Đầu hồi có một cây chanh

.

Lâu lắm tôi mới nhìn thấy một cây chanh trĩu cành toàn quả chín. Cây chanh nằm ở đầu hồi căn nhà, sát với gian bếp. Từ đấy nhìn xuống thấy cả một thung lũng chạy dài dưới chân núi, với những thửa ruộng bậc thang thoai thoải, và một con suối cạn, trơ ra những viên đá lớn. Đây là khu ruộng bậc thang đã được xếp hạng di tích quốc gia, nằm trong diện được bảo tồn.

 Ảnh: Đ.B.T
Ảnh: Đ.B.T

Tôi dậy sớm và đi ra khỏi căn phòng mà từ đó nhìn thẳng xuống những thửa ruộng đang ngủ. Cánh đồng buồn tẻ, yên tĩnh, thấm đẫm cô đơn, đặc biệt là trong tiết trời lạnh giá, mưa phùn, sương mù. Những lối đi quanh co, nhỏ hẹp, lên dốc, rồi xuống dốc. Tất cả các cửa hàng, tiệm cà-phê, quán ăn… đều chưa mở cửa. Vài ngọn khói đang bay lên lơ lửng trên những nếp nhà. Ở thành phố bao lâu thì người ta sẽ không thể nhìn thấy khói bay lên từ những căn bếp bấy lâu.

Trong khói có mùi của lạc cháy. Có lẽ nhà nào đó dùng vỏ lạc để nhóm bếp, trong đó còn sót lại vài hạt lép. Tôi nhớ ngày xưa, mùa đông thế này, cũng hay ngồi bên bếp và bóc lạc giúp mẹ. Bóc lạc bằng tay rất đau, vì thế bọn tôi thường dùng cái cặp bếp làm từ tre, bóp cho củ lạc vỡ ra, bỏ tất cả vào trong một cái mẹt. Sau cùng sẽ lắc cái mẹt cả vỏ lẫn hạt ấy để lọc riêng vỏ ra. Vỏ lạc bỏ vào trong thúng, dành ủ bếp, nhóm bếp. Đôi khi lẫn một vài hạt, nó cháy khi bén lửa.

Và đầu hồi căn bếp có mùi lạc cháy ấy là cây chanh. Nó đứng ở kia, sát vách đất, và chìa phần lớn cành lá ra ngoài không trung. Bởi vì căn nhà ở trên cao, ngay bên trên mép của một ta-luy nhỏ, dưới đấy là ruộng lúa. Cây chanh nằm chơ vơ, quả vàng óng, hứng những ngọn khói phà phà bay ra.

Nhà tôi cũng có một cây chanh mà năm nào quả cũng chín vàng, trĩu cành. Cuối mùa, mẹ tôi hay hái xuống hầu như hết. Vì mùa hè không có chanh, nên bà vắt nước cốt chanh vào một cái xoong, và chưng lên cho đặc. Để cho nó khỏi hỏng thì bà cho vào đấy vài viên thuốc tây, tôi không nhớ là thuốc gì. Nhưng nó hơi đắng, và đặc biệt nó giữ cho cốt chanh đến tận mùa sau cũng không hỏng.

Tôi thích khái niệm mùa trong tự nhiên. Bây giờ không quả gì có mùa nữa. Tức là mùa nào cũng có đủ bằng ấy thứ quả. Công nghệ khiến người ta lai tạo được hết. Quanh năm ngày tháng lúc nào cũng có thể ăn bưởi, ăn cam, ăn mít, ăn na… Và thế là khái niệm mùa biến mất.

Tôi đã từng đọc ở đâu đó một bài viết đầy tính triết lý và cũng không kém phần hài hước, đấy là, giữa người và gà, chưa chắc đã phải người thuần hóa con gà từ trong tự nhiên trở thành vật nuôi, phục vụ đời sống, mà thực chất là ngược lại. Người đưa gà vào trang trại, nuôi nấng chăm bẵm nó, cung cấp thức ăn nước uống, máy sưởi vào mùa đông, quạt mát vào mùa hè, tiêm phòng các loại thuốc chống bệnh tật, và cho ăn đủ những thứ dinh dưỡng để con nào cũng béo tốt mượt mà. Rốt cuộc, tác giả bài viết kết luận, thực ra thì chính con gà đã buộc con người phải điều chỉnh mình để phục vụ nó.

Chúng ta cứ tưởng công nghệ đại diện cho trí tuệ siêu đẳng của loài người đã thay đổi thế giới, nhưng thực tế thì con người đã can thiệp một cách thô bạo và quyết liệt, làm thay đổi vô số những quy luật sinh tồn của tự nhiên. Giờ muốn mua chanh lúc nào cũng có, vô số, quanh năm, nhưng để mua một quả chanh chín vàng, thơm nức, căng mọng thế kia, thực sự không cách nào kiếm được. Chưa kể cái mùi thơm quyến rũ đã biến mất khỏi những quả chanh căng mọng xanh biếc trong siêu thị.

Chanh ra hoa vào mùa xuân. Mùa của hầu như tất cả các loài cây ăn quả mà chúng tôi có trong vườn. Cây chanh nằm ở góc vườn, cạnh bụi chuối, và vươn cành ra bờ suối. Những bông hoa li ti, tím nhạt ở cuống hoa, và trắng ở đầu cánh. Thơm hăng hắc. Những cành mốc meo, đầy gai. Những lá già đã rụng gần hết và lá xanh non li ti đang thay chỗ. Nó cứ đứng yên ở đấy, không đòi hỏi, cứ mùa xuân đến, mưa lây phây rơi, là ra hoa, đậu quả. Và phải đến tận mùa thu thì quả mới to đủ để vắt được nước. Tức là suốt nhiều tháng liền không có chanh để ăn.

Cam cũng thế, bưởi cũng vậy. Người ta cứ trồng, cứ chăm, và năm này qua năm khác đều trải qua những ngày tháng chờ đợi, trông ngóng đến mùa quả già, quả chín. Và cứ chờ đợi mãi nên cuối cùng quả nào cũng thật là ngon, và luôn đầy ắp niềm vui rộn ràng của dâng hiến.

Nhà tôi hay thu hái tất cả quả trên cây vào trước Tết. Có năm cam ế, không bán kịp, cả nhà xúm vào lấy vôi bôi vào cuống từng quả cam, và xếp vào trong căn hầm sau nhà. Căn hầm ấy bố tôi đào từ thời chiến tranh biên giới. Khoét vào trong vách núi, sâu chừng 4-5m, lúc nào cũng mát lạnh. Thỉnh thoảng tôi và mấy đứa bạn vẫn đốt đuốc chui vào xem xét ngó nghiêng. Xếp cam vào trong hầm, cất ở đấy, ra Giêng bán nốt. Tất nhiên, ra Giêng bán thì thiệt lắm, vì cam héo, nhẹ đi, giá cũng rẻ. Nhưng vẫn phải cắt.

Bố tôi nói, cây cũng như người. Một bà mẹ không thể vừa cho con bú lại vừa mang bầu. Nếu cố làm như thế, thì hoặc là em bé sẽ không đủ dinh dưỡng khi chào đời, hoặc là cả hai anh em, chị em sẽ đều còi cọc.

Phải thu hái bằng hết, rồi làm cỏ, bón phân ngay khi mùa xuân đến, bổ sung dinh dưỡng cho cây ra hoa, đậu quả trong mùa mới. Nhưng đôi khi nhà tôi bỏ quên cây chanh. Nó nằm khiêm nhường ở đấy, chẳng bao giờ lên tiếng, và nhẫn nhịn giữ hết những quả chín vàng ở trên cành, trong khi vẫn trổ hoa khi mùa xuân đến. Rồi có khi đến tận mùa sau, một vài quả vàng trên cành vẫn còn, lủng lẳng lẫn với những quả xanh biếc. Ở đời, thường những người hiền lành hay chịu thiệt. Phần vì bị người ta vô tâm hoặc quá bận rộn mà bỏ qua, phần vì chính cái người ấy không muốn đòi hỏi. Thế nào cũng chịu được, vui buồn gì cũng không lên tiếng.

Bây giờ đã là mùa xuân rồi. Tôi hình dung ra mẹ ngồi bên hiên bếp, với một cái rổ đựng đầy chanh chín vàng, một cái xoong, trên xoong đặt cái rá tre. Mẹ cắt chanh, vắt vào bát con, rồi đổ vào rá để lọc riêng hạt ra. Mùi chanh thơm lừng khắp cả căn bếp. Tôi nhặt một miếng chanh đã vắt, bóc những cái múi lép kẹp ấy ra, ăn cùng một hạt muối. Múi chanh đã vắt kiệt, chỉ còn rất ít chua, và nguyên vẹn mùi của thiên nhiên…

Từ trong căn bếp tỏa khói kia có tiếng trẻ con. Một em bé chắc vừa chui ra từ trong chăn ấm, còn đang dụi mắt, và lò dò đi vào bếp, ngồi phịch xuống chiếc ghế con. Mẹ em đang xào nấu gì đấy cho bữa sáng của những ngày xuân đầu tiên yên tĩnh.

Đỗ Bích Thúy

;
;
.
.
.
.
.