngà...

.

1. Chiếc đèn ông sao năm cánh, tiếng trống ếch thùng thình như nhịp đập của trái tim đã từng là ước mơ của nhiều đứa trẻ ngày xưa khi mùa Trung thu về.

Ngày trước, Trung thu đơn thuần chỉ là ngày Tết của trẻ con. Ngay từ những ngày đầu tháng 8, khi mùa thu còn chùng chình qua ngõ mang theo hương ổi chín ngòn ngọt trong gió heo may thì lũ trẻ con đã háo hức vót tre làm lồng đèn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bọn trẻ trong xóm tôi ngày đó cả ngày đi học rồi phụ ba mẹ làm đồng, chăn trâu cắt cỏ, tối đến mới rảnh rỗi tụ tập trước sân cùng nhau làm lồng đèn. Những miếng cật tre được pha nhỏ thành từng nan, sau đó cột thành sườn. Cuối cùng là dán giấy, làm tua rua. Loại lồng đèn dễ làm và phổ biến nhất là đèn ông sao, đèn bánh ú. Mà giấy dán phải là loại giấy gương màu thì khi thắp nến mới lung linh huyền ảo. Vậy nên, để có tiền mua loại giấy đắt tiền này nhiều đứa phải dành dụm tiền bán rau má, lá chuối, khoai lang… cả tháng mới đủ. Có đứa  khéo tay còn lấy vỏ hộp sữa bò, vỏ chai nhựa cắt làm lồng đèn đẩy chạy quanh xóm. Vui đáo để!

Hồi trước, không một đứa trẻ nào mà không biết làm lồng đèn bởi hằng tuần trên lớp học đều có giờ thủ công. Chúng được học vót đũa, đan quạt tre, thắt gióng, làm lồng đèn… Đến mùa Trung thu, nhà trường tổ chức lễ hội Trăng rằm. Học sinh nào có lồng đèn dự thi đẹp nhất sẽ được thưởng. Tất nhiên là phải tự làm. Đêm Trung thu, ngôi trường làng đơn sơ dưới tán cây phượng vĩ lấp lánh ánh sáng hắt ra từ những chiếc lồng đèn ảo diệu. Có đứa vừa mới thắp nến lên, gió thổi mạnh khiến lồng đèn chao đảo cháy phần phật. Thế là mếu máo khóc inh lên như vừa để vụt mất một giấc mơ lung linh…

Đêm Trung thu, trong khi ông bà bố mẹ bày cỗ, lũ trẻ háo hức rước đèn ngắm trăng, chơi các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, múa lân, hát các bài đồng dao. Chờ trăng lên đến ngang đỉnh đầu mới được phá cỗ. Ngày trước nghèo, cỗ chỉ là quả bưởi, nải chuối, chén chè, đĩa xôi. Nhà nào rủng rỉnh hơn thì làm bánh dẻo, bánh nướng. Quà bánh ngày xưa đơn giản mà ngon đến trong giấc ngủ vẫn còn thòm thèm. Thành phố lúc đó chưa nhiều đèn điện như bây giờ, nên mặt trăng dường như cũng sáng hơn và thanh trong hơn nhiều.

2. Trung thu bây giờ chẳng còn như ngày xưa nữa. Những chiếc đèn ông sao lùi dần vào quên lãng. Những đứa trẻ bây giờ cũng không còn nhã hứng ngồi vót tre làm lồng đèn nữa rồi. Thay vào đó là những phố lồng đèn, chợ lồng đèn bày bán ê hề trên khắp ngả đường từ phố thị đến thôn quê với những kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc lạ lẫm mà đa số chạy bằng pin và phát cả nhạc hiện đại.

Bánh Trung thu không chỉ đơn thuần là bánh dẻo, bánh nướng nhân đậu xanh, hạt sen mà cơ man một rừng hương vị như trà xanh, khoai môn, trứng muối, yến sào… với nhiều thương hiệu lớn nhỏ bán đầy ngoài cửa hàng lẫn trên mạng. Trẻ con ngày nay dường như bội thực với bánh Trung thu. Nhà trường phát quà bánh, cơ quan bố mẹ tặng bánh, tổ dân phố cũng phát... quà bánh. Đó là chưa kể đến số bạn bè, thân hữu gần xa của gia đình gửi bánh làm quà Trung thu cho các cháu. Có khi bánh Trung thu bây giờ không dành để trẻ con ăn mà là để người lớn biếu tặng nhau…

Bây giờ chắc không còn được mấy nhà háo hức chờ trăng lên để phá cỗ. Ở phố chật hẹp, đèn điện sáng choang không còn chỗ cho ánh trăng mơn man trên hàng cau xõa tóc. Đường sá đông đúc xe cộ, còn chỗ nào cho con nít rước đèn, hát đồng dao. Người dân phố thị phải chở con trẻ ra phố lồng đèn, đến công viên xem múa lân và chụp vài tấm ảnh đăng lên facebook chia sẻ với bạn bè. Thế là xong một mùa Trung thu. Trẻ con chẳng còn cảm giác trông ngóng, háo hức chờ đợi hay đếm ngược thời gian để đến Tết Trung thu nữa rồi.

Có thể cuộc sống thay đổi nên nhiều giá trị cũ phải đổi thay theo và niềm vui mỗi thời một khác. Có tiếc nuối bao nhiêu thì cũng không làm mọi thứ quay trở lại như thuở ban đầu. Có người còn nói: Ước trở lại làm chi cái thời nghèo khó ấy. Cái thời đốt nến thắp lồng đèn chảy sáp bỏng cả tay. Cái thời để dành tiền cả tháng trời mới đủ tiền mua giấy, mua sơn làm đầu lân, mua dầu hỏa thắp đuốc chạy long nhong múa lân khắp làng…

Đêm nay ngồi nghe tiếng trống ếch thùng thình vọng từ xóm nhỏ, tự nhiên thèm được tiếng lũ trẻ nghêu ngao hát như ngày xưa: Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…

Như Hạnh

 

;
;
.
.
.
.
.