Trong quá trình phát triển của đất nước hiện nay, nếu làm việc gì cũng chạy theo phong trào mà không nghiên cứu, tính toán kỹ sẽ dễ dẫn đến hiệu quả không cao, chưa nói đến tốn kém và lãng phí. Biểu hiện của các phong trào thường là tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, ban đầu rầm rộ, “trống giong cờ mở”, sau đó lắng xuống và lặng lẽ kết thúc. Tất cả bắt nguồn từ kiểu tư duy được cho là “tư duy phong trào”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Đầu tiên, có thể nói đến chuyện cây hoa sữa. Có một thời gian dài nhiều địa phương háo hức với cây hoa sữa. Người ta đã cho trồng đại trà hoa sữa với mật độ cao trên nhiều tuyến đường ở các thành phố, thị xã, từ Nam chí Bắc, tạo ra tình trạng quá tải về… mùi hoa, gây khó chịu cho những cư dân sống gần nó, nhất là trong mùa hoa nở rộ và vào ban đêm.
Xét cho cùng, cây hoa sữa không có tội, lỗi là do con người, mặc dù ý tưởng ban đầu của họ là tích cực, với mong muốn những con phố quê mình cũng thơ mộng nhờ cây hoa sữa như… lời một ca khúc . Nhưng cuối cùng, lợi đâu không thấy, chỉ thấy hại ngày càng nhiều.
Nhìn những hàng hoa sữa đều tăm tắp khỏe khoắn vươn cao, ban đầu người ta còn thấy vui nhưng khi đến những lứa hoa đầu tiên trổ bông thì mới thấy hối tiếc vì đã trồng nó một cách quá bài bản. Những hàng cây dày đặc trên các tuyến phố ở Lạng Sơn, Đồng Hới (Quảng Bình), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quảng Ngãi, Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… làm người dân không chịu nổi cái mùi “quá nồng nàn” của nó.
Đến lúc này, người ta mới ngộ ra rằng, hoa sữa ở vài con đường Hà Nội do được trồng rải rác, thi thoảng mới có một cây với mùi hương thoang thoảng nên mới vào thơ, vào nhạc. Nhưng khi trồng dày đặc như một số địa phương thì không nghệ sĩ nào có thể cảm tác ra thơ, ra nhạc nữa!
Sau đó là “phong trào” chặt bỏ, chặt bớt hoa sữa - cách khắc phục mang tính tình thế, làm giảm mật độ cây xanh. Đó có thể xem là biểu hiện của sự bắt chước, rập khuôn, được “mềm hóa” bằng cụm từ “học tập” để nói về quá trình du nhập những cái mới, cái lạ ở nơi khác về địa phương mình bằng bất cứ giá nào, nhưng không căn cứ trên cơ sở khoa học, cũng không có sự tìm tòi, nghiên cứu…
Gần đây, dư luận xôn xao về việc nên trồng hay bỏ cây phượng vĩ. Tất cả xuất phát từ câu chuyện một cây phượng đổ gây chết người tại một trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; kéo theo đó là những luồng dư luận ủng hộ và không ủng hộ, nhất là việc ứng xử có phần thô bạo khi chặt bỏ không thương tiếc cây phượng ở nhiều nơi, nhất là trong trường học.
Bản thân cây phượng không có lỗi, nếu trách thì phải trách con người. Không thể vì một cây phượng đổ gây chết người là ào ào chặt tỉa, đốn hạ các cây phượng vĩ khác một cách không thương tiếc, mặc cho loại cây này đã trở thành biểu tượng của mùa hè gắn với tuổi học trò mà hầu hết mọi người từng trải qua…
Nhân đây cũng đề cập những đợt “ra quân”, “tháng cao điểm”, “chiến dịch”... để trấn áp tội phạm, vệ sinh môi trường, lập lại trật tự an toàn giao thông, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép... mỗi khi triển khai được quảng bá rất rầm rộ. Thế nhưng, khi “đợt ra quân”, “tháng cao điểm”, “chiến dịch” kết thúc, mọi việc trở lại như cũ.
Đến một thời điểm nào đó, khi tình hình diễn biến phức tạp trở lại thì tiếp tục triển khai “chiến dịch”, “đợt cao điểm” khác. Cứ như vậy, những tồn tại, bất cập giảm đi hay tăng lên phụ thuộc vào các “đợt ra quân”, “tháng hành động”, “đợt cao điểm”…
Không nên vì “tư duy phong trào” mà đưa ra những biện pháp mang tính “ăn xổi ở thì”, đôi khi là cực đoan như chuyện loại bỏ cây phượng vĩ trong trường học, cũng như ứng xử thiếu khoa học đối với cây hoa sữa… Điều cần làm là phải nắm bắt được đặc tính của mỗi loại cây để quản lý, chăm sóc một cách hợp lý, bảo đảm tính phù hợp, khoa học và nhất là tính hiệu quả, để cây không bị “tàn sát” mà vẫn góp phần làm đẹp cho đời.
Đối với các đợt “ra quân”, “tháng cao điểm”, “chiến dịch” khác, nên chăng cần làm thường xuyên và âm thầm, không cần “trống giong cờ mở”, không cần phát động rầm rộ, mà có những chế tài cụ thể, các quyết định xử phạt nghiêm minh; từ đó trật tự xã hội sẽ đi vào nền nếp, khuôn phép và an toàn xã hội, văn minh đô thị mới thực sự bền vững.
DÂN HÙNG