Một cách nghĩ mới về 'bản sắc văn hóa' (*)

.

Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế và Trường Đại học Ngoại ngữ Huế vừa hợp tác xuất bản tác phẩm mới của François Jullien mang tựa đề có tính “thách thức”: Không có bản sắc văn hóa.

 

Quả vậy, vì trong khi thiên hạ hô hào giữ “bản sắc văn hóa” thì vị triết gia Pháp nổi tiếng này dám bảo không có bản sắc văn hóa! Sách của François Jullien hầu hết đều đặt vấn đề “trái khoáy” như vậy. Đến nay, ít ra đã có 15 công trình của ông đã được các dịch giả uy tín chuyển ngữ sang tiếng Việt, nhưng đọc cuốn sách vừa xuất bản của ông vẫn thấy… mới lạ, thậm chí muốn… cãi lại! Tuy vậy, nếu chịu khó đọc và suy ngẫm - nhất là đừng lệ thuộc vào định kiến hay nếp tư duy đã quen, thì sẽ thấy sự “hợp lý” trong vấn đề ông nêu ra, nghe qua như là “phi lý”.

Cần lưu ý tác giả không nói đến văn hóa nói chung, ông cũng không xem nhẹ văn hóa, mà chỉ bàn đến khái niệm “bản sắc” đang bị nhiều người ngộ nhận, khi gắn với từ văn hóa dễ dẫn đến những cách ứng xử có hại cho chính văn hóa.  

Bàn về công trình mới này, giáo sư Lê Hữu Khóa (Đại học Lille, Cộng hòa Pháp) trong bài Bản sắc đọng, văn hóa động của François Jullien viết: “Tác phẩm Không có bản sắc văn hóa tách cụm từ bản sắc ra khỏi văn hóa, xem đây là một thuật ngữ đáng nghi ngờ, vì nó sai trật ngay trong cách xây dựng ngữ pháp, nó càng sai trái qua các kết quả nghiên cứu, điều tra, điền dã về bản sắc và văn hóa… Bản sắc là những dấu ấn đã thành dấu chàm… bất biến… nó sống như một hằng số… Bản sắc đọng như ao nhà, ao làng, nó tồn tại với năm tháng, nhưng đừng mong vào nó để khai phá, khai sáng… thăng hoa… Văn hóa thì ngược lại, luôn động… luôn mở cửa để đón nhận các văn hóa khác…”.    

Triển khai và làm sáng rõ vấn đề trên, François Jullien viết: “Tôi cho rằng một cuộc tranh luận về “bản sắc” của văn hóa là tranh luận sai lầm về nguyên tắc. Vì thế tôi đề nghị một sự chuyển dịch về khái niệm. Trong sự tiếp cận sự đa dạng của các nền văn hóa, thay vì dùng từ “khác biệt”, ta dùng “khoảng cách”, thay vì “bản sắc”, ta dùng “nguồn nuôi dưỡng” hay “sự phong phú”…”.

Tác giả nói rõ “đây không phải là một việc tinh luyện ngữ nghĩa” và giải thích sự khác nhau giữa hai khái niệm “khác biệt” và “khoảng cách” về phương diện nhận thức. Theo ông, “cái khác biệt” có tính phân loại” và “khi sự so sánh đã xong, hai vế được so sánh mỗi vế đi về một ngả, co lại trong đặc thù của mình”; trong khi đó, “khoảng cách” gợi lên một hình ảnh không phải để nhận dạng mà để khám phá thăm dò… mỗi vế vẫn đối mặt với vế kia, luôn mở rộng vươn về vế kia”. Và từ đó “… xem xét văn hóa dưới góc nhìn khác biệt sẽ dẫn ta đến mong muốn cô lập từng nền văn hóa và gán cho nó một bản sắc…”. Ngược lại, trong “khoảng cách”, hai vế được phân tách, cái này tựa vào cái kia, một cách tựa sôi nổi, không ngừng ganh đua với nhau, khám phá lẫn nhau, vừa thăm dò vừa soi mình vào nhau. Mỗi vế nhờ vế kia mà tự biết mình nên không thể co lại trong cái gọi là bản sắc của mình…”.

Từ quan niệm trên, tác giả đưa ra một khái niệm mới khá thú vị: Đó là “cái giữa” rất sinh động mà ông cho rằng “chúng ta không biết tư duy “cái giữa”… Nói một cách chính xác thì “cái giữa” không tồn tại, nhưng nó tạo ra suy ngẫm, vì hai vế tách rời nhau nhưng không ngừng tham vấn nhau qua “cái giữa” mở rộng thênh thang… Đó chẳng phải là điều mà các mối quan hệ văn hóa có thể tận dụng thay vì co cụm lại sau những “khác biệt”?

Cùng với “cái giữa” sinh động, tác giả nêu khái niệm “nguồn nuôi dưỡng”: “Một bản sắc đặc thù thì được định nghĩa, còn các nguồn nuôi dưỡng thì được liệt kê… Đặc tính của các nguồn nuôi dưỡng văn hóa là khả năng thúc đẩy phát triển...”.

Những khái niệm được tác giả lý giải “nghe qua thì thật là hay”, nhưng chúng ta thử vận dụng vào trường hợp cụ thể là “bản sắc văn hóa” Việt Nam xem sao. Nếu đặt câu hỏi “Có bản sắc văn hóa Việt Nam không?” thì sẽ có 3 lời đáp: 1-Có; 2-Không; 3-Đương nhiên có. Nếu nói “đương nhiên có” là hàm ý tự hào. Điều này thì quá rõ, nhưng chính trạng thái tâm lý này rất dễ dẫn đến hệ quả xấu là “co lại trong cái gọi là bản sắc của mình” chứ không muốn “mở rộng… thăm dò khám phá” các nền văn hóa khác như François Jullien đã viết. Mặt khác, những người khẳng định “có bản sắc văn hóa Việt Nam”, nhưng nếu hỏi “bản sắc văn hóa Việt Nam là gì?” thì có lẽ đến… hết thế kỷ định nghĩa không ra, hoặc không được đa số đồng ý.

Xem ra François Jullien nói đúng, khi ông thay việc hô hào giữ “bản sắc” là cái không dễ “điểm danh” (hoặc không cố định) bằng việc bồi đắp “nguồn nuôi dưỡng văn hóa”. Như vậy, thay vì bàn cãi “bản sắc” là gì, chúng ta cùng nhau “liệt kê” những gì là “nguồn nuôi dưỡng” văn hóa Việt Nam có lẽ sẽ có ích hơn. Ví như nếu chúng ta cho rằng đó là làng quê với nếp sống gia tộc của nông thôn Việt thì hệ quả sẽ là việc phải có biện pháp bảo vệ để vốn quý ấy không bị tàn phá trong tiến trình hiện đại hóa đất nước. Với Đà Nẵng, nếu cho “nguồn nuôi dưỡng” văn hóa là một vùng đất mở cửa ra thế giới và hội nhập dân cư từ nhiều vùng đất thì sẽ cần nghiên cứu những chính sách để phát triển mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực các “nguồn nuôi dưỡng” ấy…

Một điều cũng nên nói thêm là mặc dù François Jullien khẳng định không có bản sắc văn hóa, song ông lại rất coi trọng các “nguồn nuôi dưỡng” văn hóa và lo ngại chúng đang bị đe dọa. Do đó, ông chống “chủ nghĩa cộng đồng”, dễ thấy hơn cả là “sự đồng đều hóa thương mại toàn cầu làm nghèo các nền văn hóa… Cần nhớ lại rằng, cái chung không phải là cái giống nhau và điều đó về phương diện chính trị được diễn đạt bằng phát biểu: hội nhập không phải là đồng hóa…”.

Như thế, chúng ta thấy những cách đặt vấn đề của tác giả quả là rất đáng để suy ngẫm và trao đổi, để văn hóa thực sự là một động lực phát triển xã hội và giúp nâng cao đời sống tinh thần của con người.

Nguyễn Khắc Phê

(*) Đọc Không có bản sắc văn hóa của François Jullien, Trương Quang Đệ dịch - NXB Đại học Huế 2019.

 

;
;
.
.
.
.
.