Cảm thông với thiệt thòi của người khuyết tật, chàng trai Đà Nẵng Lê Hoàng Anh cùng các cộng sự đã sáng tạo thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass giúp người khuyết tật có thể sử dụng máy vi tính bằng đầu, mắt và chống buồn ngủ cho các tài xế khi tham gia giao thông. Sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp Pitching Competition - SURF 2019 (Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng 2019).
Sản phẩm MultiGlass đa tính năng cho người khuyết tật và các tài xế lái xe. |
MultiGlass ra đời được xem là giải pháp cho người khuyết tật và giúp cánh tài xế đường dài nhận biết tình trạng cơ thể sắp rơi vào trạng thái buồn ngủ để kịp thời có phương án lái xe an toàn hơn. Chia sẻ về ý tưởng, Lê Hoàng Anh, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cho biết: “Một lần khi tham gia tình nguyện tại Hội Người khuyết tật ở thành phố Đà Nẵng, tôi nhận ra rằng những người khuyết tật vận động phải đối mặt với một số hạn chế lớn, nhất là cơ hội học tập, cơ hội việc làm, thậm chí là cơ hội phát triển bản thân. Vào thời điểm đó, máy tính và Internet có thể giúp họ đáng kể nên tôi đã nghĩ ra ý tưởng sáng tạo một sản phẩm giúp người khuyết tật có thể sử dụng máy tính dễ dàng hơn”.
Sau thời gian tìm tòi, từ tháng 3-2016, Hoàng Anh bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế sản phẩm. Suốt 4 tháng miệt mài, các mẫu thử cho khách hàng được tung ra thị trường để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Hơn 2 năm để hoàn thiện các chi tiết, đến tháng 10-2018, sản phẩm bắt đầu triển khai bán ra thị trường Việt Nam. Hoàng Anh cho biết, thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass bao gồm 3 dòng sản phẩm dựa trên 3 nền tảng công nghệ chính. Đó là công nghệ nhận diện mống mắt, công nghệ IoT và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, sản phẩm MultiGlass có 2 phân khúc khách hàng khác nhau.
Đó là phân khúc khách hàng của sản phẩm 1 và 2 là người khuyết tật. Với sản phẩm 1, người dùng có thể điều khiển máy tính bằng cử chỉ của mắt và đầu. Sản phẩm 2, người dùng có thể điều khiển các thiết bị trong nhà nhờ kết nối IoT. Sản phẩm 3 là dòng mới nhất, hướng đến nhiều đối tượng bao gồm các tài xế. Sản phẩm này có tính năng phân tích con mắt tài xế nếu có dấu hiệu buồn ngủ sẽ tự động gửi cảnh báo trước 15 phút để giúp doanh nghiệp vận tải giám sát hoạt động của tài xế, cảnh báo khả năng buồn ngủ cho tài xế để giảm thiểu các tình huống tai nạn giao thông đáng tiếc.
Theo Hoàng Anh, với các tính năng trên, hiện giá thành sản phẩm MultiGlass ở thị trường Việt Nam là 35 USD và quốc tế là 50 USD. Sản phẩm đang được phân phối ở thị trường trong nước. Trong 3 năm qua, công ty đã bán ra thị trường hơn 50.000 sản phẩm, tương đương với chừng đó người được tiếp cận thiết bị hỗ trợ này.
Lê Hoàng Anh – CEO Multi Việt Nam nhận giải nhất cuộc thi Pitching Competition - SURF 2019 với ý tưởng sản phẩm MultiGlass |
Để hoàn thiện sản phẩm, ít ai biết Hoàng Anh và các cộng sự đã phải trải qua quãng thời gian hết sức khó khăn. “Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi và các cộng sự rất vất vả vì thiếu vốn, thiếu người tư vấn, hỗ trợ công nghệ cũng như định hướng kinh doanh cho sản phẩm khởi nghiệp. Mọi thứ tôi cùng các bạn đều phải tự mày mò nghiên cứu, nhiều khi cũng có cảm giác hụt hơi nhưng vì đam mê muốn làm ra sản phẩm tốt có thể phục vụ lợi ích của cộng đồng nên cả nhóm vẫn kiên trì phát triển sản phẩm bằng chính những nỗ lực tự thân”, Hoàng Anh cho biết.
Không dừng lại ở đó, Hoàng Anh và các cộng sự liên tục hoàn chỉnh các tính năng và hướng đến một thị trường rộng lớn hơn nhằm đem đến cơ hội cho nhiều người tiếp cận. Hiện sản phẩm trong quá trình đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ, Anh, EU để có thể triển khai ra thị trường nước ngoài vào năm 2020. “Công ty Multi Việt Nam do tôi làm CEO đang nghiên cứu để nâng cấp thêm tính năng quản lý các dữ liệu mống mắt của người dùng ứng dụng thêm công nghệ Blockchain, Big Data… và đẩy những dữ liệu này lên máy chủ để các bệnh viện chuyên khoa mắt có tư liệu sử dụng chữa các bệnh liên quan đến mắt”, Hoàng Anh nói.
Thiết bị Multi Glass được cấp 2 bằng sáng chế được áp dụng trong nước; được UNDP Việt Nam (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) mời trình bày trước Hội nghị Asean - Trung Quốc – UNDP, tổ chức tại Hà Nội lần 4 dưới sự tham gia của UNDP châu Á, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội. Thiết bị này còn đoạt giải nhất tại sự kiện khởi nghiệp Surf 2019 tổ chức ở Đà Nẵng; giải nhất cuộc thi “Nhà khởi nghiệp của năm 2018 - 2019” do Tập đoàn Total tổ chức; đại diện Việt Nam thi vòng loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (đoạt hạng nhì); giải nhì Khởi nghiệp Quốc gia 2017, được công bố trong “Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016”. |
Thiên Lam