* Cửu đỉnh ở cố đô Huế được hình thành như thế nào? Vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng có những hình ảnh nào được khắc trên Cửu đỉnh? (Trần Hiếu, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Cửu đỉnh (9 đỉnh) được vua cho đúc vào năm Minh Mạng mười sáu (Ất Mùi, 1835), được đặt một hàng ngang ở trước Hiển Lâm Các, ứng với án thờ của các vua Nhà Nguyễn trong Thế Miếu. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn, lần lượt là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.
Nhìn chung, tuy cả 9 chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau nhưng mỗi đỉnh cũng có nét riêng, thể hiện ở kiểu dáng quai, vành miệng, vai, chân và đáy. Mỗi đỉnh được chạm khắc 17 họa tiết và 1 họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí… Các bức chạm này tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời Nhà Nguyễn.
Trang kienthuc.net.vn (Báo điện tử Kiến Thức - Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) có giới thiệu chùm ảnh Giải mã trọn bộ các hình tượng trên Cửu đỉnh Nhà Nguyễn, trong đó có các hình ảnh của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trên Nhân đỉnh có hình tượng “Nam trân” (trái quý ở phương Nam) là cây bòng bong (cũng gọi lòn bon, loòng boong), loài cây cho quả từng trở thành nguồn thực phẩm cứu sống chúa Nguyễn Ánh khi phải ẩn náu trong rừng để tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn. Tương truyền, có lần bị quân Tây Sơn đuổi, Nguyễn Ánh ẩn náu ở nguồn sông Vu Gia, nhờ ăn quả này mà sống. Khi lên ngôi vua, Gia Long - Nguyễn Ánh đã đặt tên cho cây trái này là “phụng quân mộc” (cây gặp vua). Có lẽ vì thế mà vua Minh Mạng cho khắc cây bòng bong vào Nhân đỉnh.
Trên Dụ đỉnh có hình tượng “Hải Vân quan” (cửa ải Hải Vân), một cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam, có từ thời Lê, được củng cố và mở rộng dưới thời vua Minh Mạng, ở giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.
Cũng trên Dụ đỉnh, có “Vĩnh Điện hà” (sông Vĩnh Điện), con sông đào, nối từ sông Thu Bồn ở xã Điện Minh đến phường Vĩnh Điện, qua các xã thuộc thị xã Điện Bàn rồi chảy ra địa phận các huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ của thành phố Đà Nẵng rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ để tạo thành sông Hàn.
“Đà Nẵng hải khẩu” (cửa biển Đà Nẵng), chính là cửa Hàn, cửa biển có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có một số sản vật khác của xứ Quảng được khắc trên Cửu đỉnh như: “Quế” (cây quế), “Tang” (cây dâu tằm)...
ĐNCT