Ươm những mầm xanh

Sách cho thiếu nhi: Cần được quan tâm hơn nữa

.

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của sách. Nếu không có sách, chúng ta không có tri thức. Tuy nhiên, trong thị trường sách phong phú hiện nay, dòng sách cho thiếu nhi và sự khơi gợi niềm yêu thích văn hóa đọc vẫn chưa xứng tầm với kỳ vọng.

Các đơn vị xuất bản ngày càng chú trọng đầu tư về  nội dung và hình thức cho sách. TRONG ẢNH: Các em nhỏ say sưa đọc sách tại Nhà sách Fahasa Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Các đơn vị xuất bản ngày càng chú trọng đầu tư về nội dung và hình thức cho sách. TRONG ẢNH: Các em nhỏ say sưa đọc sách tại Nhà sách Fahasa Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tín hiệu vui từ những hiệu sách đông khách

Con trai 8 tuổi vừa nghỉ hè, chị Lê Tuệ Nhi (trú đường Trịnh Lỗi, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho con đến hiệu sách mỗi ngày. Chị quy định, mỗi buổi sáng con đọc hết một cuốn sách và sẽ được mẹ thưởng một cuốn sách mua về nhà đọc vào buổi chiều. Được ươm mầm say mê đọc sách từ nhỏ, cu Bon (con chị Nhi - PV) tỏ ra rất thích thú với quy định này. Đến nhà sách, cậu bé không chỉ được hòa mình vào không gian sách vở mà còn làm quen nhiều bạn mới. “Nhiều ba mẹ băn khoăn không biết con nghỉ hè thì phải làm sao khi ông bà nội, ngoại ở xa. Riêng gia đình tôi từ 2-3 năm trở lại đây, khi con biết đọc, tôi đưa con đến nhà sách. Nhờ được tập thói quen từ nhỏ, cu Bon xem sách là bạn, chứ không cắm mặt vào smartphone như nhiều bạn cùng trang lứa. Để tạo được thói quen này không chỉ ngày một ngày hai mà phải có cả quá trình đồng hành với con để đọc sách và tạo thói quen yêu sách”, chị Nhi chia sẻ.

Tại Nhà sách Fahasa (đường Lê Duẩn) vào một ngày trong tuần, ở khu vực tầng 4 - không gian sách dành cho thiếu nhi, bất kể giờ nào cũng có từ 15-20 bạn trẻ đang say sưa với những cuốn sách trên tay. Có lẽ đây thực sự là tín hiệu vui với ngành xuất bản Việt Nam, đặc biệt là với mảng sách dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Ông Đoàn Thành, Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Đà Nẵng cho hay, từ khi Fahasa dành riêng khu vực tầng 4 cho thiếu nhi đọc sách, vui chơi lắp ráp lego, lượng bạn đọc nhỏ tuổi đến nhà sách tăng đột biến. Không chỉ bố trí không gian rộng rãi, thoáng đãng, chỗ ngồi đọc sách thích hợp, nước uống miễn phí, nhà sách còn tổ chức nhiều hoạt động tương tác vào các ngày cuối tuần (tặng bánh kẹo, chụp ảnh với chú hề - PV), hoạt động trong tháng (tặng gấp hình origami, tạo hình từ đất nặn, tô tranh miễn phí - PV), hoạt náo vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Giáng sinh… “Phụ huynh đa phần thích con mình ham học hỏi thông qua việc đọc sách nên sách thiếu nhi được bán rất chạy. Các nhà sách ngày càng khai thác nhiều đầu sách hay, phù hợp với các lứa tuổi thiếu nhi. Do vậy, các đầu sách thiếu nhi luôn đa dạng và phong phú”, ông Thành nói.

 Ảnh: QUỲNH TRANG
Các em nhỏ say sưa đọc sách tại Nhà sách Fahasa Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tại Chi nhánh NXB Trẻ Đà Nẵng (đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu), mặc dù quý 1 là thời điểm xảy ra Covid-19 khiến mọi hoạt động kinh doanh “đóng băng” nhưng NXB Trẻ vẫn phát hành ra thị trường gần 17.000 đầu sách các loại. Đó là chưa kể gần 20.000 đầu sách phát hành qua mạng lưới của Fahasa và Công ty Sách thiết bị trường học Đà Nẵng. Trong đó, sách thiếu nhi chiếm gần 70% tổng số sách phát hành.

Bà Huỳnh Thị Kim Em, Trưởng Chi nhánh NXB Trẻ Đà Nẵng cho hay, trong thời gian học sinh nghỉ học kéo dài vì Covid-19, số lượng sách thiếu nhi bán ra của NXB Trẻ vẫn tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được bán chạy nhất; tiếp đó là truyện tranh, truyện lịch sử Việt Nam, sách dạy kỹ năng sống cho trẻ, sách khoa học thường thức. “Đọc sách để bổ sung kiến thức, làm giàu thêm vốn ngôn ngữ và đọc để thêm yêu tiếng Việt, bởi sách là món ăn tinh thần rất bổ ích cho trẻ mà không một loại hình giải trí nào có thể thay thế được”, bà Kim Em nói.

Để kích thích các em nhỏ ham mê đọc sách, các đơn vị xuất bản ngày càng chú trọng đầu tư về nội dung và hình thức. Mùa sách hè 2020, NXB Kim Đồng mang tới cho độc giả nhí ấn phẩm mới Cổ tích thế giới hay nhất; phần truyện được chọn lọc và kể mới, phù hợp hơn với ngôn ngữ hiện đại và độc giả đương đại. Đặc biệt, Tủ sách Văn học trong nhà trường của NXB Kim Đồng được bổ sung thêm 4 tựa mới, gồm: Tập kịch kinh điển thế giới Lão Hà Tiện (tác giả Molière), Con chim xanh (tác giả Maurice Maeterlinck), Nguyễn Huy Tưởng - Kịch và văn, Truyện Tây Bắc (nhà văn Tô Hoài). Bà Trần Thu Hồng, phụ trách NXB Kim Đồng (Chi nhánh ở đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) cho biết, sách dành cho thiếu nhi phải phát huy được cả hai yếu tố đọc và xem (tranh); cái gì đẹp, bắt mắt cũng sẽ dễ thu hút hơn.

Vì vậy, nhiều năm nay, NXB Kim Đồng nỗ lực đưa ra thị trường nhiều mẫu sách đẹp, độc đáo, có những cuốn sách với khổ sách lớn cỡ tạp chí, hình ảnh thiết kế theo dạng 3D hay pop-up, mở mỗi trang sách ra như thể được bước vào một thế giới mới lạ, thu hút sự chú ý của trẻ ngay lập tức. “Dù vậy, sự đổi mới sáng tạo về hình thức, chú trọng về nội dung khiến giá thành sách đội lên cao. Chúng tôi đang cố gắng cổ vũ tinh thần đọc sách cho trẻ bằng cách tạo nhiều chương trình giảm giá ưu đãi để mọi đối tượng bạn đọc cả nước đều có thể làm bạn với sách”, bà Hồng nói.

Chưa nhiều tác giả quan tâm

Trong những năm gần đây, thị trường sách thiếu nhi nhận được sự quan tâm của không chỉ phụ huynh, nhà trường, mà còn cả xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty sách tư nhân tạo nên làn sóng mới cho thị trường, sách được phát hành không chỉ hay mà còn phải đẹp. Đi đầu trong xu hướng này là Đông A, Đinh Tị, Nhã Nam; thời gian gần đây nổi lên AnBooks với sách tương tác cho thiếu nhi, trong đó có cuốn Nhật ký của Lucky - Lucky’s Diary (song ngữ Anh - Việt).

Tại Đà Nẵng, sự xuất hiện của các nhà sách lớn tạo nên không khí mua và đọc sách sôi nổi trong trẻ em. Dù vậy, theo một số chuyên gia làm việc trong lĩnh vực xuất bản, thị trường sách thiếu nhi ở Đà Nẵng còn ở dạng tiềm năng. Mặt khác, dường như các nhà văn của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng chưa dành tâm sức cho mảng sách thiếu nhi. Nhắc đến tác giả viết sách cho thiếu nhi cũng quanh đi quẩn lại là Thanh Quế, Nguyễn Kim Huy… Trong khi đó, những tác phẩm của các tác giả này cũng là những câu chuyện cũ được tái bản, không có tác phẩm mới.

Nhà văn Ngô Thị Thục Trang chia sẻ, thị trường sách thiếu nhi giai đoạn này khá đa dạng, phong phú. Các tác giả hiện nay chuyên viết cho thiếu nhi như Võ Thu Hương, Dương Hằng vẫn đều đặn ra sách. Các tác giả khác vẫn dành tình cảm cho mảng đề tài thiếu nhi như Văn Thành Lê, Phương Huyền. Nhưng đúng là chưa có cuốn sách nào trở thành hiện tượng, chưa có tác giả nào làm nên “cơn sốt” cho các bạn nhỏ. Lựa chọn chủ yếu hiện nay của học sinh tiểu học và vài lớp đầu khối THCS vẫn là truyện tranh, đặc biệt là truyện tranh nước ngoài.

Vì thiếu nguồn lực tác giả viết cho thiếu nhi nên thời gian dài các NXB, các nhà sách liên kết tập trung khai thác mảng truyện dịch nước ngoài. Ví như bộ sách Danh nhân thế giới (gồm 10 cuốn, ra mắt vào giữa năm 2019 của NXB Kim Đồng) là tập sách công phu về cả nội dung lẫn hình thức. Mỗi câu chuyện gắn với cuộc đời các danh nhân đều được minh họa ngộ nghĩnh, lời văn dí dỏm, giúp trẻ dễ tiếp thu và tạo hứng khởi đọc. Hiện nay, ngoài dòng truyện dịch, các NXB hướng đến dòng sách kỹ năng cho trẻ.

Đầu tháng 6 vừa qua, NXB Kim Đồng ra mắt bộ sách Bé ngoan rèn thói quen tốt với các chủ đề: học cách kiên trì, học cách nhẫn nại, học cách tập trung... “Những kỹ năng như thoát hiểm, làm gì khi ở nhà một mình, đối phó với kẻ xấu trong thang máy… đều rất cần thiết. Việc dạy trẻ thành thục các kỹ năng này thông qua những ví dụ dí dỏm từ trang sách là “một công đôi việc”, giúp trẻ vừa chơi vừa học. Vì vậy, phát triển dòng sách này là hướng đi cần thiết, đúng đắn của các NXB, các nhà sách liên kết”, ông Trần Văn Ban, Phó Ban biên tập NXB Đà Nẵng, nói.

"Chúng ta đang thiếu lực lượng nhà văn trẻ có thể sáng tác những tác phẩm mang ngôn ngữ thời 4.0. Sách dành cho thiếu nhi giai đoạn này vẫn chủ yếu khai thác từ các bản dịch nước ngoài và thiên về dòng sách dạy kỹ năng cho trẻ"

Ông Trần Văn Ban, Phó Ban biên tập NXB Đà Nẵng

QUỲNH TRANG

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích