Nằm viện rồi mới thấy sức khỏe quan trọng đến mức nào, khi đau ốm chỉ mong có người thân ở bên, nhìn những người bệnh không có ai chăm mới cảm thấy mình còn may mắn hơn họ biết bao nhiêu.
Vừa rồi nhà tôi có người bị ung thư vú.
Vòng tay ấm của các thành viên trong gia đình là động lực giúp người bệnh vượt qua nỗi đớn đau bệnh tật. Ảnh: P.M |
Cô em họ còn rất trẻ, mới sinh năm 1988. Hồi em mới nhập viện 1 tuần, vợ chồng tôi có ghé thăm. Đi vào đây chứng kiến đủ hoàn cảnh trên đời. Ngày nào cũng có người khóc lóc ỉ ôi khi nhận kết quả khám bệnh: người thì không tin vào sự thật, người không dám khóc, người tựa cửa cô đơn nơi song cửa… Tinh thần em tôi khá vững vàng vì bên cạnh còn có cha mẹ, có chồng và cô con gái nhỏ đáng yêu. Những ngày em bước vào quá trình xạ trị, người thân trong gia đình túc trực ngoài cửa. Lần xạ trị đầu thành công, em đáp ứng thuốc tốt.
Thực ra, kinh tế nhà em cũng không phải khá giả. Ba và mẹ em lại đang trong quá trình hoàn tất thủ tục ly hôn thì đình lại, vì em. Mẹ em bảo, con cứ yên tâm chữa bệnh, má có bán nhà cũng lo cho con. Ba em nói, con cố mà chữa trị, con có bề gì, ba cũng “đi” theo con chớ không thiết sống nữa. Chồng em nói, em phải vì con, vì anh mà chữa bệnh, anh chỉ cần em sống với anh thêm mươi mười lăm năm nữa, rồi vợ chồng mình cùng “đi”…
Đợt xạ trị thứ 2 cách đợt đầu tiên 21 ngày. Sáng hôm ấy, như thường lệ, người cậu ruột cho ô-tô đến nhà chở em, má và chồng em đến bệnh viện. Em ngồi giữa hai người yêu thương em nhất cuộc đời. Cảm giác bình yên len lỏi khiến em thấy một chút dễ chịu giữa những ngày khó khăn. Trong lúc đợi người nhà đi làm thủ tục, em không nhìn ra song cửa như thường lệ mà nhìn thẳng vào những bệnh nhân, cũng đang chữa trị như mình.
Ở giường bên cạnh, người phụ nữ chỉ hơn em độ 4, 5 tuổi, đang nằm co ro một mình, nhợt nhạt, cô đơn. Em nhoẻn miệng cười. Và rồi bối rối khi thấy từ trong khóe mắt chị, một dòng nước mắt ấm nóng chảy ra, từ từ rồi liên tục. Chị bảo, không phải chị khóc vì đau, mà vì tủi. Sáng nay, chị đã tự mình bắt xe vào viện. Từ ngoài cổng, chị một mình nhấc từng bước khó nhọc vào sảnh, rồi cũng một mình đi làm thủ tục. Lát nữa thôi, chỉ có một mình chị trong căn phòng trắng toát, đầy mùi thuốc tê và những người xa lạ xung quanh.
Chồng chị, từ khi nghe vợ bị ung thư, đã xa lánh chẳng đoái hoài. Em nghe mà buốt giá trong lòng. Em nhớ lại từ ngày mình cầm trên tay kết quả sinh thiết đến nay, em luôn được sống trong vòng tay yêu thương của cả nhà. Má chồng em đã khóc như mưa ngày nghe tin con dâu bệnh. Bình thường, bà là người phụ nữ kiệm lời, ít bộc lộ sự quan tâm. Ba chồng em nguyện ăn chay một tháng để cầu xin cho con. Bình thường, ông rất ghét ăn chay dù mỗi tháng chỉ ăn 2 ngày mồng một và rằm. Các cô, dì, chú, bác đều gửi cho em tin nhắn chúc em kiên cường vượt qua đoạn trường này. Chồng em đã xin làm 2 ca mỗi ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để vợ được dùng những loại thuốc tốt nhất. Ba má em đã nấu quần quật hàng trăm bữa ăn theo đơn bác sĩ để bồi dưỡng cho con. Đứa con gái bé bỏng của em mỗi ngày đều thủ thỉ: “Dù mẹ để đầu trọc thì con vẫn yêu mẹ. Yêu suốt đời”.
Hóa ra, em đã được yêu thương nhiều như thế. Tại sao phải đến khi nằm viện em mới nhận ra? Tình thương trong gia đình như tấm áo len, “choàng” cho em hơi ấm lúc đông về. Nó làm những vết loét trong miệng em giảm hẳn đau đớn. Mỗi khi điều dưỡng nắm chặt tay em để tìm ven, em không nhìn đến cây kim dài nhọn hoắt ấy, ánh mắt em, trái tim em hướng về đuôi giường, nơi chồng em đang dùng những ngón tay ấm siết nhẹ những ngón chân em. Em rơi nước mắt vì thương. Ân tình này, em biết tìm ở đâu, ngoài gia đình mình.
Thật vậy, mỗi khi trong gia đình có người đau ốm sẽ phản chiếu cách giáo dục của từng nhà. Con cái biết xót thương khi cha mẹ đổ bệnh, anh chị em biết đau lòng khi máu mủ ruột rà đau ốm. Ai nấy đều thể hiện sự ân cần, quan tâm với người thân của mình. Ấy là một gia đình hạnh phúc - nơi có vòng tay ấm áp, bao dung chở che ta vượt qua những giông tố của cuộc đời!
PHƯƠNG MAI