Dạy trẻ: Không quá nuông chiều, không quá mặc kệ

.

1. Tháng 6-2020, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh có những chia sẻ gây “bão mạng” khi bày tỏ ước muốn bỏ hết bài tập khó ở tất cả môn cấp phổ thông, chỉ giữ lại những phần cơ bản nhất.

Theo vị giáo sư 36 tuổi, chương trình học nên được thiết kế “để có thể làm những chuyện có ích hơn”. Đó là dạy thêm cho học sinh thật nhiều môn thể thao, không chỉ để biết mà thường xuyên luyện tập. Bởi lẽ, anh nhận ra sức khỏe phải là số một, nếu không có sức khỏe tốt thì mọi điều đều vô nghĩa.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cũng mong học sinh biết cách sử dụng tiếng Anh thành thạo và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó, cần có các chuyến đi thực tế đến những nơi khó khăn để dạy các em biết sống nhân hậu và yêu thương phận đời dưới đáy xã hội.

Học sinh cũng nên được trang bị kỹ năng sống tối thiểu để đủ bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. “Nhồi nhét thật nhiều kiến thức chuyên môn nhưng cuối cùng các em vẫn không thể tự lo được cho bản thân mình thì có phải là quá bi kịch hay không”, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam nói.

Quan điểm của GS.TS Phan Thanh Sơn Nam nhận được làn sóng đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ, từ những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đến phụ huynh.

Khảo sát của Tổ chức Phát triển và Giáo dục Mỹ năm 2018 cũng chỉ ra, trẻ em được trải qua quá trình rèn luyện các kỹ năng mềm như: ứng xử, giao tiếp, phân tích và xử lý tình huống có khả năng thành công cao hơn 30% so với các em chỉ được tiếp xúc lý thuyết thông thường.

Cũng theo nghiên cứu này, trẻ được đào tạo các kỹ năng mềm thường xuyên có xu hướng bộc lộ sự tự tin cũng như được khơi dậy tiềm năng từ rất sớm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, giáo dục kỹ năng sống đã được tăng cường ở trường học, là một trong những nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống vẫn còn nhiều bất cập như: đa phần là lồng ghép, tích hợp các môn học, chưa được xây dựng thành môn học riêng…, nên chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường chưa có sự nhất quán trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

2. Hướng dẫn kỹ năng sống nên bắt đầu ngay lúc còn nhỏ và từ những việc gần gũi nhất trong gia đình. Theo nhiều thống kê về trẻ em hạnh phúc, đứng đầu danh sách là các nước Tây Âu, Bắc Âu. Để làm nên thành quả ấy, một trong các nguyên nhân là sự tương tác giữa cha mẹ và con cái.

Chị bạn của tôi sinh sống ở nhiều quốc gia châu Âu chia sẻ, thời gian đầu làm quen môi trường mới, chị rất ngạc nhiên khi thấy hầu hết trẻ em được khuyến khích theo học các lớp nấu ăn. Khi chị thắc mắc, các cha mẹ cho rằng, dạy nấu ăn nên là một phần trong hành trình trưởng thành của trẻ và cần thực hành hằng tuần.

Sau thời gian dài, chị nhận ra phụ huynh phương Tây rất chú trọng dạy trẻ trách nhiệm với cộng đồng. Họ quan niệm, muốn trẻ có trách nhiệm với cộng đồng, trước hết phải có trách nhiệm với chính bản thân và gia đình.

Do đó, ngay khi còn nhỏ, cha mẹ phương Tây đã rèn tính tự lập cho con. Trẻ được hướng dẫn nấu ăn, cách dùng các loại chất tẩy rửa, giặt đồ bằng tay lẫn thiết bị, phân biệt các loại quần áo, mặc quần áo đúng cách, giữ gìn sức khỏe thông qua tập luyện, ăn uống lành mạnh, quản lý thời gian cá nhân hợp lý và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp…

Điều quan trọng nhất là cha mẹ đồng hành với con trong thời gian dài, nỗ lực để con thực hành thường xuyên. Phụ huynh cũng luôn tạo điều kiện để trẻ tham gia hoạt động tập thể nhằm rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm.

Qua đó, cha mẹ thường nhắc nhở trẻ xây dựng trách nhiệm với cộng đồng, không đùn đẩy cho người khác. Hơn thế, thay vì la hét con cái, cha mẹ phương Tây cố gắng trở thành tấm gương của con. Họ quan niệm: Dạy dỗ bằng hành động quan trọng hơn dạy dỗ bằng lời nói.

3. Tuy nhiên, ý thức tự lập sớm đôi khi cũng bộc lộ vài khiếm khuyết như: ít chia sẻ, ngại kết giao và trên tất cả là sự cô đơn. Năm 2018, theo một thống kê của chính phủ Thụy Điển, có 16,8% thanh-thiếu niên tuổi từ 16-24 “cảm thấy cô đơn trong suốt 2 tuần qua”. Kết quả khảo sát năm 2019 của Đại học Swinburne và VicHealth (Úc) cho hay, rất nhiều thanh niên từ 18-25 tuổi đang cô đơn ở “mức độ có vấn đề”.

Mỗi đất nước, mỗi vùng, mỗi miền có cách dạy con khác nhau. Mỗi cách dạy đều có ưu và khuyết điểm riêng. Khi ranh giới giữa độc lập và chủ nghĩa cá nhân mong manh, sự cô đơn nảy sinh và tác động tiêu cực lên sức khỏe con người. Cha mẹ bao bọc con quá mức có thể khiến trẻ mất cân bằng về các hành vi khi lớn lên, như ỷ lại, dễ bị bắt nạt, tự ti, rối loạn lo âu…

Nên chăng, dạy trẻ cần sự cân bằng, không quá nuông chiều, không quá mặc kệ, quan trọng nhất là điều chỉnh dựa trên cảm xúc và cá tính của trẻ - bản sắc độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân!

DUY AN

 

;
;
.
.
.
.
.