Chuyện ngày xưa ở Hollywood: Lá thư chân thành gửi tới khán giả

.

Hôm 6-1, bộ phim Once Upon a Time in Hollywood (tạm dịch: Chuyện ngày xưa ở Hollywood) của đạo diễn Quentin Tarantino đã giành được 3 giải quan trọng tại lễ trao giải thưởng Quả cầu Vàng lần thứ 77 ở Beverly Hills, bang California, Mỹ. Bộ phim được xem là lá thư chân thành và đặc sắc của đạo diễn gửi tới khán giả nhằm chia sẻ tình yêu của ông với điện ảnh ở buổi giao thời giữa làn sóng cũ và mới.

Một cảnh trong phim Once Upon a Time in Hollywood. Ảnh: SONY
Một cảnh trong phim Once Upon a Time in Hollywood. Ảnh: SONY

Được đánh giá nổi trội hơn hẳn so với các đối thủ khác như Knives Out, Rocketman..., bộ phim như một ly cocktail pha trộn các sự kiện có thật và hư cấu, mang đậm phong cách hài hước, đan xen bạo lực điển hình của Tarantino. Bộ phim đã mang về 3 giải thưởng tại 3 hạng mục trong tổng số 5 đề cử mà tác phẩm này nhận được, gồm “Phim hài kịch/âm nhạc hay nhất”, “Kịch bản xuất sắc nhất” và giải “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất”.

Chuyện ngày xưa ở Hollywood lấy bối cảnh Los Angeles năm 1969 với hai nhân vật chính là Rick Dalton - cựu ngôi sao của một bộ phim truyền hình Viễn Tây - và người đóng thế lâu năm cho anh là Cliff Booth. Khi những thứ mới mẻ ập đến và thay thế những kẻ hết thời như Rick và Cliff, họ buộc phải đấu tranh để có thể tồn tại và xây dựng lại sự nghiệp. Cuối cùng, cả hai đành phải nhờ tới cô hàng xóm xinh đẹp là nữ minh tinh Sharon Tate.

Có thể nhận thấy, vào thập niên 1950 và đầu những năm 1960, điện ảnh và truyền hình Mỹ vẫn là thế giới của những ngôi sao Hollywood “kiểu cũ”. Đó là các diễn viên có vẻ đẹp cổ điển rất sáng màn hình, phù hợp với kiểu vai diễn người hùng màn bạc, nhưng thường có khả năng diễn xuất hạn hẹp và luôn xuất hiện “trăm vai như một” từ tác phẩm này qua tác phẩm khác.

Một ngôi sao tiêu biểu như thế của Hollywood là Rick Dalton (Leonardo DiCaprio). Tuy trùng họ với một băng cướp khét tiếng đầu thế kỷ XX tại Mỹ, nhưng Rick khiến người xem từ trẻ đến già phải mê đắm với hình ảnh tay súng chuyên săn tội phạm bị truy nã để lĩnh thưởng trong series truyền hình Bounty Law. Những năm tháng danh vọng ấy không chỉ giúp Rick có đủ tiền sở hữu dinh thự rộng lớn trên ngọn đồi nhà giàu nhìn xuống Los Angeles, mà còn đưa anh đến với người bạn, người cộng sự thân thiết Cliff Booth (Brad Pitt) - chàng cựu binh với quá khứ bí hiểm luôn sẵn sàng “hứng đạn” cho Rick trên phim trường trong vai trò đóng thế, và cả ngoài đời. Chìm ngập trong khói thuốc và ánh hào quang tưởng chừng không bao giờ tắt, có lẽ Rick không nhận ra rằng xã hội đã ngày một đổi thay, và Hollywood cũng không nằm ngoài vòng quay đó.

Trung thành với phong cách “thập cẩm” kể từ những tác phẩm thời kỳ đầu như Pulp Fiction (1994) hay Kill Bill (2003-2004), Tarantino lồng vào bộ phim mới rất nhiều cách thể hiện, rất nhiều chi tiết gợi nhớ đến những dòng phim trong quá khứ. Đó là hình ảnh những chàng cao bồi “kiểu cũ” trong các phim của John Ford, đó là những câu thoại và bộ phim “giả tưởng” nhắc nhớ đến bộ ba phim cao bồi kiểu Ý của Sergio Leone, đó là những thước phim và thậm chí là bóng dáng của các ngôi sao tóc ngắn “kiểu Kim Novak” làm khán giả nghĩ ngay đến dòng phim kinh dị - giật gân của Alfred Hitchcock và Roman Polanski. Và tất nhiên không thể không kể tới hình ảnh đã đi vào huyền thoại của Lý Tiểu Long cùng chuỗi tác phẩm võ thuật làm cả Hollywood mê đắm.

Điểm tạo nên sự khác biệt cho phong cách làm phim của Tarantino là chứa đựng phần thoại cực kỳ xuất sắc, với những cuộc đối thoại dí dỏm, lý thú nếu đặt trong bối cảnh riêng; đồng thời mang tính dẫn dắt, ẩn dụ, kết nối các phân đoạn, các nhân vật tưởng chừng chẳng hề liên quan. Chính những câu thoại “vô thưởng vô phạt” nhưng hết sức ý nhị đó, Tarantino đã minh họa được một Hollywood nói riêng và xã hội nước Mỹ nói chung trong những năm tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, xung đột tiềm ẩn bởi tệ nạn phân biệt chủng tộc. Qua đó, Quentin Tarantino còn ngầm chỉ trích, châm biếm những mặt trái của Hollywood như vết nhơ lạm dụng tình dục trẻ em của chính Roman Polanski, sự gian dối của những ngôi sao sẵn sàng quảng cáo thuốc lá dù biết thứ sản phẩm độc hại đang hủy hoại sức khỏe chính họ, và thậm chí là hành xử có phần hợm hĩnh trên phim trường của các tên tuổi lớn. Tuy chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng khó ai có thể phủ nhận rằng bộ phim là lá thư chân thành và đặc sắc của Quentin Tarantino gửi tới khán giả nhằm chia sẻ tình yêu của ông với điện ảnh nói chung và với Hollywood ở buổi giao thời giữa làn sóng cũ và làn sóng mới nói riêng.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)
 

;
;
.
.
.
.
.