"Chạy đua" cùng Covid-19

.

Chưa đầy 3 tháng sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, vòng xoáy tin tức trên báo chí cũng như vòng xoáy thông tin các nghiên cứu khoa học liên quan tới thử nghiệm vắc-xin, phương pháp điều trị bệnh này cũng tăng tốc ở mức chưa từng có tiền lệ.

Nhân viên của hãng dược phẩm sinh học Đức CureVac làm việc tại một phòng thí nghiệm ở Tuebingen, Đức ngày 12-3-2020. Ảnh: Reuters
Nhân viên của hãng dược phẩm sinh học Đức CureVac làm việc tại một phòng thí nghiệm ở Tuebingen, Đức ngày 12-3-2020. Ảnh: Reuters

Theo Viện Milken (Mỹ), hiện có ít nhất 254 phương pháp điều trị và 172 vắc-xin liên quan Covid-19 đang được phát triển. Có những loại rất mới, vừa được bào chế như PAC-MAN, một loại thuốc kháng virus dùng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR. Có những loại thuốc đã có từ trước và được dùng để điều trị Covid-19 như Remdesivir sau khi cho thấy những hiệu quả điều trị SARS và MERS trước đây.

Tuy nhiên, rất nhiều loại trong đó đang được phát triển, có loại mới chỉ có hiệu quả trên động vật mà chưa hề được thử nghiệm trên người, thậm chí có loại đã được chứng minh không đạt hiệu quả. Vấn đề đáng nói ở đây là để đáp ứng yêu cầu của công chúng, truyền thông đã bất chấp những yêu cầu chuẩn và nghiêm khắc của khoa học khi vô tình hoặc cố ý lầm tưởng thông cáo báo chí về các nghiên cứu khoa học là kết quả của nghiên cứu khoa học đó.

Đáng lo hơn khi truyền thông đã và đang đưa tin về quá trình phát triển thuốc cũng như vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 với “tốc độ nguy hiểm”. Chẳng hạn, theo chia sẻ của một phóng viên chuyên trách mảng y tế của đài CNN (Mỹ), có nhiều nhà khoa học đã liên hệ với phóng viên này để chia sẻ thông tin lạc quan rằng có thể có một vắc-xin khả dụng ngừa SARS-CoV-2 vào đầu năm tới.

Nếu điều này trở thành sự thật, chắc chắn sẽ là quá trình phát triển vắc-xin quá nhanh và quá ấn tượng, bởi việc bào chế vắc-xin thông thường phải mất nhiều năm, hoặc nhiều thập niên chứ không phải là nhiều tháng.

Từ kinh nghiệm đó, phóng viên của CNN đã bỏ thời gian đào sâu tìm hiểu thông tin về các nghiên cứu để cố gắng cắt nghĩa tâm thế lạc quan đó của các nhà khoa học. Và người này đã rất ngạc nhiên khi thấy hầu hết thông tin mọi người đọc được cho tới nay đều ở dạng thông cáo báo chí (press release) hoặc những báo cáo khoa học trước khi in, chưa trải qua một quá trình xem xét khoa học và thẩm định độc lập.

Thực tế, bất chấp mọi ý kiến sôi nổi, hăng hái và lạc quan về vắc-xin, chỉ có một nghiên cứu duy nhất đã công bố trên tạp chí khoa học uy tín về vắc-xin đã được thử nghiệm trên người là loại vắc-xin của công ty Trung Quốc CanSino Biologics.

Cũng không khó hiểu khi vấn đề tốc độ trở thành chuyện khá hiển nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan tràn toàn cầu. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định, một loại vắc-xin phòng Covid-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế. Vì vậy, các nhà khoa học đang khẩn trương tìm hiểu về SARS-CoV-2, về căn bệnh và về cách thức cứu sống nhiều sinh mạng nhất có thể.

Các nhân viên y tế đang nỗ lực hết sức để thuyết phục công chúng thực hiện các biện pháp phòng dịch sao cho không gây quá nhiều gánh nặng hay thậm chí phải đóng cửa nền kinh tế. Còn các nhà báo đang nỗ lực chạy đua để đưa tin về tất cả diễn biến đó.

Trong bối cảnh như thế, có một thực tế đáng lo ngại là nhiều nghiên cứu được công bố ngay khi chưa thực sự là một nghiên cứu khoa học đúng chuẩn. Chưa bao giờ sự tường minh đầy đủ và tức thời trở nên quan trọng đến vậy, và cũng chưa bao giờ bức tranh khoa học bao quanh Covid-19 trở nên mù mờ đến vậy.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành và hiện chưa có một loại thuốc hay vắc-xin nào được chứng minh hiệu quả tuyệt đối. Do đó, cảnh báo về thái độ, trách nhiệm đưa tin cũng như cách tiếp cận thông tin với bạn đọc có lẽ cũng là điều cần thiết, và chắc hẳn không chỉ cần với đại dịch Covid-19.

TRẦN ĐẮC LUÂN theo CNN

 

;
;
.
.
.
.
.