Với chất liệu có sẵn từ thiên nhiên, nữ họa sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1985, ngụ đường Đồng Kè, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đã tạo ra nhiều tác phẩm hội họa đơn giản nhưng thú vị, giàu chất thơ…
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh luôn say mê sáng tạo. Ảnh: NAM BÌNH |
Kết hợp màu acrylic với sỏi và vỏ cây, chị Hạnh đã tạo ra các tác phẩm hội họa giàu tính nghệ thuật. Những viên sỏi gắn liền với hồi ức tuổi thơ tươi đẹp giờ trở thành chất liệu nghệ thuật, kết nối tâm hồn người nghệ sĩ mộng mơ với đối tượng thưởng lãm. Chị Hạnh bồi hồi: “Quê mình ở Hòa Bắc, nhà sát cạnh con suối nên ngày xưa mình và các em thường hay đi nhặt sỏi để chơi. Sỏi như người bạn thân thiết của mình…”.
Lớn lên, mỗi lần về nhà thăm ba mẹ, chị và các em vẫn giữ thói quen ra suối lượm sỏi. Chỉ khác một điều, cô gái nhỏ ngày nào đã trở thành họa sĩ, loay hoay biến tấu những viên sỏi cùng màu vẽ. Ban đầu, chỉ là bức tranh gia đình sỏi đơn giản mà chị làm để treo trang trí trong nhà. Về sau, chị sắp xếp và kết hợp nhiều viên sỏi tạo điểm nhấn cho mái tóc của chân dung cô gái. Từ sỏi, chị mở rộng, thử nghiệm thêm vỏ ốc. Sự sắp đặt ngẫu nhiên mà hài hòa của sỏi và ốc đã giúp bức tranh của chị mới lạ và đầy sức hút. “Để hoàn thành một bức tranh, mình sẽ lên ý tưởng, phác họa hình cô gái, sắp xếp sỏi và lên màu cho hợp lý. Để tránh tranh bị nặng, mình mới thử đan xen vỏ ốc. Vỏ ốc được rửa sạch và mang phơi nắng để xử lý mùi…”, chị Hạnh cho biết.
Chị đã hoàn thành hơn 30 bức tranh từ sỏi. Mới đây, sau khi đăng tải vào một nhóm mạng xã hội, những bức tranh này được nhiều người yêu mến, nhiều bức đã về với chủ mới. Bên cạnh chất liệu sỏi, chị còn tận dụng những hạt cà phê. Theo chị, nghệ thuật đôi khi rất gần gũi, chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát và ứng dụng thì những nguyên vật liệu có sẵn từ thiên nhiên đều có thể tạo nên những bức tranh đẹp mắt. Cũng chính tình yêu thiên nhiên ấy, chị cùng chồng thường áp dụng vật liệu tái chế trong cuộc sống gia đình, như sử dụng lốp xe bỏ đi để trồng cây, những cành cây khô được kết thành vòng hoa trang trí… Đối với khách mua tranh, anh chị tận tình tư vấn, hướng dẫn cách giảm bớt rác thải và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
Ít ai biết rằng, nữ họa sĩ với sự phá cách thú vị trong nghệ thuật lại từng là cô học trò không vẽ đẹp. Chị cười xòa: “Hồi còn nhỏ, mỗi lần vẽ tranh minh họa bộ môn Sinh học, tranh của tôi đều được thầy cô “giới thiệu” cho cả lớp cùng xem vì quá xấu. Tôi đinh ninh mình không có năng khiếu hội họa. Chỉ đến khi nhìn thấy một bức tranh hoa hồng, tôi thích nên miệt mài vẽ theo và được mọi người khen. Có lẽ từ đó, niềm đam mê với cọ và màu vẽ đã nhen nhóm trong tôi”.
Để theo đuổi giấc mơ nghệ thuật, chị rời Đà Nẵng, khăn gói thi vào Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Mơ ước tưởng chừng vỡ tan khi chị không thi đậu. Quyết không bỏ cuộc, chị xin vào một xưởng tranh vừa học vừa làm. Năm sau, chị trở thành sinh viên khoa Mỹ thuật công nghệ, ngành Hoạt hình của một trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2016, chị trở về Đà Nẵng và quyết định khởi nghiệp tại đây. Thời gian đó, nhận thấy tranh sơn dầu không được ưa chuộng ở Đà Nẵng, vợ chồng chị chuyển hướng sang vẽ tranh tường. Một năm sau, chị mở phòng tranh, vừa theo đuổi tranh sơn dầu, vừa thỏa thích sáng tạo với tranh sỏi. Theo đuổi nghề vẽ đã hơn 15 năm, niềm đam mê cùng với sự sáng tạo, khéo léo từ đôi bàn tay của chị chưa bao giờ ngưng…
NAM BÌNH