Trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em nhấn mạnh một nội dung rất quan trọng: “Trẻ em phải có quyền tự do bày tỏ ý kiến”, và “Các quốc gia phải bảo đảm cho các em có đủ khả năng hình thành các quan điểm riêng của mình và có quyền bày tỏ những quan điểm đó”. Hiểu theo một cách tương tự, ở Việt Nam, đây có thể coi là một yêu cầu của việc thực hành dân chủ đối với trẻ em trong toàn bộ hệ thống quan điểm về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai thực hiện.
Một khi trẻ em được lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thân thể và tinh thần, các em sẽ phát huy được năng lực của bản thân và tự tin khẳng định mình. Ảnh: MAI ANH |
Trẻ em là một thực thể xã hội. Từ xa xưa, các cụ ta đã rút ra một trật tự nghịch nhưng rất biện chứng trong mỗi đơn vị gia đình, rằng: Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu trong nhà rồi mới sinh ông. Như vậy, cái thực thể nhỏ bé này đã góp phần làm vững chắc các rường mối quan hệ gia đình, từ đó ra toàn xã hội. Tư tưởng phong kiến đã định ra các lề luật và thói quen tâm lý coi thường trẻ em, cho là “trẻ người non dạ”, và chỉ được quyền nhận những lời dạy bảo. Chúng ta không phủ nhận vai trò quan trọng của lời chỉ bảo, răn dạy hằng ngày của người lớn đối với các em; tuy nhiên cũng không phải vì thế mà đi tới chỗ áp đặt, đánh giá các em theo quan điểm và cách nhìn của người lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng nhất trong việc thực hiện quyền bình đẳng với trẻ em, coi trọng quyền trẻ em trong xã hội. Khi nước nhà mới giành độc lập, trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên vào tháng 9-1945, Bác Hồ đã từng nhận mình là “người anh lớn” của các em, coi các em là một “tiểu quốc dân” bình đẳng trong một đất nước tự do, và nhắc nhở ân cần: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang”. Một lần khác, trong thư trả lời các cháu nhi đồng cứu quốc ở Quảng Ninh và Hải Phòng, Bác dặn các em: “Lâu lâu các cháu nhớ viết thư cho tôi. Viết thư thì các cháu tự viết, nghĩ sao viết vậy, chớ mượn người khác viết”.
Lời dặn ấy có lẽ không chỉ dành cho các em, mà cả cho người lớn chúng ta, nhất là cho những ai muối nói thay, viết thay, nghĩ thay cho trí tưởng tượng non nớt và tư duy hồn nhiên thuần phác của các em.
Thực hiện “quyền được tự do bày tỏ ý kiến” của các em và “bảo đảm cho các em có đủ khả năng hình thành các quan điểm riêng của mình” chính là biểu hiện cao cả của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc và triệt để nhất; không chỉ bày tỏ lòng thương chung chung mà điều quan trọng là tạo mọi điều kiện để trẻ em có thể phát huy năng-lực-người của mình, có quyền nói lên cảm xúc, nguyện vọng của mình, có quyền tham gia các hoạt động xã hội theo khả năng và lứa tuổi của các em.
Lâu nay, như một tình cảm tự nhiên ngàn đời - nhiều bậc phụ huynh chú trọng và làm tốt nhiệm vụ chăm sóc về thể chất của các em, bảo vệ các em theo nghĩa là chở che, đùm bọc. Tuy nhiên, việc bảo vệ các em trên phương diện pháp lý còn nhiều điều đáng nói. Trong phạm vi gia đình, vẫn còn tình trạng các em chưa được tôn trọng đầy đủ tiếng nói của mình; cá biệt ở một số gia đình, các em còn bị chửi mắng, đánh đập vô cớ mà không được quyền giãi bày. Trên phạm vi xã hội, lại càng có nhiều điều nhức nhối. Vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị đối xử thiếu công bằng diễn ra khá phổ biến qua những số liệu thống kê theo từng năm.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực lớn trong việc đề ra các chủ trương, chính sách nhằm thi hành triệt để các công ước quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam về quyền trẻ em. Các cấp lãnh đạo và các bậc phụ huynh đã nhận thức rõ hơn tính pháp lý, tính luật trong công việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bộ máy các cơ quan chuyên trách về trẻ em đã được củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến tận cơ sở (mặc dù trong mấy năm gần đây, quy mô của cơ quan chuyên trách về bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã thu gọn). Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế đặt ra nhằm làm tốt hơn mục tiêu thực hiện dân chủ với trẻ em, dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất trong xã hội.
Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào cấp ủy quan tâm, có biện pháp chỉ đạo cụ thể, thì các em được quyền nói lên tiếng nói của mình, và từ đó các bậc phụ huynh sẽ có những biện pháp điều chỉnh hành vi đối với các em. Ở những nơi đó, dư luận xã hội lên án gay gắt đối với những thái độ áp đặt, hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em, từ đó tạo ra sự bảo đảm an toàn về thân thể, sức khỏe và tâm lý, tinh thần cho các em. Ngược lại, ở những nơi sự lãnh đạo này bị buông lơi thì hậu quả xảy ra hết sức nặng nề, không chỉ với các em mà còn cả với người lớn, và có lúc, có nơi, trở thành những vấn đề bức xúc trong cộng đồng.
Một khi trẻ em được gợi mở, được phát huy dân chủ về tinh thần, trí tuệ thì rõ ràng các em không còn là những đứa trẻ thụ động, sợ sệt nữa. Bài học rút ra từ những diễn đàn của các em được tổ chức trong những thập kỷ gần đây, ở tầm thế giới, tầm quốc gia cũng như một vài diễn đàn từng được thực hiện ở thành phố Đà Nẵng đạt hiệu quả tích cực đã cho thấy rõ điều đó. Chúng ta hoàn toàn không muốn trẻ em như những người lớn thu nhỏ, không muốn trẻ em già trước tuổi. Nhưng chỉ với những gì các em đã nói ra từ suy nghĩ hồn nhiên, non nớt ấy thôi cũng đủ cho người lớn rút ra bao điều sâu sắc, nếu không muốn nói trong đó còn chứa đựng cả những triết lý sâu xa nữa.
Gần đây nhất, khi các kênh truyền hình Nhà nước mở những diễn đàn như “Điều con muốn nói”, “Thiếu niên nói 2020”…, các bậc phụ huynh lại càng thấy rõ thêm trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền bình đẳng với trẻ em ngay từ trong gia đình nhỏ của mình. Tại các chương trình truyền hình thực tế nói trên, các em nhỏ đã mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng, thổ lộ những ước muốn, nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình khiến người lớn bất ngờ và thực sự xúc động; từ đó điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình đối với con cái.
Một ví dụ khác có tính thời sự hiện nay. Ngay trong những ngày đại dịch Covid-19 đang diễn ra, mặc dù không đến trường, ở nhà tự học nhưng nhiều em cũng rất năng động, tích cực tham gia hoạt động cộng đồng. Để chung tay chống dịch, chia sẻ khó khăn chung, em thì đóng góp số tiền mừng tuổi tiết kiệm được, một số em làm bánh bán lấy tiền ủng hộ, một số khác vẽ tranh cổ động… Có thể những việc làm của các em có sự gợi mở về ý tưởng, có sự động viên, hướng dẫn của người lớn nhưng rõ ràng tất cả đều xuất phát từ động cơ hết sức trong sáng và thái độ nhiệt tình, say mê, hồn nhiên của các em khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào công việc chung của xã hội.
Trong khuôn khổ của văn minh pháp luật, việc thực hiện nghiêm túc các cam kết về quyền trẻ em, việc thực hiện dân chủ với trẻ em chắc chắn sẽ góp phần hình thành nhân cách cho các em, tiến tới một mục tiêu chiến lược sâu xa mang tính nhân văn sâu sắc, đó là hoàn thiện nhân cách cho một thế hệ công dân tương lai của thành phố Đà Nẵng thân yêu của chúng ta, một thế hệ khỏe về thể chất, khỏe về tinh thần, tiếp bước cha ông xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh.
NẠI HIÊN