Đam mê nghiên cứu, chế tạo máy

.

Lê Đặng Thái Phong và Ngô Quang Trường là hai cái tên quen thuộc trong nhóm những sinh viên (SV) Đà Nẵng mê nghiên cứu, chế tạo máy. Từ niềm yêu thích đó, cả hai đã có những đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) nổi bật với nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao.

Hình đính kèm bài - Ngô Quang Trường giành giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học do Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng tổ chức năm 2020 (ảnh do nhân vật cung cấp).
Hình đính kèm bài - Ngô Quang Trường giành giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học do Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng tổ chức năm 2020 (ảnh do nhân vật cung cấp).

Là SV năm 3 chuyên ngành Tự động hóa, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng, Lê Đặng Thái Phong đã có nhiều đề tài NCKH nổi bật như: Gậy thông minh hỗ trợ người già, Ứng dụng LORA cảnh báo ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, Thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas. Theo Phong, những đề tài nghiên cứu đó đa phần bắt nguồn từ việc quan sát thực tiễn và mong muốn giúp đỡ, giải quyết những khó khăn, bất cập trong xã hội hiện nay.

Với 3 đề tài trên, Phong cùng nhóm bạn của mình đã đoạt nhiều giải thưởng cao như: giải nhất SV NCKH cấp trường, giải ba cuộc thi SV NCKH thành phố Đà Nẵng, giải nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cụm Duyên hải Nam Trung Bộ... 

Phong cho biết, đề tài tâm đắc nhất là nghiên cứu chế tạo gậy thông minh có thể hỗ trợ người già thuận tiện hơn trong việc đi lại. Phong chia sẻ: “Việc NCKH chưa bao giờ là dễ dàng đối với mỗi SV. Trong quá trình nghiên cứu, mình không ít lần gặp khó khăn nhưng từ đó đã giúp bản thân trưởng thành hơn rất nhiều”.

Là trưởng nhóm nghiên cứu SRT AAP (Student Research Team APP) - nhóm NCKH  của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng, Phong giữ vai trò là người truyền cảm hứng và hướng dẫn những SV đam mê NCKH. Liên tục nhiều năm qua, Phong giành các danh hiệu: SV đạt thành tích học tập xuất sắc năm học 2017- 2018, SV 5 tốt năm học 2018-2019, giải nhất Ươm mầm ý tưởng (Seeding your idea) do Công ty VinTech tổ chức.

Đối với Ngô Quang Trường, SV chuyên ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, NCKH có ý nghĩa đặc biệt. Ngay khi trở thành SV tại ngôi trường Bách khoa, Trường nhanh chóng đăng ký tham gia CLB BK-MAKERS, một CLB NCKH của SV toàn trường. Sinh hoạt trong môi trường năng động, giàu tính sáng tạo, Trường học hỏi từng chút, mạnh dạn tham gia các cuộc thi NCKH ở trường.

Mới đây, được sự tiếp sức của thầy cô, Trường cùng nhóm SV nghiên cứu đề tài “Hệ thống xử lý rác thải nhựa thành nguyên liệu cho máy in 3D”. Đề tài này đem đến cho nhóm Trường giải nhất cuộc thi NCKH do Đoàn Trường ĐH Bách khoa tổ chức. Trường cho biết, mục đích của đề tài là tạo ra hệ thống phân loại, xử lý nhựa dùng cho máy in 3D để hướng đến các sản phẩm hữu ích. Quá trình nghiên cứu giúp Trường hiểu rõ hơn về các loại nhựa cũng như những tác động của nó đối với môi trường.

“Đối với mình, kiến thức trong sách vở là kiến thức nền, quan trọng hơn là tự học hỏi, tham gia NCKH, các dự án do một số tổ chức phát động để nâng cao kiến thức và có những trải nghiệm thực tế. Đôi lúc phải chạy đua với thời gian khi vừa học, vừa nghiên cứu nhưng mình chấp nhận thử thách đó để trưởng thành hơn”, Trường cho hay.

Nói về việc SV vừa học, vừa NCKH, ThS. Phạm Duy Dưỡng, giảng viên phụ trách bộ môn Tự động hóa, khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Với vai trò nhiều năm là người hướng dẫn đề tài NCKH cho SV, tôi nhận thấy SV không nên quá chú tâm vào việc học lý thuyết mà cần có thêm những trải nghiệm như NCKH và khởi nghiệp. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy thử sức NCKH. Điều đó giúp SV trau dồi, ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế, giúp bản thân trưởng thành hơn sau những lần thất bại. Hãy cứ mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, có đi ắt sẽ đến”.

HUỲNH LÊ - HẰNG LOAN

;
;
.
.
.
.
.