Sách cho thiếu nhi: Còn nhiều khoảng trống

.

Thị trường sách thiếu nhi gần đây khá phong phú với các thể loại, từ sách văn học, đến sách ngoại ngữ, sách rèn luyện kỹ năng sống, sách mỹ thuật, truyện tranh, thậm chí cả sách tương tác kích thích sáng tạo ở trẻ. Nhưng nếu đi sâu tìm hiểu, không ít người băn khoăn, hóa ra khu vực này vẫn tồn tại nhiều khoảng trống.

Thị trường sách thiếu nhi phong phú, nhưng có ít tác phẩm mới của các nhà văn Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN THANH BÌNH
Thị trường sách thiếu nhi phong phú, nhưng có ít tác phẩm mới của các nhà văn Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN THANH BÌNH

Còn ai chuyên tâm viết sách?

Nhiều phụ huynh vẫn đều đặn đưa con đến các hội sách. Các tựa sách cũ của các nhà văn thuộc “thế hệ vàng” luôn được tái bản, bên cạnh đó là nhiều sách dịch của nước ngoài, trong khi có rất ít tác phẩm mới, hấp dẫn của các nhà văn Việt Nam. Đây là một thực tế có thật trên thị trường xuất bản sách cho thiếu nhi.

Một số biên tập viên tại các đơn vị xuất bản thừa nhận, hiện rất ít tác giả chuyên viết cho thiếu nhi. Khi chúng tôi đề xuất đưa ra một danh sách khoảng 10 người thường viết cho thiếu nhi thì câu trả lời nhận được là… “bó tay”. Danh sách rút xuống 5 người nhưng cũng không chọn được! Quan sát thì thấy, hiện chỉ duy nhất nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyên tâm viết sách cho trẻ em. Nhưng lứa tuổi mà nhà văn này hướng tới cũng không thuần túy là trẻ em. Sách của Nguyễn Nhật Ánh có cuốn hướng tới những người “đã từng là trẻ em”, nhiều cuốn hướng tới lứa tuổi chấp chới giữa trẻ em với tuổi trưởng thành (tức từ 16-20 tuổi).

Một thành viên trong Ban sơ khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2020 cũng thừa nhận, khi bắt tay vào tìm kiếm những tựa sách văn học viết cho thiếu nhi trong vòng hơn một năm trở lại đây thấy cực kỳ ít. Chủ yếu là những tựa sách được tái bản với hình thức mới, thêm tranh minh họa hấp dẫn. Số tác phẩm mới không nhiều. Có một số ít nhà văn, nhà thơ, chỉ có một tác phẩm hướng tới thiếu nhi, dù cuốn đó tác giả chủ yếu viết về tuổi thơ của mình, viết cho chính mình. Thật không quá lời khi cho rằng, hiện tại sách văn học cho thiếu nhi của chúng ta rất ít.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hiện rất ít nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. “Như tôi, tôi hoàn toàn không phải là người viết cho trẻ con. Tôi chỉ viết cho tôi. Thuở bé tôi là một cậu bé. Vì thế, tôi gặp tất cả các em thiếu nhi và người ta cứ tưởng tôi là nhà văn viết cho thiếu nhi” - tác giả “Góc sân và khoảng trời bày tỏ.

Sách ngoại lấn át sách nội

Nhìn sang các mảng sách khác như truyện tranh, kỹ năng sống, phổ biến kiến thức (lịch sử, mỹ thuật, thể thao…) do các tác giả Việt Nam viết cũng không khá hơn là bao. Mặc dù ngày nay, công nghệ in ấn, xuất bản có nhiều khởi sắc, các xuất bản phẩm trong nước được đầu tư thiết kế, in ấn không thua kém sách của thế giới, nhưng vẫn chưa có thật nhiều đầu sách, tựa sách hấp dẫn dành cho thiếu nhi. Tất nhiên, các mảng sách này khởi sắc hơn so với văn học khi một số tác giả, nhóm tác giả hợp tác chặt chẽ với nhiều đơn vị xuất bản để cho ra đời những bộ sách phù hợp với văn hóa, tâm lý độc giả Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường quá rộng, trẻ em trong độ tuổi đọc sách càng đông, nên độ “phủ sóng” của các tác giả Việt vẫn chưa đáp ứng được nhiều, để lại nhiều khoảng trống. Đây chính là lý do để các đơn vị xuất bản nhanh chóng lấp đầy bằng việc mua bản quyền các tác phẩm của nước ngoài. Không chỉ mua bản quyền các tác phẩm văn học, các bộ sách bách khoa tri thức, kỹ năng sống, mỹ thuật…, đã được các đơn vị xuất bản ồ ạt dịch, xuất bản và đưa ra thị trường.

Không thể phủ nhận sức sáng tạo, hấp dẫn, kho kiến thức phong phú, đa dạng ở những cuốn sách được các chuyên gia uy tín, các nhà xuất bản nước ngoài ấn hành. Nhưng từ hiện trạng đó dẫn tới thị trường sách ngoại lấn át sách nội ngày càng dễ nhận ra khi bước chân vào các khu vực sách thiếu nhi tại các hiệu sách, hội chợ sách. Bên cạnh mặt tích cực, điều này cũng có những lỗ hổng mà như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn nêu: “Chúng ta có thể ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ khác của người Việt…”.

Những khoảng trống trong mảng sách cho thiếu nhi đang hiện hữu và cần phải có chiến lược để lấp đầy. Đó là ao ước không chỉ của những người làm công tác xuất bản mà của đông đảo của phụ huynh, học sinh - những độc giả thiếu nhi. Chỉ khi có nhiều tựa sách hấp dẫn, gần gũi với văn hóa Việt và tâm hồn các em, thì mới không xảy ra tình trạng khan hiếm, “đãi cát tìm vàng” như hiện nay.

Có nhiều ý kiến khác nhau để lý giải vì sao có “khoảng trống” ở mảng sách văn học Việt cho thiếu nhi Việt hiện nay. Một số tác giả cho rằng, nhuận bút không đủ hấp dẫn họ sáng tác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sáng tác cho thiếu nhi cần tài năng và tâm hồn yêu trẻ thực sự của người viết. Đồng thời, người viết cũng phải hiểu được trẻ con, hiểu được cả người lớn.

Chúng ta có thể ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ khác của người Việt…”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

NGUYỄN THANH BÌNH
 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích