Giá trị của mạng xã hội (MXH) tác động tích cực đến thanh niên là không thể phủ nhận, nhưng tác động từ mặt trái của MXH cũng lắm điều đáng lo. Lúc này, tổ chức Đoàn cần thể hiện vai trò thủ lĩnh, tập hợp thanh niên trên MXH để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ; qua đó cái tốt, cái thiện đồng hành với thanh niên trên MXH.
“Tăng số lượng tin tốt, ắt số lượng tin xấu sẽ giảm”, đó là phương châm của Fanpage Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Trong ảnh: Cộng tác viên truyền thông đăng tin bài lên Fanpage “Tuổi trẻ THPT Hoàng Hoa Thám” tại Văn phòng Đoàn trường. Ảnh: H. |
Thanh niên ở đâu, tổ chức Đoàn ở đó
Theo thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông, hiện tại, thành phố Đà Nẵng có khoảng 750.000 tài khoản Facebook, trong đó hơn 50% người dùng là thanh thiếu niên. VinaResearch - một trang web khảo sát kiếm tiền online của Công ty CP W&S có 100% vốn Nhật Bản chuyên nghiên cứu thị trường trực tuyến ở Việt Nam, ước tính trung bình mỗi người dành 2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ để lang thang trên MXH. Sống trong thời đại 4.0, khi khoa học công nghệ phát triển chóng mặt, đi kèm với những mặt tích cực vẫn luôn tồn tại rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt từ các MXH. Chỉ một tin tức chưa được kiểm chứng trên thế giới ảo, những “anh hùng bàn phím” vội lạnh lùng phán xét, gây tổn thương nhiều tâm hồn, thậm chí không ít trường hợp đã góp phần tước đoạt cả mạng sống người khác.
Anh Nguyễn Đình Bình, Bí thư Đoàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, tổ chức Đoàn phải tập hợp thanh niên trên MXH, không thể để thanh niên thiếu bản lĩnh trên mạng. Hiện Đoàn phường thành lập một tổ nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Tổ gồm Bí thư Chi đoàn và một số thanh niên ưu tú.
Tổ này trong quá trình sử dụng Facebook hằng ngày sẽ chú ý nắm bắt tình hình dư luận trong đoàn viên thanh niên của phường, khi có trường hợp đăng tin không chính xác hay những bình luận sai trái sẽ thông báo sự việc đến toàn tổ. Các thành viên trong tổ sẽ tìm hiểu thông tin và lên tiếng phản hồi, định hướng cho đúng rồi tiếp cận nói chuyện riêng với những thanh niên đăng tin sai hoặc bình luận không đúng để họ sửa và điều chỉnh thông tin. “Tổ nắm bắt và định hướng dư luận xã hội của Đoàn phường đã nhiều lần phát hiện đoàn viên đăng thông tin sai sự thật. Đơn cử như năm ngoái, khi chúng tôi tổ chức lớp học cảm tình Đoàn, có 1 học sinh lớp 9 tham gia và chụp hình lớp học rồi về đăng Facebook nói không đúng sự thật. Đoàn phường và Chi đoàn nhà trường trực tiếp xuống gặp bạn ấy làm việc, sau đó hoãn việc kết nạp Đoàn lại để giáo dục. Hiện nay, bạn ấy tốt hẳn, tham gia tích cực các hoạt động trường học, địa phương, còn xin tham gia Ban Chấp hành Chi đoàn tại khu dân cư”, anh Bình nói.
Huyện Đoàn Hòa Vang cũng lập một trang Zalo với tên gọi: Nhóm nắm bắt dư luận xã hội. Ban đầu, nhóm gồm các thành viên cốt cán, đoàn viên uy tín của Đoàn 11 xã trên địa bàn huyện. Sau này, để mở rộng và hoạt động hiệu quả, nhóm kết nạp đội ngũ cộng tác viên là các bí thư chi đoàn thôn. Hiện, nhóm Zalo này có 116 thành viên. Huyện Đoàn dùng trang Zalo này để tuyên truyền, định hướng thông tin chính thống cho cộng tác viên (CTV) nắm để tuyên truyền trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) và nhân dân. Anh Nguyễn Văn Quyên, Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Hòa Vang cho hay, cách tốt nhất là phải tạo “sức đề kháng” cho thanh niên trước các thông tin xấu, độc hại, để mỗi thanh niên đủ thông tin, tri thức, năng lực nhận thức, nhận diện đúng/sai, tốt/xấu của từng thông tin trên MXH.
Theo đó, tổ chức Đoàn cần nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho thanh niên khi tham gia MXH; thường xuyên làm công tác tuyên truyền để ĐVTN tự trang bị các phương pháp tiếp cận thông tin trên internet một cách khoa học và đúng đắn; có thái độ phê phán, đấu tranh kiên quyết nhưng tỉnh táo với những luồng thông tin sai trái; tổ chức các buổi diễn đàn, trao đổi về những dấu hiệu nhận biết các nhóm tiêu cực trên không gian mạng; tổ chức các cuộc thi về các vấn đề có liên quan đến việc sử dụng MXH…
Tăng tin tốt, giảm tin xấu
MXH đang trở thành kênh trao đổi thông tin không thể thiếu của một số lượng lớn người dân Việt Nam. Việc sử dụng MXH sao cho hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời tránh những ảnh hưởng tiêu cực do công cụ này mang lại vẫn luôn là vấn đề nóng với nhiều chiều nhìn nhận và tranh luận, đặc biệt với thanh niên. Sau Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã đưa ra chương trình hành động và nhấn mạnh về việc “thường xuyên đăng tải những thông tin tích cực; có kế hoạch đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá của các thế lực thù địch trên MXH. Chủ động xây dựng, điều hành các trang thông tin điện tử, kênh YouTube, Fanpage, group Facebook theo các đối tượng thanh thiếu niên; phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên các trang cá nhân, Fanpage của các cấp bộ Đoàn - Hội trên MXH”.
Thầy Lê Mạnh Tấn, Bí thư Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho hay, một trong những giải pháp được Đoàn trường lựa chọn tích cực tuyên truyền các thông tin chính thống, mang thông điệp ý nghĩa. Thông tin xấu nhiều vì tin tốt quá ít. Nếu tăng số lượng tin tốt, ắt số lượng tin xấu sẽ giảm. “Trên tinh thần đó, kênh Fanpage Tuổi trẻ Trường THPT Hoàng Hoa Thám của Đoàn trường đến nay đã có gần 6.000 lượt theo dõi, là kênh thông tin tin cậy được học sinh nhà trường thường xuyên truy cập và chia sẻ. Đoàn trường xây dựng đội CTV truyền thông gồm 5 thành viên, bên cạnh cập nhật các tin tức hoạt động, giáo dục của nhà trường, các CTV thường xuyên chia sẻ thông tin chính thống từ các trang của thành phố, Chính phủ. Mỗi ngày, Đoàn trường giao CTV truyền thông sưu tầm, biên tập và đăng ít nhất một tin người tốt, việc tốt; mỗi tuần ít nhất 3 câu chuyện có ý nghĩa lan tỏa tích cực. Đây còn là cổng thông tin giải đáp thắc mắc của học sinh, tư vấn hướng nghiệp và giáo dục. Với việc cập nhật thường xuyên các tin tức như vậy, Đoàn trường đã góp phần đẩy lùi các mặt tiêu cực trên MXH, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh”, thầy Tấn nói.
Về vấn đề này, cô Vũ Thị Thúy Hòa, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng, khi đối mặt với những thách thức do MXH đặt ra, đặc biệt là những vấn đề tiêu cực, không ít cán bộ Đoàn, Hội có xu hướng thuyết phục ĐVTN cần hạn chế sử dụng, thậm chí bài trừ hẳn MXH, thà không dùng để không phải nghe những lời bôi nhọ, xuyên tạc, sai lệch… Dù vậy, theo cô, thay vì sợ và tránh xa MXH, chúng ta có thể tận dụng tất cả những tiện ích của MXH để lan tỏa ý thức cộng đồng, tuyên truyền những hình ảnh đẹp, tấm gương tốt… cho các ĐVTN. “Tôi đã thấy học trò tự hào và trân trọng những người có công với cách mạng, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng qua các câu chuyện được chia sẻ trên trang Facebook của Đoàn trường. Đặc biệt, nhiều ĐVTN gửi tin nhắn cho chúng tôi với mong muốn được tham gia các hoạt động từ thiện, hành trình về nguồn do Đoàn trường tổ chức. Đó là sức mạnh của MXH”, cô Hòa nói.
HẢI ÂU