Hôm qua, điện thoại của tôi báo tin nhắn rằng, thời gian sử dụng smartphone mỗi tuần của tôi tăng lên tới 30%. Trung bình tôi dùng điện thoại lên tới 5 tiếng/ngày.
Đọc ghi nhận báo cáo ấy, tôi sững người. Tôi đã làm gì với cái điện thoại trong 5 tiếng đồng hồ ấy, trong khi tôi 5 lần 7 lượt khất lần việc đi tập thể dục vì không có thời gian? Ngẫm lại sinh hoạt trong ngày của mình, tôi thấy ngoài giờ hành chính phải làm việc, hầu như giờ nào tôi cũng cầm điện thoại. Tôi dùng điện thoại vào những việc tất nhiên chẳng có gì quan trọng.
Phải chăng điện thoại đang chiếm hết thời gian rảnh của con người trong xã hội hiện đại? Ảnh: thegioinotebook |
Buổi trưa, tôi không ngủ mà thức xem livestream (phát sóng trực tuyến) bán hàng trên mạng xã hội, lướt Facebook, đọc các tin giải trí. Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi cũng cầm điện thoại đọc linh tinh và xem các trích đoạn phim ngôn tình trên phần Watch của Facebook. Những việc ấy không làm có được không? Tất nhiên là được! Vậy tại sao mình vẫn làm? Tôi nhận ra, dường như mình bị... nghiện điện thoại. Dù đang làm việc gì đi nữa, tôi cũng bất giác ngó quanh tìm điện thoại như một thói quen. Tìm được rồi thì mở máy, lướt lướt trong vô thức. Nhiều khi ngồi cùng con, tôi cũng cầm điện thoại. Nếu các con có mong muốn được mẹ chơi cùng, đôi khi tôi từ chối với lý do “bận việc”.
Tôi có tiền sử bệnh hen phế quản. Các bác sĩ tôi đến khám đều khuyên tôi phải tập thể dục để nâng cao sức khỏe kết hợp với liệu trình điều trị dự phòng. Bao nhiêu năm nay tôi chỉ làm được cách hai, tức là dùng thuốc dự phòng. Việc tập thể dục luôn bị trì hoãn vì hàng tá lý do. Ban đầu thì vì con nhỏ, không thể đến phòng tập. Đến khi con lớn hơn thì vì công việc bận rộn. Chẳng có lý do nào cả, lý do chính là vì sự lười biếng của bản thân. Tôi đã tiếc 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, trong khi lại tiêu tốn 5 tiếng đồng hồ vào việc vô bổ.
Với 5 tiếng đồng hồ ấy, tôi có thể tập thể dục, học thêm tiếng Anh, ghé về thăm ba mẹ… Cả tuần nay tôi không về nhà dù nhà mẹ chỉ cách nhà tôi chưa đầy 5km. Mỗi chiều đón con, tôi định ghé, nhưng rồi lại bao biện thôi trễ rồi, về nhà còn cơm nước, tắm cho con cái. Vài ngày không thấy con cháu về, mẹ gọi hỏi: “Em (cháu ngoại của bà) khỏe không con? Chiều con bận thì để mẹ đón em cho”. Khi bà gọi như vậy, chứng tỏ bà rất nhớ cháu. Bà nghĩ tôi quá bận nên không có thời gian đưa cháu về chơi. Thì tôi cũng bận thật, nhưng bận vì… không biết cách sắp xếp thời gian.
Mới đây, một người chị của tôi đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội: “Nếu ai hỏi ước mơ là gì thì ngay cả trong giấc mơ tôi cũng chỉ ước một lần được quay về căn nhà xưa cũ bên xóm đường tàu, được gặp lại hình ảnh thời ba má còn trẻ khỏe như núi Thái Sơn, được ngồi ăn cơm cùng cả nhà bên mâm cơm giản dị đơn sơ mà ấm áp...
Thời gian trôi nhanh như cát chảy qua kẽ tay, vạn vật rồi cũng đổi thay nhưng có một điều không bao giờ thay đổi: Dù con bao nhiêu tuổi thì ba má cũng đứng phía sau dõi theo hành trình con trưởng thành. Tiếc rằng, những lần về thăm sau này con chỉ có thể thấy má đứng dõi theo một mình...”. Tôi thấy lòng chùng lại với cảm xúc của chị. Cuộc sống của một người trẻ như tôi có biết bao nhiêu lo toan bộn bề, lúc nào cũng xoay vòng với công việc, những mối quan hệ xã hội, đồng nghiệp, bạn bè... và nay thêm smartphone. Thời gian dành cho ba mẹ đã ít nay càng ít ỏi.
Tôi nghĩ, vấn đề không nằm ở việc không có thời gian mà là chúng ta đang lãng phí thời gian. Chúng ta không biết “nâng lên, đặt xuống” những thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Nhiều người ở xa quê, mỗi năm chỉ về thăm ba mẹ một đôi lần. Nếu ba mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ chỉ được gặp 20 lần.
Nhưng với nhiều người, ba mẹ có thể chỉ còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi. Vậy chỉ còn 10 lần gặp mặt ba mẹ. Khoảng thời gian ba mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể ngắn hơn nữa. Nghĩ đến đây, tôi thấy hoảng sợ, lòng thật sự không dám nghĩ tiếp.
Có lẽ, tôi cũng như bạn, nên học cách sắp xếp cuộc sống một cách hài hòa. Trước khi nghĩ đến việc thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, hãy nghĩ đến cha mẹ và tự hỏi rằng: “Chúng ta còn được gặp cha mẹ bao nhiêu lần trong đời?”.
PHƯƠNG MAI