Những ngày Đà Nẵng căng mình chống dịch, đêm đêm, Thạc sĩ - bác sĩ CKII Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hòa Vang, Giám đốc Bệnh viện dã chiến Hòa Vang lại mở facebook để ghi nhật ký chống dịch. Mỗi đêm như thế, ông đều bắt đầu bằng dòng chữ: “Bệnh viện dã chiến Hòa Vang - Không có gì đáng sợ!”.
Các bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Ảnh: KHÁNH HƯNG |
Bác sĩ Vĩnh viết: Bệnh viện dã chiến Hòa Vang - Không có gì đáng sợ! Hậu phương - tiền tuyến, có lẽ đây là những từ được nhắc nhiều nhất trong giai đoạn này trên quê hương chúng tôi, vì chống dịch như chống giặc mà. Mỗi người mỗi việc, chúng ta cùng chung một mục tiêu và ý chí phải thắng. Chắc chắn thôi! Vì HẬU PHƯƠNG vững chắc, TIỀN TUYẾN tấn công!
Trong một dòng trạng thái khác trên facebook, bác sĩ Vĩnh viết: Bệnh viện dã chiến Hòa Vang - Không có gì đáng sợ! Một công việc khá “hot” trong bệnh viện dã chiến này là nghề “chạy vòng ngoài”. Các bạn là ai? Là những anh chị em không trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Công việc giống như tên, suốt ngày chạy lăng xăng xung quanh “điểm nóng” mà không thể vô được (dù rất muốn)… Xin trân trọng cảm ơn các anh chị em “chạy vòng ngoài” thật dễ thương và nhiệt huyết. Nắng vẫn chói chang và hoa vàng rực rỡ. Niềm tin và hy vọng với sự chung tay của cả nước, Đà Nẵng sẽ vượt qua bão giông!
Những dòng trên thường được bác sĩ Vĩnh viết rất khuya, có lúc rạng sáng sớm. Ông cho biết, bởi chỉ những lúc đó mới có chút thời gian để viết một cái gì đó, vừa muốn viết cho riêng mình, vừa muốn động viên đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.
Nhiều cung bậc cảm xúc
Bác sĩ Vĩnh không ngủ được bởi những cảm xúc lẫn lộn trong những ngày căng mình chống dịch. Ông lo âu, hồi hộp khi TTYT huyện Hòa Vang (Bệnh viện Hòa Vang) được chọn làm nơi thiết lập bệnh viện dã chiến đầu tiên của thành phố với quy mô 200 giường để điều trị bệnh nhân Covid-19. Ông cảm phục trước quyết tâm, trách nhiệm và tay nghề của đội ngũ chuyên gia từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy… tiếp sức cho Đà Nẵng, cùng xây dựng và đưa Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đi vào hoạt động trơn tru, hiệu quả một cách thần tốc. Ông vui khi những ca bệnh nặng được chữa trị vượt qua giai đoạn nguy kịch và cảm xúc vỡ òa khi những ca đầu tiên âm tính (-) trở lại…
Bệnh viện Hòa Vang, từ một bệnh viện tuyến huyện, trong đại dịch lần này đã “lột xác”. Các y, bác sĩ được tập huấn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và cả tâm lý. Họ lao vào “tâm dịch” để chữa trị cho những bệnh nhân nặng mắc Covid-19 chuyển về, việc mà trước đây họ chưa từng làm.
Bác sĩ Vĩnh cho biết, trước thời điểm xảy ra Covid-19 đợt hai, Bệnh viện Hòa Vang như các bệnh viện tuyến quận, huyện khác, nghĩa là tiếp nhận, điều trị “đa khoa” cho người dân, nhưng cũng chỉ là những trường hợp nhẹ, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Các ca nặng hơn đều phải chuyển lên tuyến trên. Chưa kể người dân vẫn có tư tưởng đi thẳng lên tuyến trên để điều trị.
Kể từ khi thành phố có kế hoạch thiết lập Bệnh viện Hòa Vang thành Bệnh viện dã chiến, bản thân bác sĩ Vĩnh và các y, bác sĩ ở đây đều bỡ ngỡ, lo lắng và hồi hộp lắm. Mọi thứ bắt đầu đều từ số 0, ngổn ngang trăm mối. “Cho đến khi triển khai Bệnh viện dã chiến, anh em chẳng biết bắt đầu từ đâu, sắp xếp ra làm sao, vì chưa hề có kinh nghiệm. Có một Điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Bạch Mai vào giúp đỡ. Chỉ trong 2 giờ đồng hồ, chị ấy miệng nói, tay làm, đã giúp đội ngũ điều dưỡng của Bệnh viện dã chiến như “lột xác” hẳn. Phương châm “cầm tay chỉ việc” của chị ấy đã giúp các điều dưỡng Bệnh viện dã chiến nắm bắt ngay tất cả quy trình, sắp xếp công việc trơn tru, khoa học và nhanh chóng nhất”, bác sĩ Vĩnh chia sẻ.
“Các chuyên gia giúp đỡ, tập huấn hằng ngày cho lực lượng nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang bằng những bài thực hành cụ thể về chuyên môn. Trên những chuyến xe thay ca đổi kíp, cũng chính các chuyên gia y tế đi cùng, nói chuyện, chia sẻ những chuyện đời thường, động viên, trị liệu tâm lý nên giúp anh em phấn chấn, vượt qua cái ngưỡng “sợ” ban đầu, nâng tầm chuyên môn và bảo đảm tâm lý để chiến đấu chống dịch”, bác sĩ Vĩnh nói.
Ngày thứ nhất bắt đầu tiếp nhận bệnh Covid-19 từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến, rồi ngày thứ hai, ngày thứ ba, lo lắng, hồi hộp, căng thẳng, vui, buồn…, rất nhiều trạng thái cảm xúc cứ đan xen trong bác sĩ Vĩnh, nhưng là “thuyền trưởng” nên ông luôn giữ sự điềm tĩnh. “Hiện tại, trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có thể khẳng định, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang hoàn toàn bảo đảm yêu cầu trong công việc”, bác sĩ Vĩnh nói.
Rồi vị bác sĩ sinh năm 1975 kể, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ, điều hành từ thầy cô, giáo sư đầu ngành về Hồi sức tích cực, Truyền nhiễm, Kiểm soát nhiễm khuẩn... của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy; sự tăng cường đội ngũ y, bác sĩ ưu tú từ các bệnh viện lớn trên địa bàn Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... đã tiếp thêm năng lượng, cả chuyên môn và tinh thần, giúp bệnh viện dã chiến hoạt động hiệu quả.
Niềm tin chiến thắng
Chỉ sau 3-4 ngày, một bệnh viện tuyến huyện đã có phòng Hồi sức cấp cứu và phòng Chạy thận nhân tạo. “Thật không thể hình dung được”, bác sĩ Vĩnh thốt lên. Có thể hiểu được việc nhanh chóng có phòng Chạy thận nhân tạo bởi thành phố đã quan tâm đặc biệt và có đề án triển khai phòng này tại Bệnh viện Hòa Vang, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 9, nay chỉ thúc đẩy đề án sớm hơn.
"... Lạc quan để tăng cường sức đề kháng, tiếc là bị khẩu trang che mất nụ cười. Nhưng hãy nhìn vào trong ánh mắt, sẽ hiểu thấu lòng nhau” Thạc sĩ - bác sĩ CKII Nguyễn Đại Vĩnh viết trên facebook |
Còn việc có Phòng Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Vĩnh cho rằng, đó là công lao của hàng chục chuyên gia đầu ngành từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy… Họ đến giúp đỡ Đà Nẵng với tâm thế: “Chưa đẩy lùi dịch bệnh thì chưa về!”. Từ tinh thần đó, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cũng xác định không bao giờ lùi bước trong cuộc chiến chống Covid-19; mọi người động viên nhau cùng cố gắng, cẩn trọng nhưng không sợ hãi…
Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được trang bị nhiều thiết bị y tế, máy móc, thuốc men, đồ bảo hộ… của các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I. Tính đến ngày 10-8, bệnh viện này đã tiếp nhận 180 bệnh nhân Covid-19 là những trường hợp từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về và các ca mắc mới. “Niềm vui là đã có những ca xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1, nhiều ca hết triệu chứng nhưng chờ kết quả xét nghiệm. Các bạn có phần yên tâm phải không, tôi cũng vậy!”, bác sĩ Vĩnh bày tỏ. Đến ngày 11-8, số bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang tăng lên gần 200 người.
Kể từ khi vận hành Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đến nay, một trong những điều làm bác sĩ Vĩnh cảm kích là tình cảm của người dân Đà Nẵng cũng như cả nước. Ông gọi đó là “tình quân dân”. “Hô gì đáp nấy, thiếu gì có nấy, thật sự xúc động. Ngày đầu tiên, chúng tôi nóng quá, không được mở điều hòa nên chỉ có cách dùng quạt công nghiệp. Những người bạn của tôi ngay lập tức mang lên 3 cái quạt công nghiệp, rồi sau đó thêm 3 cái nữa. Chúng tôi cần những bộ đồ vải để mặc bên trong đồ bảo hộ, các mạnh thường quân chở ngay đến vài trăm bộ. Chúng tôi cần những máy bộ đàm để thuận tiện cho công tác chỉ huy, liên lạc thì cũng được hỗ trợ ngay 7 máy, sau đó tăng lên 11 máy…”, bác sĩ Vĩnh kể.
Bệnh viện dã chiến chia ca để trực, thay ca thì phương pháp tốt nhất là các y, bác sĩ cần được “tiếp sức” bằng chocolate và nước bù điện giải. Trong cuộc chuyện trò chóng vánh với tôi, ông luôn nhắc đến tình cảm của “hậu phương” bởi sự quan tâm của mọi người dành cho tuyến đầu là động lực lớn để các y, bác sĩ cố gắng hết mình và cùng nhau tin rằng, ngày chiến thắng đại dịch sẽ đến rất gần.
TRỌNG HUY