Đạo đức kinh doanh trong cổ tích Việt

.

Người Việt xưa rất coi trọng đạo đức kinh doanh. Trong truyện cổ tích Việt thường lên án kiểu buôn gian bán lận lợi mình hại người. Một kiểu “gian lận thương mại” là lừa bán cho người khác cái không phải của mình.

Hình minh họa Truyện cổ tích Việt Nam Chiếc cân thủy ngân. Ảnh: Internet
Hình minh họa Truyện cổ tích Việt Nam Chiếc cân thủy ngân. Ảnh: Internet

Chẳng hạn truyện cổ tích Làm theo vợ dặn kể về một anh chàng ngốc nghếch đi buôn vịt: “Qua một thôi đường, anh nhìn thấy có một bầy vịt độ một chục con đang kiếm ăn trên mặt đầm. Không biết đó là vịt trời, anh quyết tâm đi tìm chủ của bầy vịt để hỏi mua. Gặp một đám trẻ chăn trâu đang chơi trên bờ đầm, anh ghé lại hỏi: - “Vịt của ai đó?”. Bọn chúng hỏi lại: - “Ông hỏi làm gì?” - “Ta muốn mua buôn”. Thấy có người hỏi trớ trêu, bọn chúng đáp liều: “Vịt ấy là của chúng tôi. Nếu ông mua được cả, chúng tôi bán rẻ, mỗi con năm tiền, mười con vị chi là năm quan”. Nghe chúng cho biết giá rẻ, Ngốc ta không ngần ngại gì nữa, ngồi xuống xỉa tiền ra trả. Biết là gặp phải anh ngốc, bọn chúng nhận lấy tiền, chia nhau, rồi bảo anh: - “Đó, bầy vịt bây giờ là của ông. Ông ngồi đây mà canh, đến chiều lại lùa chúng về”. Đoạn chúng mỗi đứa cưỡi trâu đi một ngả. Ngốc ta ngồi lại bờ đầm canh chừng vịt. Chưa quá trưa, anh định lội xuống nước để lùa vịt về thì bầy vịt nhác thấy bóng người, bay vụt lên trời một chốc mất biến…”(1).

Ở đây tác giả dân gian chủ yếu muốn chế giễu anh chàng ngốc nghếch đến mức không phân biệt được vịt nuôi với vịt trời, đồng thời cũng hàm ý lên án đám trẻ chăn trâu lợi dụng sự ngờ nghệch khờ khạo của người mua để lừa bán bầy vịt trời là cái không phải của mình.        

Thật ra hành vi “gian lận thương mại” của đám trẻ chăn trâu trong truyện cổ tích Làm theo vợ dặn cũng rất ngẫu nhiên, “trên trời rơi xuống”, khác hẳn kiểu “gian lận thương mại” có ý thức của những người buôn bán chuyên nghiệp như vợ chồng nhà buôn trong truyện cổ tích Cái cân thủy ngân. Truyện kể rằng: “Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình. Không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có, vì buôn bán lọc lừa”. Cũng may là vợ chồng nhà buôn này kịp dừng lại, “đem cái cân ra chẻ, khi chẻ ra thì thấy trong cái cân có đọng một cục máu đỏ”.

Không biết hồi đầu thế kỷ XX, khi chú mục nghiền ngẫm cuốn sách Vạn pháp tinh lý - bản dịch chữ Hán cuốn De l’esprit des lois/ Bàn về tinh thần của pháp luật Montesquieu viết từ năm 1748, đọc đến đoạn Montesquieu miêu tả rằng trong mỗi gia đình người dân của nước láng giềng phương bắc đều có hai cái cân - một cái để dùng khi mua và một cái khác để dùng khi bán, cụ Phan Châu Trinh có liên tưởng tới truyện cổ tích Cái cân thủy ngân của người Việt mình không? Tuy nhiên cũng có thể nói rằng vấn đề hai đầu cân/ hai cái cân mà người Việt xưa và triết gia người Pháp Montesquieu đặt ra đến nay vẫn đang còn nóng bỏng tính thời sự, khi mà báo chí thường xuyên đưa tin đại loại như: “Nhiều nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán mà phải trồng riêng để ăn. Bởi vì rau họ ăn thì không phun thuốc, còn rau đem bán thì có phun thuốc”(2)...

Một kiểu “gian lận thương mại” cũng khá phổ biến mà các tác giả dân gian lên án mạnh mẽ là kiểu đầu cơ tích trữ và cho vay nặng lãi của nhân vật chính trong truyện cổ tích Sự tích con Thạch Sùng: “Một hôm Thạch Sùng đi ăn xin về khuya. Dọc theo bờ sông Thạch Sùng trông thấy hai con trâu từ dưới nước lội lên và húc nhau chí tử. Đoán biết ấy là điềm trời sẽ mưa lụt to, nên từ đó có bao nhiêu tiền chôn, Thạch Sùng đào lên đong gạo tất cả. Quả nhiên, tháng Tám năm ấy trời làm một trận lụt kinh khủng, nước lênh láng khắp mọi miền: mùa màng, nhà cửa và súc vật đều trôi nổi. Nạn đói đe dọa khắp mọi nơi. Giá gạo từ một tăng lên gấp mười rồi dần dà tăng lên gấp trăm. Thế mà vẫn không ai có gạo để bán. Thạch Sùng chờ đến lúc dân tình cùng kiệt mới ném số gạo tích trữ của mình ra.

Có những nhà giàu phải đổi cho Thạch Sùng một thoi vàng mới được một đấu gạo. Từ khi có vốn, Thạch Sùng đem tiền cho vay một vốn năm bảy lớp lãi”. Khác với vợ chồng nhà buôn trong truyện Cái cân thủy ngân, Thạch Sùng không biết dừng. Và cái giá mà Thạch Sùng phải trả cho thói “gian lận thương mại” không có điểm dừng của anh ta là chết ngay sau khi thấy mình phút chốc tay trắng lại hoàn trắng tay, rồi hóa thành con thằn lằn - cũng gọi là con thạch sùng - thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng…

Mụ Lường trong truyện cổ tích cùng tên cũng phải trả giá cho kiểu kinh doanh thiếu đạo đức của mình theo cái cách hao hao như của Thạch Sùng: “mụ nhảy xuống biển tự tử, vì nghĩ rằng mình không kham được công việc nặng nhọc, Đức Phật cho mụ hóa thành cá he, người ta nói vì mụ xót của nên lúc nào cũng cứ ngoi lên lặn xuống mãi”. Thật ra thủ đoạn làm giàu bất chính của Mụ Lường là thiếu-đạo-đức-ngoài-kinh-doanh chứ không phải thiếu đạo đức kinh doanh như kiểu Thạch Sùng hoặc kiểu chủ nhân cái cân thủy ngân - có điều các nạn nhân bị Mụ Lường vu oan giá họa không phải là khách hàng/ người tiêu dùng mà là các thương nhân đồng nghiệp, cho nên phải chịu mức trừng phạt cao nhất là cái chết.

Tuy các tác giả dân gian có “phân biệt đối xử” giữa những doanh nhân thiếu đạo đức kinh doanh với những doanh nhân thiếu-đạo-đức-ngoài-kinh-doanh, nhưng cổ tích Việt có lúc vẫn tỏ ra “nặng tay” đối với một số doanh nhân thiếu-đạo-đức-ngoài-kinh-doanh, chẳng hạn cái chết vì sét đánh của Lý Thông và cả mẹ hắn trong truyện cổ tích Thạch Sanh: “vua sai bắt giam hai mẹ con Lý Thông lại giao cho Thạch Sanh xét xử, chàng rộng lượng tha cho chúng về quê nhà làm ăn, nhưng đi về được nửa đường thì chúng bị sét đánh chết”, hay cái chết vì hổ vồ của anh lái buôn hương trong truyện cổ tích Cô gái lấy chồng hoàng tử: “hắn vội xách bồ quý vào buồng đóng cửa lại, nhưng vừa mở mẹt thì con hổ từ trong đã nhảy ra, vồ hắn ăn thịt”… cũng rất thảm khốc - thậm chí so với cái chết của Thạch Sùng và Mụ Lường thì còn thảm khốc hơn nhiều.

Bùi Văn Tiếng

(1) Các đoạn trích liên quan truyện cổ tích trong bài đều dẫn từ nguồn của Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, NXB. Trẻ, 2012.

(2) Xem bài Nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán, Báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 11-7-2015.

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.